Văn hóa

Nữ biệt động Sài Gòn kể về thời kỳ gian khổ nhưng thanh xuân

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã trôi qua 50 năm, những nữ biệt động thành khi đó mới tuổi đôi mươi giờ đã già, tóc bạc. Là những nhân chứng sống về một thời oanh liệt và hào hùng, họ gặp nhau ở buổi giao lưu tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (Tp. Hồ Chí Minh) để chia sẻ với lớp trẻ về những kỷ niệm chiến đấu và tình đồng đội gắn bó "thời biệt động thành gian khổ nhưng thanh xuân".
Buổi giao lưu diễn ra trong không khí xúc động. Anh hùng Lực lượng vũ trang Võ Thị Tâm, bà Đặng Thị Thiệp, bà Phan Thị Thúy, bà Đoàn Thị Nhỏ, bà Vũ Minh Nghĩa, bà Diệp Tú Anh - những nhân chứng sống của mội thời khói lửa - xúc động kể về những kỷ niệm chiến đấu trong nội thành Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. 


Cuộc hội ngộ của các nữ biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tham gia trong chiến dịch Mậu Thân 1968
tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Tp. Hồ Chí Minh.


Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã trôi qua 50 năm, những nữ biệt động thành năm xưa
khi mới tuổi 18, đôi mươi giờ đã già, tóc bạc chia sẻ những câu chuyện về nhiệm vụ của mình.


Bà Đặng Thị Thiệp kể lại kỷ niệm đóng vai vợ bé của chồng là anh hùng Trần Văn Lai để nhận nhiệm vụ
mua nhà ở đường Trần Quý Cáp, ngay trung tâm Sài Gòn từ năm 1965 và đào hầm trong chính căn nhà ấy để chứa vũ khí.


Bà Diệp Tú Anh nữ Biệt động Hoa vận kể chuyện cùng chị em người Hoa vận chuyển vũ khí cho cách mạng.


Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tp. Hồ Chí Minh tặng hoa nữ biệt động.


Nữ du kích Củ Chi bị thương mất cánh tay trái năm 1970 chia sẻ những trận đánh của mình.


Bà Nguyễn Thị Yên Thảo cán bộ tình báo nội đô trong buổi hội ngộ hôm nay.


Bà Võ Thị Tâm giao lưu với thế hệ trẻ.



Thế hệ trẻ hôm nay xúc động với các câu cuyện của các nữ biệt động.

Để có những trận đánh nổi tiếng trong tết Mậu Thân năm 1968 như: Dinh Độc Lập, khách sạn Majestic, Đại sứ quán Mỹ, Tổng nha cảnh sát, khách sạn Carallelle, các nữ biệt động thành đã tích cực tham gia chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu từ nhiều năm trước. Mỗi người được phân công những nhiệm vụ khác nhau như: Là cơ sở mật, cất giấu vũ khí - tài liệu và cán bộ nội tuyến trong lòng địch, cán bộ giao liên dẫn đường, trinh sát… Để hoạt động bí mật tồn tại, những nữ biệt động thành phải hóa thân thành những người bán rau, thợ may, công nhân, thậm chí còn đóng giả là vợ chồng với đồng đội của mình để tồn tại trong lòng địch.

Bà Đặng Thị Thiệp phải đóng vai vợ bé của chồng là anh hùng Trần Văn Lai để nhận nhiệm mua nhà ở đường Trần Quý Cáp, ngay trung tâm Sài Gòn từ năm 1965 và đào hầm trong chính căn nhà ấy để chứa vũ khí. Bà nhớ lại: “Tổng cộng có tám chuyến vũ khí được chở đến để ở hầm nhà tôi. Chuyến cuối cùng là ngày 28 tết. Sau Mậu Thân tôi không về căn nhà này nữa cho đến năm 1975 hòa bình tôi mới về tiếp quản căn nhà này”.

Còn bà Nguyễn Thị Mai nhớ như in mỗi lần làm nhiệm vụ. Hóa thân là tiểu thương buôn bán rau ở các chợ tại Hóc Môn, Củ Chi từ ngoại thành về nội thành. Cứ mỗi chuyến hàng, phía trên chất đầy rau còn phía dưới là vũ khí, tài liệu, truyền đơn... Với sự khéo léo của mình, bà vận chuyển thành công rất nhiều chuyến hàng để chuẩn bị cho các trận đánh tết Mậu Thân 1968. Ba lần bị địch bắt và tra tấn tàn độc nhưng địch vẫn không khai thác được gì từ bà. Huyền thoại nữ biệt động thành được mệnh danh là “Con thoi sắt bay bổng khắp thành phố” có cuộc đời cách mạng lừng lẫy với chiến công thành lập được 6 hầm vũ khí trong nội đô Sài Gòn, tạo hơn 20 cơ sở nuôi cán bộ, chăm sóc thương bệnh binh.


Trong chiến dịch Mậu Thân, nữ biệt động thành Đoàn Thị Nhỏ được giao nhiệm vụ dẫn đường cho 11 đồng chí đặc công từ Tây Ninh về nội đô Sài Gòn. Bà kể, nguy hiểm luôn rình rập trên suốt chặng đường hành quân, để đảm bảo bí mật phải nghĩ ra nhiều cách khác nhau như: Đưa các chiến sĩ vào rạp hát, hóa thân thành người biểu diễn tạp kỹ, người xem, người phục vụ gánh xiếc...  

Bà Vũ Minh Nghĩa năm nay 68 tuổi là nữ biệt động thành duy nhất trong đội 15 chiến sĩ đánh Dinh Độc Lập mồng 2 Tết Mậu Thân. Bà nghẹn ngào kể lại: “Cả đội 15 người chiến đấu cho đến viên đạn cuối cùng. 8 người hy sinh. Chúng tôi cố thủ tại một tòa cao ốc đang xây dở. Hết đạn lấy đá làm vũ khí. Sau đó bị bắt nhưng vẫn không khai nửa lời. Bà Nghĩa bị giam cầm ở các nhà tù Tổng nha Cảnh sát, Thủ Đức, Biên Hòa, Chí Hòa và cuối cùng là nhà tù Côn Đảo mãi đến năm 1974 bà mới được thả.



Bà Nguyễn Thị Yên Thảo cán bộ tình báo nội đô lúc trẻ.


Hình ảnh Cuộc biểu tình của Hội bảo vệ về quyền lợi phụ nữ tổ chức tại Sài Gòn năm 1968.


Máy may của bà Nguyễn Thị Đại (Tư Đại) sử dụng
để may Cờ mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền nam phục vụ trong Mậu Thân năm 1968.


Các nữ biệt động tham quan Triển lãm những kỷ vật Sài gòn Gia định Tết Mậu Thân năm 1968.


Các nữ biệt động là những nhân chứng sống về một thời oanh liệt và hào hùng,
đặc biệt là chiến dịch Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn.

50 năm trôi qua, các nữ biệt động Sài Gòn gặp lại nhau trong tình đồng chí, đồng đội của một thời "vào sinh ra tử". Ngắm nhìn lại những hiện vật, vật dụng, hình ảnh của thời trẻ họ lại càng thương nhớ những đồng đội của mình đã hy sinh. Bà Lê Hồng Quân, Tiểu đoàn trưởng nữ biệt động Lê Thị Riêng năm xưa bồi hồi chia sẻ: "Nhiều lúc nhớ đồng đội quá, cô lại lấy những kỷ vật cũ ra ngắm. Nhớ về đứa này, đứa kia. Cái thời biệt động thành gian khổ nhưng thanh xuân"./.
 
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Đặng Kim Phương


Top