Ngày xưa, phố Lê Công Kiều chỉ là một con hẻm. Năm 1920, chính quyền Pháp mở rộng và đặt tên là đường Reims. Năm 1955, chính quyền Sài Gòn đổi thành Lê Công Kiều, tên của một đốc binh thời phong trào Cần Vương chống Pháp.
Phố này chỉ dài hơn 200m, vài chục năm nay diện mạo hầu như không thay đổi nhiều. Các cửa hàng đều được đánh số mà không cần bảng hiệu gì. Người mua muốn kiếm loại nào thì cứ nhìn vào số là tìm đến. Ví dụ, khách muốn kiếm các mặt hàng gốm sứ thì cứ vào các cửa hàng số 19, 21, 23. Muốn kiếm chiêng cổ, đầu tượng Khmer thì vào các cửa hàng số 34, 36, 38, 40. Muốn kiếm các loại bàn ghế, tủ, trường kỷ thì vào các cửa hàng số 15 và 36. Phía cuối đường lại có rất nhiều cửa hàng bán đồ sơn mài, đồ gỗ, hoành phi, câu đối… Vì vậy mà phố Lê Công Kiều được người ta gọi là con phố xưa nhất Sài Gòn, vì ở đây người ta đang mua bán “thời gian”. Thời gian ở đây là đồ cổ, càng lâu năm càng giá trị.
“Phố đồ cổ mở cửa từ lúc 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều hàng ngày. Giới chơi cổ vật thường xem đây là nơi có thể mua được những đồ vật quý. Nếu là người sành về đồ cổ và gặp may, họ có thể sở hữu được những món đồ rất giá trị mua với giá rẻ”, ông Bảo Tâm, một chủ cửa hàng có thâm niên hơn 20 năm ở phố đồ cổ cho biết.
Phố Lê Công Kiều chỉ dài hơn 200m nhưng rất nổi tiếng ở Tp. Hồ Chí Minh.
Nhiều người đam mê thú chơi đồ cổ có thể tìm thấy ở con phố này những cổ vật có giá trị. |
Đến phố đồ cổ này, bạn sẽ được nghe nhiều câu chuyện thú vị trong việc buôn bán đồ cổ. Chẳng hạn như chuyện có một ông lão mang đến phố này một bó tranh, dân đồ cổ vỉa hè “nghía” qua, song không ai biết đó thuộc dạng tranh gì. Sau này, có người phát hiện bó tranh này là những bức tranh cổ đời Minh, mỗi bức trị giá có đến cả ngàn USD. Hay như chuyện một thương gia Pháp đã bỏ ra 50.000 euro để có được một chiếc chậu nhỏ bằng pha lê quý ở một cửa hàng đồ cổ trên phố Lê Công Kiều, bởi nó có thể làm cho nước trong vắt trong chậu đổi thành bảy màu sóng sánh…
Ngoài những điều kể trên, phố Lê Công Kiều còn là nơi chuyên bán những món đồ giả cổ rất tinh xảo. Nếu ai muốn trang trí nhà cửa hoặc muốn tạo ra những không gian cổ kính cho quán cà phê của mình thì nơi này chính là điểm lý tưởng để tìm mua những vật dụng đó.
Đối với du khách nước ngoài, phố đồ cổ Lê Công Kiều là một điểm khám phá thú vị khi họ đặt chân đến Tp. Hồ Chí Minh. Hàng ngày, con phố nhỏ hẹp, cũ kỹ này đón rất nhiều lượt khách. Họ muốn đến tận nơi, sờ tận tay để được khám phá những hiện vật của nhiều thời kỳ, hiểu thêm về văn hóa cũng như đời sống của người xưa qua những cổ vật. Họ có thể lựa chọn những món đồ để có thể làm quà hay làm kỷ niệm khi rời Tp. Hồ Chí Minh.
Một cửa hàng bán đồ cổ trên phố Lê Công Kiều.
Hai vị du khách người Nhật tỏ rất thú vị với những món đồ cổ được bày bán ở đây.
Một du khách người Trung Quốc tình cờ tìm thấy bức tượng Phật Bà Quan Âm
có niên đại từ thời nhà Thanh tại một cửa hàng bán đồ cổ trên phố Lê Công Kiều.
Phố đồ cổ Lê Công Kiều mở cửa từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều hàng ngày. |
Năm 2000, trong chuyến thăm Việt Nam, phu nhân của cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tham quan và mua sắm tại đây. Năm 2008, tổng thống Thụy Sĩ Pascal Couchepin cùng phu nhân cũng ghé thăm nơi này.
Sự độc đáo của phố đồ cổ Lê Công Kiều đã trở thành một nét riêng biệt, đặc sắc của Tp. Hồ Chí Minh vì không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà còn chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa, những giá trị lịch sử cùng sự trải nghiệm cuộc sống khi khám phá con phố nhỏ này./.
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Đặng Kim Phương