Khám phá

Một sớm đi chợ nổi Cái Bè

Chợ nổi miền Tây vốn là một nét văn hóa đặc trưng của cuộc sống người dân miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long, đây không chỉ là nơi giao thương mà còn là điểm du lịch thú vị thu hút du khách muốn trải nghiệm cuộc sống trên bến dưới thuyền nơi miền sông nước.
Nhiều cái tên chợ nổi được mọi người biết đến như: Phụng Hiệp, Cái Răng, Ngã Bảy, Cái Bè… trước đây luôn tập trung một lượng xuồng ghe tấp nập. Tuy nhiên, ngày nay khi các tuyến đường bộ nối liền các tỉnh miền Tây được cải thiện thì việc người dân chuyển dần sang giao thương buôn bán bằng đường bộ nhiều hơn, vì thế các chợ nổi cũng dần vắng bóng các thương hồ. Các chợ nổi thu dần phạm vi hoạt động, chuyển thành điểm buôn bán nhỏ lẻ cho những người dân sống dọc bến sông và đặc biệt trở thành điểm tập kết của những chuyến hàng nông sản từ các địa phương khác.

Để trải nghiệm không khí chợ nổi miền Tây, chúng tôi xuôi quốc lộ 1 về thị trấn Cái Bè, tỉnh Tiền Giang để khám phá chợ nổi Cái Bè, cách TP.HCM khoảng 80km. Ngày nay, chợ nổi Cái Bè chỉ còn khoảng trên dưới 30 ghe, thuyền, thường họp chợ vào buổi sáng. Ngoài chức năng là điểm giao thương buôn bán trao đổi hàng hóa thì ngày nay chợ nổi Cái Bè còn là điểm du lịch kết hợp với các địa chỉ tham quan lân cận, thu hút du khách trong nước và quốc tế.



Khung cảnh chợ nổi Cái Bè ngày nay với khoảng 30 ghe, thuyền lớn nhỏ hoạt động,
chợ nằm giữa hai cây cầu Cái Bè 1 và 2, thuộc thị trấn Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.


Đầu mỗi chiếc ghe, thuyền thương lái thường dựng một cây sào để treo lên đó những món đồ mà mình đang có bán.


Có những bạn thuyền neo sát lại với nhau tạo thành một nhóm, cũng có những chiếc nằm rời rạc tạo khoảng cách thông thoáng dễ buôn bán.


Một chiếc xuồng bán tạp hóa và các loại cây trái chạy bán dạo trên sông.


Người dân buôn bán ở chợ nổi phục vụ thức ăn cho khách du lịch khi đến tham quan.


Chợ nổi miền Tây là một nét sinh hoạt văn hóa của cư dân bản địa lâu đời,
mang đậm nét đặc trưng riêng nên luôn thu hút đông đảo du khách tham quan, khám phá.


Trong tuyến du lịch, du khách có thể ghé tham quan làng nghề truyền thống Đông Hòa Hiệp và trải nghiệm nghề làm bánh xếp ở địa phương.


Các nông sản, trái cây thường được treo lên trên thành xuồng, ghe để người mua có thể nhìn thấy từ xa.


Rất nhiều loại trái cây của địa phương được bày bán tại chợ nổi, như: nhãn, dừa, chôm chôm, khóm, mít…


Cửa hàng tạp hóa trên chiếc xuồng của cô Ngọc Hương đã buôn bán ở chợ nổi Cái Bè trên 15 năm,
trở thành một điểm dừng chân thú vị của nhiều du khách.


Bày bán nhiều nhất ở chợ nổi là các mặt hàng nông sản và các loại trái cây, rau, củ quả, trong đó mít là loại trái cây nổi tiếng ở Cái Bè.


Chợ nổi Cái Bè ngày nay tuy không còn nhộn nhịp như trước kia mà trở thành một điểm buôn bán,
trung chuyển hàng hóa gắn liền với các hoạt động du lịch tham quan ở địa phương. 

Chúng tôi được anh Ba Nghĩa, người có gần 10 năm làm nghề chở khách tham quan chợ nổi, đưa chúng tôi dạo một vòng chợ vào lúc sáng sớm. Ngày nay, các xuồng ghe tập trung về đây có thể dễ dàng phân biệt được các hoạt động buôn bán của họ: ghe nhỏ cập theo mép sông thì chuyên bán lẻ các mặt hàng rau, quả, nhu yếu phẩm cho các hộ dân sinh sống gần đó; các ghe, thuyền lớn thì tập trung ngay giữa lòng sông, là các thương thuyền từ các tỉnh miền Tây như An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ… mang theo các mặt hàng nông sản đặc trưng của mỗi địa phương để bán sỉ cho các thương lái địa phương. Thông thường người ta sẽ dựng một cây sào ở đầu ghe và treo tượng trưng món nông sản mà mình muốn bán, khi nào thấy trên cây sào không còn treo một cái gì nữa thì hiểu rằng họ đã bán hết món hàng đó.

Một loại tàu còn lại xuất hiện nhiều ở chợ nổi hiện nay là tàu du lịch, chuyên chở du khách trong và ngoài nước đến tham quan chợ nổi Cái Bè và một số địa điểm du lịch trong địa phương bằng đường thủy. Bắt đầu từ bến cảng Cái Bè, tàu du lịch sẽ chở khách tham quan chợ nổi Cái Bè, nhà thờ Cái Bè cổ kính nằm cạnh con sông, tham quan làng nghề truyền thống làm bánh kẹo Đông Hòa Hiệp cách đó không xa, tham quan các nhà vườn và thưởng thức đặc sản cây trái địa phương...

Sau khi tham quan, trên đường quay trở về chúng tôi ghé vào một chiếc ghe bán tạp hóa ở giữa chợ nổi để nghỉ ngơi. Cô chủ quán Ngọc Hương (65 tuổi) cho biết, cô làm nghề bán quán trên sông hơn 15 năm rồi. Ngoài bán cà phê, nước uống thì cô còn bán rất nhiều loại trái cây ở địa phương tùy theo từng mùa. Cô cũng cho biết vào những lúc cao điểm mỗi ngày có vài ba trăm khách ghé quán nước của cô, nghề này cũng giúp cô trang trải ổn định cho gia đình.

Tạm biệt quán nước giữa sông của cô Hương, chúng tôi lên tàu quay trở về bến kết thúc chuyến trải nghiệm trên sông Cái Bè.

Có thể nói chợ nổi Cái Bè cũng như những bến chợ khác giờ đây tuy đã giảm bớt sự náo nhiệt của một chợ nổi mang đặc trưng trên bến dưới thuyền xưa kia, trở thành một điểm trung chuyển hàng hóa của các thương lái và là một điểm tham quan, khám phá thú vị cho những ai yêu mến miền Tây sông nước./.

 
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân

Độc đáo Lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng

Độc đáo Lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng

Nằm tại phía Bắc Việt Nam, Cao Bằng tự hào là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Trong số đó, Lễ hội Nàng Hai ở xã Tiên Thành, Cao Bằng là một điểm sáng nổi bật vì nó mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Tày. Lễ hội diễn ra nhằm thể hiện lòng biết ơn, tôn kính với thiên nhiên và cầu mong cầu cho mùa màng bội thu.

Top