Tiêu điểm

Quyết liệt thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2019

Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương nhằm triển khai nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã lan tỏa một không khí phấn khởi trong toàn dân, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo ảnh Việt Nam xin trích đăng một số nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị này.
Phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương và chân thành cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng các doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước về những kết quả, thành tích ấn tượng đã đạt được trong năm qua.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, năm 2018, đất nước ta vẫn tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn. Đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là về tài chính - tiền tệ và xuất khẩu dưới tác động của chiến tranh thương mại.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung ưu tiên thực hiện trong năm 2019. Trước hết là phải tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực ứng phó với những biến động bất thường của thị trường, nhất là thị trường thế giới; duy trì đà tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng trên cơ sở cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.


Tp. Hồ Chí Minh chào đón năm mới. Ảnh: TTXVN


Tháng 10/2018, Ngân hàng mô đầu tiên của Việt Nam đã khai trương tại Bệnh viện Việt-Đức.
Đây là địa chỉ tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển, cung ứng, trao đổi mô,
nhằm mục đích khám chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Ảnh: TTXVN


Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội phối hợp Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk tổ chức
lễ phát động thực hiện Chương trình Sữa học đường. Dự kiến có khoảng 1,2 triệu học sinh
thuộc diện được thụ hưởng Đề án Chương trình Sữa học đường của thành phố Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN


Du khách trải nghiệm “Cáp treo 3 dây vượt biển dài nhất thế giới – 7.899,9m”,
nối thị trấn An Thới qua Hòn Rỏi, Hòn Dừa tới Hòn Thơm (Phú Quốc - Kiên Giang). Ảnh: Gia Thuận/TTXVN

Muốn thế, phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ một cách thực chất những ách tắc, rào cản đối với các hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật hoặc văn bản được ban hành có nội dung không rõ ràng, thiếu chuẩn xác…

Đồng thời, phải phát triển đồng bộ, lành mạnh các loại thị trường, nhất là các thị trường hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và thị trường các yếu tố sản xuất, bảo đảm cung cầu trên thị trường và các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh việc sắp xếp lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển…

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tạo chuyển biến về chất, có tính đột phá trên các lĩnh vực này để nền kinh tế nước ta thực sự vận hành theo cơ chế thị trường, tuân thủ đầy đủ, đúng đắn các quy luật của thị trường, phù hợp với thực tế phát triển đất nước trong tình hình mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần quan tâm hơn nữa việc xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết của Trung ương về lĩnh vực này; quán triệt sâu sắc quan điểm: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội"; "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"; văn hóa có mạnh, xã hội có ổn định, phát triển hài hòa, con người có phát triển toàn diện, đất nước mới phát triển nhanh và bền vững; phải thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi, từng chính sách...

Trong việc xây dựng văn hóa, phát triển xã hội, chăm lo xây dựng con người, cần hết sức chú ý việc giữ gìn và phát huy truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc; giáo dục bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, nhân cách con người Việt Nam; xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận, hạnh phúc; phát triển xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đồng thời, tập trung ưu tiên xử lý một cách căn cơ, bài bản những vấn đề xã hội bức xúc hiện nay như: khoảng cách giàu - nghèo và trình độ phát triển có xu hướng doãng ra; tỉ lệ số hộ cận nghèo, tái nghèo còn lớn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đạo đức xã hội xuống cấp, tệ nạn xã hội gia tăng, kể cả trong công sở, bệnh viện, trường học…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại toàn diện về quốc phòng, an ninh theo tinh thần "giữ nước từ xa", "giữ nước từ khi nước chưa nguy", không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu, phải đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nhân dịp năm mới 2019 và đón Xuân Kỷ Hợi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc Chính phủ và chính quyền các địa phương tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả và bài học kinh nghiệm đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hoạt động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả hơn, hoàn thành trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó./.
Bài: VNP Tổng hợp: Ảnh: TTXVN
 
 

Quan hệ Việt Nam - Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Quan hệ Việt Nam - Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Australia đã xây dựng mối quan hệ vững chắc và toàn diện trên cơ sở tin cậy chiến lược và hiểu biết lẫn nhau. Nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong tháng 3 vừa qua theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, hai bên đã công bố nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Top