Nghề Việt

Gốm Giang Cao – câu chuyện sáng tạo ở một làng nghề trẻ

Không có lịch sử lâu đời tới cả vài trăm năm như gốm Bát Tràng, song gốm Giang Cao (thôn Giang Cao, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) lại có sức bật của một làng nghề 60 năm tuổi vừa được công nhận là làng nghề truyền thống Hà Nội. Sự năng động, sáng tạo và sức bật của làng nghề trẻ đã giúp Giang Cao ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.
Làng gốm Giang Cao trước đây có tên gọi là Đông Sáng, sau đổi thành Đống Ca và đến thời nhà Nguyễn trước đời vua Ưng Xụy, niên hiệu Đồng Khánh (1885-1888), được đổi thành Giang Cao. So với lịch sử làm gốm của Kim Lan (800 năm) và làng Bát Tràng (700 năm), làng gốm Giang Cao có tuổi nghề còn khá trẻ.

Ngày xưa, người dân Giang Cao không mở xưởng gốm mà chỉ đi làm thuê cho bên Bát Tràng. Đến thời Pháp thuộc, có ông Phán Sồ, đã đỗ tú tài, mở một xưởng gốm có tên là Ngọc Quang. Đó là xưởng gốm đầu tiên của làng Giang Cao.

Từ xưởng gốm đầu tiên ấy, con cháu Giang Cao bắt đầu xây dựng những xưởng gốm của riêng mình. Đến nay, nghề gốm đã trở thành nghề truyền thống của cả làng. Giang Cao có khoảng trên 900 hộ dân, thì toàn bộ làm gốm, trong đó có 41 công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, còn lại số ít làm dịch vụ.

Mặc dù tuổi nghề ít hơn rất nhiều so với làng gốm Bát Tràng, nhưng theo thống kê của UBND xã Bát Tràng, thôn Giang Cao đóng góp hơn 50% tổng thu nhập của xã Bát Tràng.

Theo anh Nguyễn Quý Sơn, Chủ tịch Câu lạc bộ Gốm Giang Cao, thế mạnh của người dân làng gốm Giang Cao đó là sự nhạy bén thị trường, tính hiệu quả và nhìn thấy được nhu cầu thực tế của khách hàng.



Máy nhào và đùn đất thay thế cho sức người tạo nên hiệu quả cao cho việc làm nguyên liệu.


Các công nhân đang tạo hình sản phẩm từ đất.



Với nét bút thuần thục người thợ đã tạo nên những sản phẩm đẹp mắt.



Một xưởng vẽ tại làng gốm Giang Cao.



Người thợ ghép những mảnh gốm để tạo thành bức tranh nghệ thuật.



Công nhân làm tranh gốm tại Công ty cổ phần gốm sứ Quang Minh thuộc làng gốm Giang Cao.



Các sản phẩm gốm được đưa vào lò nung.



Anh Nguyễn Quý Sơn, Chủ tịch Câu lạc bộ Gốm Giang Cao đang chỉ đạo công nhân làm tranh gốm tại xưởng của mình.

Du khách khi bắt đầu đặt chân đến mảnh đất xã Bát Tràng sẽ bắt gặp ngay một dãy các cửa hàng kinh doanh, giới thiệu sản phẩm gốm được bài trí một cách tinh tế, sang trọng với đầy đủ các mặt hàng gốm tiêu biểu của xã Bát Tràng. Các dãy cửa hàng kinh doanh này phần lớn thuộc sở hữu của người dân thôn Giang Cao. Ở xã Bát Tràng, nếu thôn Bát Tràng được biết đến là khu vực sản xuất, thì thôn Giang Cao lại có thế mạnh về kinh doanh thương mại.

Lợi thế này đến từ việc thôn Giang Cao có nhiều điều kiện thuận lợi như đất đai còn rộng để phát triển, số nghệ nhân, số hộ, số doanh nghiệp đông hơn. Sự năng động, sáng tạo và sức bật của làng nghề trẻ cũng đã giúp Giang Cao ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường.

Với sự nhạy bén thị trường khi làm kinh doanh thương mại, người dân Giang Cao bắt đầu tìm hướng đi sản xuất phù hợp với nhu cầu thực tế của khách hàng. Thành tựu lớn nhất trong những năm trở lại đây, theo anh Sơn, đó là Giang Cao đã tập trung vào thế mạnh sản xuất gốm kiến trúc. Nổi bật là hai dòng sản phẩm gói âm dương và nghệ thuật mosaic gốm (nghệ thuật ghép mảnh gốm).

Với dòng sản phẩm ngói âm dương, gốm Giang Cao đã góp mặt vào các công trình kiến trúc tâm linh lớn của Việt Nam như chùa Bái Đính, chùa Tam Trúc, … Ngói âm dương thuộc dòng men đặc biệt được người dân thôn Giang Cao phục chế lại. Dòng nghệ thuật mosaic gốm thì cũng đã được sử dụng ở các công trình nổi tiếng như: con đường gốm sứ; nhà ghép gốm kỷ lục Việt Nam,….

Ngoài ra, những dòng sản phẩm của Giang Cao chủ yếu là sản phẩm phục chế, phục cổ, sản phẩm gia dụng cao cấp,… Gốm Giang Cao nổi tiếng về chất men phủ, phổ biến là men màu búp dong. Loại men này có độ trắng hơi ngả xanh hoặc xám, trong và sâu. Ngoài ra, còn có các loại men rạn, men cát, men chảy, men kính, men co, men giả đá. Mỗi loại đều có những nét độc đáo riêng mà chỉ có người sành gốm mới có thể thẩm định được.



Gian trưng bày sản phẩm làng nghề gốm Giang Cao.


Sản phẩm ngói âm dương của gốm Giang Cao được lựa chọn cho công trình xây dựng cho chùa Bái Đính, chùa Tam Trúc…









 

Các sản phẩm độc đáo được tạo ra bởi những người thợ làng gốm Giang Cao có 
tay nghề cao.
 

Bức tranh "Chú mèo Saphia", chất liệu gốm của anh Nguyễn Quý Sơn.



Du khách đến tham quan và tìm mua sản phẩm gốm Giang Cao.

Cùng với gốm Chu Đậu, Phù Lãng, Bàu Trúc, gốm Giang Cao đã được chọn để vinh danh cho gốm sứ truyền thống Việt Nam. Sản phẩm gạch hoa, ngói gốm, ngói sành của các công ty như Quang Minh, Thanh Hải cũng được dùng trong công trình phục hồi di tích Hoàng thành Thăng Long, cố đô Huế.

Vươn ra khỏi thị trường trong nước, gốm Giang Cao hiện đã có mặt ở rất nhiều nơi trên thế giới. Thị trường gốm sứ Giang Cao không chỉ dừng lại ở các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan mà còn sang cả Mỹ, Úc và các nước EU.

Anh Sơn cho biết thêm, trong Câu lạc bộ gốm Giang Cao mỗi người một mảng sản phẩm, với sự sáng tạo và bí quyết riêng. Bởi vậy, Câu lạc bộ gốm Giang Cao là nơi để mọi người học hỏi những kinh nghiệm về làm thương mại, tìm đối tác và tối ưu quản trị hay như cách làm marketing thời công nghệ số. Đây chính là điểm mạnh khiến gốm Giang Cao mặc dù có tuổi đời rất nhỏ so với gốm Bát Tràng, Kim Lan nhưng lại có chỗ đứng rất ấn tượng trên thị trường trong và ngoài nước./.

 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Thanh Giang

Làng cá chép Thủy Trầm vào vụ tết

Làng cá chép Thủy Trầm vào vụ tết

Cứ đến Tết ông Công ông Táo cận kề, người dân làng Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) lại hối hả thu hoạch, cung cấp nguồn cá chép phóng sinh cho người dân khắp mọi miền đất nước.

Top