Gốm Phước Tích - dấu ấn gốm cung đình Huế

Gốm Phước Tích - dấu ấn gốm cung đình Huế

Bến nước cổ bên bờ sông Ô Lâu, nơi ghi dấu tích về một thời cực thịnh của làng gốm cổ Phước Tích. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Nghề gốm ở Phước Tích có bề dày hơn 500 năm, từng nổi tiếng khắp miền Trung. Làng Phước Tích không chỉ sản xuất các loại gốm gia dụng như trách, chậu, om, niêu, ấm, tộ, bình vôi, chum, ghè, thạp, thống... mà còn có nhiều sản phẩm mang tính mĩ thuật cao được trưng dụng trong Hoàng cung triều Nguyễn và đến nay vẫn còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế.

Sử cũ kể rằng, vào thời nhà Nguyễn, triều đình có một biệt lệ dành riêng cho làng Phước Tích. Đó là mỗi năm dân làng phải cung tiến vào cung khoảng 400 chiếc om đất để nấu cơm cho vua. Triều đình còn quy định rằng dân làng không ai được giữ lại loại om có hình dáng giống như om tiến cung để dùng mà phải làm loại om khác, nếu phát hiện ra sẽ bị xử phạt rất nặng. Vì thế, mỗi năm dân làng phải hai lần dong thuyền chở om vào cung. Hành trình khởi đầu dọc theo sông Ô Lâu, ra đầm phá Tam Giang, rồi ngược dòng sông Hương để chở om vào Hoàng thành cung tiến.

Sau thời gian dài bị lãng quên, mai một, nghề làm gốm Phước Tích đang hồi sinh và phát triển. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Om hay còn gọi là niêu đất vốn là đồ vật thông dụng, dân gian xưa thường dùng để nấu cơm, kho thịt, rim cá… Tuy nhiên, om làng Phước Tích lại đặc biệt hơn nên được chọn làm đồ ngự dụng của vua. Om Phước Tích thành dày, thân màu nâu sậm, tiếng gõ vào thành nghe đanh, dáng như cái bình hồ lô, trên có nắm đậy, nấu cơm, kho thịt thảy đều rất ngon. Vì là vật dụng được chọn để vua dùng nên om Phước Tích được gọi là om ngự, thậm chí còn được đặt một cái tên rất mĩ miều là “ngọc oa ngự dụng”, tức om ngọc của vua dùng.

Lại nói về nghề làm gốm của làng Phước Tích. Làng nằm bên bờ sông Ô Lâu, cách trung tâm thành phố Huế chừng 40km về phía Bắc, xưa có tên là làng Kẻ Đôộc. Nghề làng gốm của Phước Tích nghe đâu đã có chừng hơn hơn 500 năm. Thời nhà Nguyễn, Phước Tích là trung tâm sản xuất gốm lớn của kinh thành, sản phẩm có mặt khắp các tỉnh miền Trung.

 

Tương truyền nghề gốm ở Phước Tích đã có hơn 500 năm. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Các bậc cao niên trong làng kể rằng, không phải đến thời Nguyễn mà ngay từ thế kỉ XVII-XVIII nghề gốm Phước Tích đã phát triển rất mạnh. Thời ấy cả làng có tới hơn chục lò gốm, nằm rải rác gần các bến nước bên sông Ô Lâu. Các lò nổi lửa suốt ngày, thương lái các nơi đến mua bán tấp nập nên đã đem đến sự giàu có và tiếng tăm cho người dân nơi đây. Vì thế trong làng có rất nhiều nhà rường quy mô, bề thế, đến nay vẫn còn.

Nếu như các nơi khác thường nung gốm bằng loại lò đứng thì ở Phước Tích người ta dùng lò sấp, thường gọi là “lò cóc” vì có hình dáng như con cóc. Lò đắp kiên cố bằng đất, dài chừng 30m, phía trên có mái che lợp bằng tranh.

 

Ngày nay kĩ thuật làm gốm vẫn được giữ gần như nguyên vẹn theo phương thức truyền thống xưa kia. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Gốm Phước Tích làm bằng đất sét lấy từ sông Ô Lâu và được nung rất kĩ theo phương pháp truyền thống. Lò nung đắp kiên cố, nhiệt cao, lửa lúc nào cũng đượm hồng, nhờ thế mà sản phẩm ra lò không nứt, không giòn. Gốm Phước Tích đẹp nhờ vẻ mộc mạc, tự nhiên, cốt gốm dày và rắn chắc như hóa sành, bên ngoài không tráng men nhưng màu gốm tự nhiên nâu sậm khỏe khoắn trông như được phủ men.

Trải qua thời gian, nghề gốm Phước Tích có giai đoạn bị lãng quên, mai một. Những năm gần đây, nhờ tỉnh Thừa Thiên Huế có chủ trương khôi phục, bảo tồn, phát triển nghề thủ công truyền thống, đi cùng với đó là hoạt động du lịch ngày càng phát triển, nhất là nhờ có các kì Festival Huế và Festival Nghề truyền thống diễn ra hàng năm nên nghề gốm Phước Tích có cơ hội được hồi sinh và phát triển.

 

Vẻ đẹp của các sản phẩm gốm Phước Tích. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Ngày nay, đến với làng cổ Phước Tích, ngoài việc được khám phá vẻ đẹp của một trong những ngôi làng cổ nổi tiếng nhất Việt Nam, du khách còn có cơ hội được tìm hiểu và trải nghiệm nhiều điều thú vị về lịch sử cũng như kĩ thuật làm gốm cổ của người làng Phước Tích.

Nghệ nhân Lương Thanh Hiền, người đang gắn bó với công việc bảo tồn và phát triển nghề gốm của làng và cũng là người hiện đang sở hữu xưởng gốm lớn nhất của làng Phước Tích chia sẻ tự đáy lòng: “Dẫu biết theo nghề gốm của cha ông để lại sẽ rất khó nuôi sống gia đình trong thời buổi hiện nay nhưng nếu bỏ đi thì lại có tội với người đã khuất. Vì thế tôi đắm đuối với nghề và tìm cách phát triển nó để vừa giữ nghề xưa vừa giúp cho lớp trẻ trong làng học được chút nghề xưa còn lại.”./.

 

Sản phẩm gốm Phước Tích trưng bày tại Festival Nghề truyền thống Huế 2023. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Thực hiện: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam


Top