Kinh tế

Hà Nội kết nối với Hưng Yên cung cấp nông sản sạch

Để cung cấp nông sản sạch cho dân số hơn 10 triệu người, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã mở rộng, liên kết vùng cung ứng nông sản với tỉnh Hưng Yên. Các sản phẩm nông sản nổi tiếng của Hưng Yên như nhãn lồng, chuối tiêu hồng, các loại rau củ quả... phân phối tại các hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội đã được người tiêu dùng Thủ đô đón nhận.
Thời gian qua, tỉnh Hưng Yên rất coi trọng đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra vùng sản xuất thâm canh, chuyên canh đạt tiêu chuẩn VietGAP có giá trị cao. Nhiều mặt hàng nông sản truyền thống của Hưng Yên đã và đang khẳng định vị thế trên thị trường như nhãn lồng, tinh bột nghệ, chuối, vải, rau sạch, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản.. đã cung cấp cho các tỉnh, thành phố lân cận.

Trong số các mặt hàng nông sản, nhãn lồng là sản phẩm đặc trưng của Hưng Yên, có thương hiệu từ lâu đời. Hiện toàn tỉnh có 155ha nhãn lồng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, với 2 vùng sản xuất được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại xã Hồng Nam, Tp. Hưng Yên và xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu. Nhãn lồng Hưng Yên đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý với 4 khu vực: Tp. Hưng Yên và các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động.

Bên cạnh quả nhãn, chuối tiêu hồng là cây ăn quả thế mạnh thứ 2 của tỉnh Hưng Yên và đã có thương hiệu trên thị trường với tổng diện tích trồng khoảng 2.000ha, sản lượng 45.000 tấn/năm. Chuối được trồng chủ yếu ở các vùng bãi thuộc các xã ven đê huyện Khoái Châu, Kim Động, TP Hưng Yên.

Một thế mạnh nông nghiệp khác của tỉnh Hưng Yên là các vùng trồng rau rộng lớn, diện tích trồng khoảng 13.000ha, sản lượng trên 230.000 tấn/năm, chủng loại rau đa dạng gồm: mồng tơi, đậu đỗ, ngô bao tử, mướp đắng... 


Hiện nay, tỉnh Hưng Yên có 155ha nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, với 2 vùng sản xuất nhãn được cấp mã số
xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại xã Hồng Nam (Tp. Hưng Yên) và xã Hàm Tử (huyện Khoái Châu). Ảnh: Hoàng Hà


Diện tích trồng nhãn của tỉnh Hưng Yên là 155ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Tiên Lữ, Kim Động
và thành phố Hưng Yên. Ảnh: Hoàng Hà


Huyện Phù Cừ tỉnh Hưng Yên hiện có hơn 500ha trồng vải,
chủ yếu là giống vải lai chín sớm, tập trung ở các xã Tam Đa, Minh Tiến, Tống Trân. Ảnh: Phạm Kiên


Ổi Đài Loan (ổi lê) trước đây được trồng chủ yếu trên địa bàn huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên)
nhưng thời gian gần đây, nắm bắt nhu cầu thị trường và lợi ích kinh tế nên
nông dân Hưng Yên đã phát triển trồng cây này trên toàn tỉnh. Ảnh: Phạm Kiên


Thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng Hưng Yên, cây chanh tứ quý đã đem lại hiệu quả kinh tế cao
cho người trồng và tiếp tục khẳng định vị trí trên thị trường. Ảnh: Phạm Kiên


Một trong nhưng thế mạnh nông nghiệp của tỉnh Hưng Yên là các vùng trồng rau rộng lớn,
chủng loại rau đa dạng như: mướp đắng, mồng tơi, đậu đỗ, ngô bao tử... Ảnh: Hoàng Hà


Ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa. Ảnh: Phạm Kiên


Nuôi cá lồng trên sông Hồng mở ra hướng phát triển mới cho ngành thủy sản tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Phạm Kiên


Cứ vào tháng 2, tháng 3 âm lịch, khi hoa nhãn nở cũng là lúc các khu vườn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
rộn ràng mùa con ong đi lấy mật. Những người nuôi ong vào những ngày này đều hội tụ về Hưng Yên
để thu hoạch một mùa mật ong thơm nồng hoa nhãn. Ảnh: Phạm Kiên

Nhờ tiềm năng nông nghiệp lớn nên tại các buổi làm việc với đại diện ngành nông nghiệp cũng như doanh nghiệp phân phối sản phẩm nông sản của Hà Nội, các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hưng Yên đều mong muốn tham gia vào chuỗi liên kết đưa sản phẩm về Hà Nội tiêu thụ.

Đánh giá cao tiềm năng nông nghiệp của Hưng Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng chia sẻ: “Hà Nội có dân số thường xuyên hơn 10 triệu người nhưng sản xuất nông nghiệp tại chỗ chỉ đáp ứng từ 30 - 60% nhu cầu. Chính vì vậy, hàng năm Hà Nội đều tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung ứng nông sản thực phẩm, trong đó có kết nối với tỉnh Hưng Yên”.

Mới đây Công ty TNHH Thương mại quốc tế và dịch vụ siêu thị Big C Thăng Long phối hợp tổ chức chương trình “Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên tại Hà Nội 2017”. quảng bá nông sản Việt Nam đến người tiêu dùng Thủ đô.
Để cụ thể hóa chủ trương đó, tại Hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối” tổ chức tại TP. Hưng Yên vào đầu tháng 8/2017, nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội đã đến Hưng Yên để tìm hiểu thị trường, ký kết tiêu thụ sản phẩm, đưa các sản phẩm có chất lượng tốt, được truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm về cung cấp cho thị trường Thủ đô.

Đến nay nhiều doanh nghiệp Hà Nội như Công ty Cổ phần Thực phẩm Safelife, Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại An Việt… đã liên kết với nông dân, các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Hưng Yên như HTX Phù Cừ, TP Hưng Yên để cung cấp rau, thực phẩm sạch cho người dân Thủ đô tại hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch và các siêu thị lớn./.


Ký kết hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa Hưng Yên với Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước
tại Hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam,
hỗ trợ gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối". Ảnh: Hoàng Hà



Hiện tại, 100% sản phẩm rau của Hợp tác xã kiểu mới Phù Cừ (tỉnh Hưng Yên) được bán buôn 
cho Công ty cổ phần thực phẩm Safelife, đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm an toàn,
thực phẩm hữu cơ cho các các siêu thị, cửa hàng, nhà hàng lớn ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà



Đóng gói sản phẩm rau an toàn trước khi vận chuyển đi tiêu thụ. Ảnh: Hoàng Hà



Rau an toàn của Hưng Yên được bày bán rộng rãi trong các siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà

Bài: Thục Hiền - Ảnh: Hoàng Hà, Phạm Kiên

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Với mong muốn giải quyết tình trạng thiếu cơ hội sinh kế và thu nhập thấp của thanh niên dân tộc thiểu số, Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản đã triển khai dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho Thanh niên dân tộc thiểu số tại Hà Giang và Lai Châu” giúp các thanh niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động có thêm kiến thức về phát triển kinh tế và mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.

Top