Thương hiệu Việt

James Boat –Tiên phong đóng tàu bằng vật liệu mới

Công ty Cổ phần Công nghệ James Boat (James Boat Technology) đã chinh phục được thị trường trong và ngoài nước bằng những sản phẩm tàu được đóng bằng vật liệu mới. Sự thành công này của James Boat Technology đã phát đi một tín hiệu tích cực cho ngành đóng tàu của Việt Nam vốn được đánh giá nhiều lợi thế và tiềm năng.
“Ý tưởng khởi nghiệp trong ngành đóng tàu của tôi hình thành từ những chuyến đi thăm biển, sông ngòi của quê nhà”, ông Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch HĐQT James Boat Technology, một Việt kiều đã sinh sống hơn 30 năm tại Cộng hòa Séc, chia sẻ về lý do thành lập doanh nghiệp đóng tàu tại Việt Nam.

Xét về mặt địa lý, Việt Nam được đánh giá có điều kiện thuận lợi nhất nhì trong khu vực để phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, với đường bờ biển dài và vùng đặc quyền kinh tế trên biển Đông rộng hơn 1 triệu km2.Việt Nam cũng là một trong 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về độ dài của bờ biển ở ba hướng Đông, Nam và Tây Nam.

Trở về Cộng hòa Séc sau những chuyến thăm quê nhà, ông Sơn bắt đầu tìm đến các công ty để tìm hiểu về công nghệ đóng tàu. “Tôi đã quyết định làm việc với phía bạn để chuyển giao toàn bộ công nghệ hàn nhiệt vật liệu mới Copolymer Polypropylene Polystone (PPC) về việt Nam sản xuất”, ông Sơn nói về thời khắc ra quyết định quan trọng.

Để có hiểu biết kỹ hơn về công nghệ này, ông Sơn sau đó tiếp tục đi thăm các nước Đức, ý, Ba Lan, Croatia, … trước khi mang công nghệ hàn nhiệt mới này về Việt Nam. Năm 2013, James Boat Technology chính thức được thành lập.


Hệ thống máy cắt CNC hiện đại bằng tia nước trong xưởng đóng tàu của Công ty cổ phần công nghệ James Boat. Ảnh: Công Đạt


Công nhân thực hiện công đoạn ghép các chi tiết của tàu theo phương pháp đóng úp. Ảnh: Công Đạt


Thi công hoàn thiện bên trong buồng lái. Ảnh: Công Đạt


Công nhân vệ sinh khung tàu chất liệu composite. Ảnh: Công Đạt


Toàn bộ phần thân tàu và các chi tiết của tàu được đổ bằng chất liệu composite. Ảnh: Công Đạt


Một số tàu bằng chất liệu composite đã hoàn thiện phần thân vỏ, ngoại thất. Ảnh: Công Đạt


Công ty Cổ phần Công nghệ James Boat bàn giao xuồng tuần tra cao tốc MS 50S cho Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Ảnh: Tư liệu


Tàu tuần tra MS 50S được chế tạo từ vật liệu PPC (RochlingCHLB Đức) . Ảnh: Tư liệu

Theo ông Sơn, vật liệu PPC là bước đi đột phá trong ngành vật liệu mà đã được các nước phát triển Châu Âu sử dụng vì tính đàn hồi tốt, chịu được sức va đập mạnh, tàu có thể tiết kiệm nhiên liệu từ 20 – 30 %. Đặc biệt, trong quá trình vận hành, tàu không gỉ, dễ dàng rửa sạch được bằng bọt biển và vòi nước áp lực cao, không bị các loài thủy sinh như hầu, rong rêu bám vào thân hay đáy. Ngoài ra, vật liệu có thể tái chế 100% nên không gây hại môi trường hay tốn chi phí tái chế.

Chính sự đột phá trong vật liệu này, chỉ sau 5 năm có mặt trên thị trường, Công ty đã cung cấp 52 xuồng tuần tra cao tốc MS 50S cho Bộ Tư lệnh cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng; 10 ca nô phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cho Cục Cứu nạn PCCC, Bộ công an; xuồng công tác, xuồng cứu hộ cứu nạn cho viện thiết kế Tàu quân sự; thuyền vượt sông nhẹ cho viện kỹ thuật công binh – BTL Công binh; bến cập tàu thuyền cho Cảnh sát đường thuỷ Đà Nẵng; bến cập cho Cảnh sát đường thuỷ Quảng Ninh; bến cập thuỷ phi cơ cho công ty CP hàng không Hải Âu; bến cập tàu thuyền du thuyền tại đảo Tuần Châu  - Hạ Long; tàu chở khách cho Tập đoàn Vingroup; …

Cũng theo ông Sơn, tất cả du thuyền và tàu khách của James Boat Technology đều tuân theo quy chuẩn chất lượng EU.
Chính vì vậy, vừa qua James Boat Technology và Công ty cổ phần Vari (CH Séc) đã ký kết hợp tác chế tạo và xuất khẩu tàu thuyền bằng vật liệu PPC sang EU; ký kết với Công ty Remia Plast (CH Croatia) chuyển giao công nghệ đóng tàu bằng vật liệu Vacuum Composite, đã mở ra một hướng mới trong ngành đóng tàu Việt Nam./.


 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Công Đạt, Tư liệu

Minh Tiến – Tập đoàn cà phê Việt tiên phong áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn

Minh Tiến – Tập đoàn cà phê Việt tiên phong áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn

Mô hình mô phỏng lại các sản phẩm của cà phê được sản xuất và chế biến theo mô hình kinh tế tuần hoàn của Tập đoàn Cà phê Minh Tiến đã trở thành tâm điểm chú ý của Nhà triển lãm Việt Nam tại World Expo 2020. Mô hình kinh tế tuần hoàn mà Minh Tiến theo đuổi cũng là xu hướng đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới, hướng tới sự phát triển bền vững của nhân loại.

Top