Văn hóa

Những hình ảnh về cuộc chiến tại Cao Bằng 40 năm trước

Chiến tranh biên giới Việt – Trung (2/1979) đã lùi xa 40 năm, là một phóng viên từng lăn lộn trên mặt trận Cao Bằng ngay từ ngày đầu, nhà báo, NSNA Trần Mạnh Thường vẫn còn lưu những những bức ảnh và ký ức không thể nào quên về cuộc chiến tranh vệ quốc hào hùng của dân tộc.
Khi cuộc chiến xảy ra, những người chiến sỹ trên mặt trận truyền thông chúng tôi không một chút mảy may so tính, mà chỉ với tinh thần xả thân vì nhiệm vụ, nghe theo lời kêu gọi của Tổ quốc thân thương và với lòng tự tôn là những người con đất Việt, chúng tôi thanh thản lên đường ra mặt trận bảo vệ đất nước.

Suốt những ngày cuộc chiến ác liệt, với sự giúp đỡ của hai chiến sỹ công an vũ trang, tôi có điều kiện đi khắp chiến trường Cao Bằng từ Thông Nông qua đèo Mã Quỷ đến Trà Lĩnh kiên cường, từ Trùng Khánh vượt đèo Mã Phục đến Hà Quảng, Quảng Hoà… Với chiếc máy ảnh Zenit và 20 cuộn phim Orwo, tôi đã ghi lại được  hình ảnh các tổ chiến đấu anh dũng của dân quân, tự vệ bộ đội địa phương Cao Bằng đã đập tan các cuộc tấn công của kẻ thù, bắn cháy và bắt sống hằng chục chiếc xe tăng, thu hàng trăm vũ khí các loại và nhiều dụng cụ chiến tranh, hàng ngàn tên địch bị đền tội  hoặc bắt làm tù binh.
Cầu sông Bằng ở thị xã Cao Bằng bị quân  xâm lượcTrung Quốc đánh sập.


Quân xâm lược Trung Quốc phá nát bệnh viện Trùng Khánh.


Khu phố Vườn Cam, thị xã Cao Bằng bị quân bành trướng Bắc Kinh đánh mìn tan tành.


Ngôi chùa ở thị xã Cao Bằng bị quân Trung Quốc đặt mìn phá sập
Là một chứng nhân sự kiện, tôi đau đớn thu vào ống kính sự tàn phá dã man, giết người một cách man rợ của quân lính bành trướng Trung Quốc khi đó. Cho đến nay tôi vẫn không thể nào quên trong dòng người chạy loạn, hình ảnh một bé gái cõng em chạy giặc bị lạc bố mẹ, đói khát, mệt mỏi, nhưng hai em được bà con cưu mang, chăm sóc. Trên đường từ Hoà An xuôi theo quốc lộ 3, đến cầu Tài Hồ Sìn, tôi chợt thấy em bé khoảng 3 tuổi đang mếu máo bên người mẹ nằm bất động máu loang đầy người, cùng lúc đó, một chiếc Comangca chạy đến, bỗng đổ lại, một cô bộ đội, súng AK đeo vai, lưng quàng balô, nhảy xuống vội bế em bé vào lòng đưa về tuyến sau.

Bộ đội hành quân lên biên giới chi viện cho mặt trận Cao Bằng.


Một đơn vị chiến đấu của bộ đội huyện Trùng Khánh, Cao Bằng.


Cô bộ đội trên đường hành quân ra trận đã cứu sống em bé.


Một đơn vị chiến đấu của bộ đội huyện Trà Lĩnh.


Pháo cao xạ của tự vệ nhà máy thiếc Tỉnh Túc, Nguyên Bình.


Truy kích địch trong thị trấn Nước Hai, huyện Hoà An.


Những chiếc xe tăng của quân xâm lược Trung Quốc, bị bộ đội ta bắn cháy tại bản Sẩy, thị trấn Nước Hai, Hoà An.


Những chiếc xe tăng của quân xâm lược Trung Quốc, bị bộ đội ta bắn cháy tại bản Sẩy, thị trấn Nước Hai, Hoà An.


Chiếc xe tăng của quân xâm lược Trung Quốc vừa lên đồi Nà Toòng, thị xã Cao Bằng đã bị quân ta tiêu diệt.

Quân ta bắt sống chiếc xe tăng của quân địch tại bản Sẩy.
 
Các y tá sơ cứu tù binh tại mặt trận Cao Bằng.
 
Hai nữ chiến sỹ dẫn tên tù binh về hậu cứ.


Các chị dân quân người Tày, huyện Phục Hoà chuyển lương thực ra chiến trường.

Nữ y tá bệnh viện Phục Hoà và các chị dân quân người Tày chuyển thương binh về hậu cứ.

Cuộc chiến diễn ra tuy rất ngắn, nhưng sự tàn khốc của nó không máy ảnh, ngòi bút nào tả hết và dù kẻ thù tàn bạo đến đâu, song tôi vẫn tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi tất yếu của quân dân ta bởi chính nghĩa thuộc về quân và dân Việt Nam, chúng ta chiến đấu để bảo vệ chủ quyền quốc gia chống quân xâm lược./.

Bài và ảnh:  Mạnh Thường

DK1 vững vàng nơi đầu sóng

DK1 vững vàng nơi đầu sóng

Trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, hơn 35 năm qua, Nhà giàn DK1 vẫn luôn đứng đó, sừng sững, hiên ngang như một “pháo đài thép”. Giữa sóng gió trùng khơi, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 vẫn luôn nắm chắc tay súng, vững chân sóng giữ cho lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay, khẳng định đanh thép chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Top