Nghệ thuật

Không gian nghệ thuật của Lê Giang

Là một trong những người khởi sướng không gian tương tác nghệ thuật cho nghệ sỹ trẻ, Lê Giang, nghệ sỹ thị giác, người sáng lập Six Space (không gian nghệ thuật thị giác đầu tiên tại Hà Nội), vừa qua đã được Forbes vinh danh trong danh sách 30 người trẻ dưới 30 tuổi nổi bật nhất tại Việt Nam năm 2018. 
Khởi sướng những xu hướng mới
Sau hai năm học cao học tại một trong những ngôi trường đào tạo nghệ thuật hàng đầu thế giới, Trường Đại học Nghệ thuật London (Anh), Lê Giang về nước và mang theo trong mình những hoài bão của một nghệ sỹ Việt trẻ được đào tạo ở trời Tây.
 
“Tôi muốn phổ biến những xu hướng và thay đổi cách nhìn về nghệ thuật của nhóm những người trẻ”, Lê Giang chia sẻ về những dự án nghệ thuật còn khá mới mẻ ở Việt Nam do cô khởi sướng.
 
Đầu năm 2013, Lê Giang đã lập xưởng nghệ thuật Blossom Art House và mở những 
khóa học (workshop) về nghệ thuật thị giác đầu tiên tại Hà Nội.
 
Mỗi khóa học là một cuộc trò chuyện cởi mở giữa những người yêu và muốn tìm hiểu về nghệ thuật, với sự chủ trì là một chuyên gia trong lĩnh vực đó. Lê Giang đã thực hiện được những 
khóa học về nghệ thuật thị giác với các chủ đề mà giới trẻ quan tâm như: chuyển động, nhiếp ảnh, kịch ứng tác, in ấn sách...
 

Tự hào hứng và những tín hiệu tích cực nhận được sau mỗi khóa học, Lê Giang đã cùng một người bạn là nghệ sỹ Đỗ Tường Linh thành lập ra Six Space, để mở rộng hoạt động hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ, đưa nghệ thuật thị giác gần hơn với cộng đồng. Dự án cũng là sự gặp nhau của hai người nghệ sỹ trẻ có cùng sở thích nghệ thuật thử nghiệm, ủng hộ nghệ sĩ mới, cởi mở kết nối với những nghệ sĩ quốc tế.


Nghệ sỹ thị giác Lê Giang tại Six Space, một trong những không gian nghệ thuật thị giác đầu tiên của Hà Nội.


Lê Giang (áo trắng) trong buổi lễ ra mắt triển lãm cá nhân.


Một tác phẩm điêu khắc của Lê Giang tham dự một triển lãm nghệ thuật tại Philippine.


Lê Giang đã từng say sưa nhồi một cái hố đen cho đến đẽo gọt một khối bọt trắng từa tựa như thạch cao…
được đặt giữa đường phố để chứng minh cho quan điểm phụ nữ cũng có thể làm được những tác phẩm điêu khắc như đàn ông.


Đầu năm 2013, Lê Giang đã lập xưởng nghệ thuật Blossom Art House
và mở những khóa học về nghệ thuật thị giác đầu tiên tại Hà Nội.


Lê Giang là hình ảnh của một người nghệ sỹ trẻ thích thử nghiệm, ủng hộ nghệ sĩ mới, cởi mở kết nối với những nghệ sĩ quốc tế.

“Six Space ra đời với quan niệm nghệ sỹ trẻ cần có những không gian nghệ thuật, chứ không đơn thuần chỉ là những gallery để treo và bày tác phẩm”, Lê Giang nói về sứ mệnh của Six Space.
 
Điểm khác biệt của Six Space với các không gian nghệ thuật khác ở Việt Nam đó là hướng đến người trẻ yêu nghệ thuật, không nhất thiết phải được đào tạo chính qui.
 
Ra đời đầu năm 2015, Six Space hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận và là một trong những không gian nghệ thuật thị giác đầu tiên tại Hà Nội.

Six Space đã khởi xướng một loại hình nghệ thuật khá mới mẻ ở Việt Nam, đó là một không gian nghệ thuật mở, nơi mà tại đó các nghệ sỹ trẻ, những công chúng yêu nghệ thuật được tương tác và thử nghiệm những xu hướng nghệ thuật mới lạ.

Với ý tưởng sử dụng internet như một không gian nghệ thuật mới, đầu năm 2017, Lê Giang đã thực hiện triễn lãm trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam “In_ur_scr!” (Viết tắt của “In your screen” có nghĩa là “trên màn hình”) cho phép người xem tự do truy cập và cảm nhận tác phẩm thông qua màn hình với các đường link và mã quét QR. 

Triển lãm ra mắt đã nhanh chóng gây chú ý với cộng đồng và khẳng định phong cách của Six Space - luôn ủng hộ sự táo bạo và thử nghiệm. Triển lãm là không gian để các nghệ sĩ trẻ “chưa tên tuổi” tham gia và thử nghiệm tác phẩm của chính mình.

Hướng đến mô hình giáo dục nghệ thuật bền vững
Được rèn luyện trong một môi trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp và khắt khe, Lê Giang luôn dám dấn thân vào con đường nghệ thuật mới lạ và không dễ đi. Nghệ thuật thị giác mà cô theo đuổi là một lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam.

Sau những dự án nghệ thuật khởi xướng xu hướng, Lê Giang lại đưa bản thân mình sang những dự án nghệ thuật, mà như lời của cô “bền vững và phục vụ cho công chúng Việt được nhiều hơn”.

Với quan điểm làm nghệ thuật đương đại nhưng không bỏ quên truyền thống, Lê Giang và nhóm đồng sự đã xây dựng dự án Artisan, “Tưởng tượng lại vai trò nghệ sỹ, nghệ nhân”, kết nối các nghệ sỹ trẻ với các nghệ nhân làng nghề. Trong 1 năm, hơn 80 làng nghề truyền thống của miền Bắc đã được Lê Giang và các nghệ sỹ trẻ đặt chân đến, để tìm hiểu, học hỏi và lắng nghe những trăn trở của các nghệ nhân.



Hiện nay, ngoài các hoạt động workshop, Lê Giang còn mở lớp dạy vẽ cho các em nhỏ tại không gian của Six Space.



Điểm khác biệt của Six Space với các không gian nghệ thuật khác ở Việt Nam
đó là hướng đến người trẻ yêu nghệ thuật, không nhất thiết phải được đào tạo chính qui.


Lê Giang (áo cam) tại buổi workshop triển lãm tác phẩm đồng sáng tạo sau khi kết thúc quá trình thực nghiệm tại các làng nghề.


Lê Giang chia sẻ với các em nhỏ về cách thức làm các sản phẩm nghệ thuật truyền thống theo nghệ thuật thị giác.


Nhóm cộng sự của Lê Giang là những nghệ sỹ trẻ ở cả trong và ngoài nước.


Lê Giang không “đóng đinh” mình với các đề tài mà đã được gán ghép với các nữ nghệ sỹ. Quan điểm của Giang đó là:
“Nếu những gì cánh đàn ông làm được, chẳng hạn làm ra những công trình điêu khắc lớn thì phụ nữ cũng có thể làm được”. 

Mục tiêu của dự án là xây dựng một bản đồ các làng nghề, nhằm tạo ra những sản phẩm thủ công truyền thống mang hơi hướng đương đại, trên cơ sở thúc đẩy khả năng sáng tạo của các nghệ nhân, thay vì dựa vào những mẫu đặt hàng có sẵn.

Cách tương tác nghệ thuật đương đại trong dự án làng nghề, theo Lê Giang, đó không chỉ là làm việc để ra sản phẩm cuối cùng, mà quan trọng là cách tương tác với nghệ nhân. “Chúng tôi cho họ biết là đây là cách nghĩ của chúng tôi. Từ đó chúng tôi muốn học và biết cách nghĩ của người nghệ nhân đó”, Lê Giang cho biết.

Cách thức giáo dục nghệ thuật luôn được Lê Giang lồng ghép trong những dự án kết hợp làm việc với cộng đồng. Trong dự án làm việc với các nhà máy tại Việt Nam mà Lê Giang và nhóm cộng sự đang lên kế hoạch cũng không ngoại lệ. Đây là dự án kết hợp với Trường đại học Sydney (Úc) và Tổ chức Unesco.

Theo đó nhóm cộng sự của Giang sẽ xuống các nhà máy sản xuất công nghiệp và dành thời gian 2 tháng lưu trú tại đó. Tại đấy, nhóm mong muốn sẽ tạo ra sự thay đổi nào đó trong việc sáng tạo ra các sản phẩm bằng việc can thiệp vào một khâu nào đó của nhà máy hay can thiệp vào cách thức tổ chức sản xuất của nhà máy.

Dự án mong muốn đổi mới trong cách thức sáng tạo, cách thức hoạt động ở các nhà máy sản xuất hàng hóa. “Dựa vào các nguyên liệu, một sản phẩm hàng hóa được tạo thêm một ý nghĩa nữa”, Lê Giang cho biết.

Theo Lê Giang, đấy là cái hay của nghệ thuật đương đại đi vào đời sống, không chỉ ở sản phẩm trực tiếp, cuối cùng mà ở các khâu. Đây là mô hình đã được phổ biến ở nhiều nước nhưng còn khá mới mẻ ở Việt Nam.

“Đó là cách người nghệ sỹ dấn thân và có tương tác nhiều hơn với đời sống đương đại”, Giang cho biết quan điểm của mình về người nghệ sĩ đương đại.

Có một mong muốn chung của con người đó là phát triển kinh tế, cuối cùng cái vươn tới lớn nhất vẫn là để đạt đến một đời sống nghệ thuật, đời sống tâm hồn phong phú, sinh động và có chiều sâu nhất. Và Lê Giang cũng đang đi trên con đường đó, con đường xây dựng một đời sống nghệ thuật sinh động hơn cho công chúng./.

 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Thanh Giang


Top