Nghề Việt

Làng cá chép Thủy Trầm vào vụ tết

Cứ đến Tết ông Công ông Táo cận kề, người dân làng Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) lại hối hả thu hoạch, cung cấp nguồn cá chép phóng sinh cho người dân khắp mọi miền đất nước.
Làng cá chép Thủy Trầm thuộc thôn Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Đây là làng nghề nuôi cá chép đỏ nổi tiếng khắp cả nước, với lịch sử hình thành và phát triển hơn 60 năm. Theo các cụ cao niên trong làng, nghề nuôi cá chép đỏ ở Thủy Trầm bắt đầu từ những năm 1960. Lúc đầu, người dân chỉ nuôi cá chép đỏ để phục vụ nhu cầu cúng lễ trong dịp Tết Nguyên Đán. Dần dần, nghề nuôi cá chép đỏ phát triển mạnh mẽ, trở thành nghề truyền thống của làng.
Toàn cảnh khu vực ao nuôi cá chép đỏ tại làng Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ).

Cá chép đỏ Thủy Trầm có màu sắc đẹp, đỏ tươi, vảy bóng mượt, thân hình cân đối, bơi khỏe. Cá được nuôi trong môi trường nước sạch, mát mẻ, được chăm sóc chu đáo nên có chất lượng cao. Ban đầu, người dân địa phương chỉ nuôi cá cho đẹp, sau đó bán thử vào ngày 23 tháng Chạp. Cá có sắc đỏ óng ánh như “màu phát tài phát lộc” mang lại may mắn trong dịp Tết và từ đó nhiều người mua về cúng ông Công, ông Táo. Nhờ sinh lợi lớn, cho nên hiện nay nghề nuôi cá chép đỏ phát triển. Đến nay, mỗi hộ trong thôn đều có ít nhất từ 2-3 ao cá. Bà con chăm sóc và tự tay chế biến thức ăn cho cá, không cho cá ăn các loại cám bán sẵn trên thị trường.

Người chủ ao nuôi thả thức ăn cho cá.
Cá chép đỏ Thủy Trầm có màu sắc đẹp, đỏ tươi, vảy bóng mượt, thân hình cân đối, bơi khỏe.
Thông thường cá giống sẽ được nuôi từ tháng 6, chăm sóc đến khi cá thu hoạch có kích cỡ khoảng 3 ngón tay là vừa đẹp. Cá ở đây có kích cỡ vừa phải, khỏe, màu đỏ tươi hoặc vàng, vây nhọn, vẩy ánh đẹp, có râu hai bên nên được thị trường ưa chuộng. Cá chép đỏ Thủy Trầm đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước, được xuất sang cả thị trường Trung Quốc.
 

Cứ vào dịp Tết Nguyên Đán, làng cá chép Thủy Trầm lại trở nên nhộn nhịp, tấp nập. Hàng trăm tấn cá chép đỏ được xuất bán cho người dân khắp mọi miền đất nước để phóng sinh.Năm 2011, làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận là làng nghề truyền thống. Năm 2017, sản phẩm cá chép đỏ Thủy Trầm được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa.

Trước khi bán cho các thương lái, cá chép được đánh bắt từ ao chuyển sang bể nước trong để quen với môi trường mới.
Trước khi đem bán, cá được đánh bắt từ ao và nhanh chóng chuyển sang một lưới ở ao bên cạnh để giúp cá không bị ngạt bùn, quen với môi trường mới. Cá vận chuyển xa sẽ được bơm oxy vào bao tải chứa.

Để phát triển bền vững làng nghề, người dân Thủy Trầm đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như sử dụng thức ăn công nghiệp, thuốc phòng bệnh,... Đồng thời, làng nghề cũng đã xây dựng thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Nhờ vậy, làng cá chép đỏ Thủy Trầm đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Khách mua cá chép để cúng ngày ông Công ông Táo về chầu trời ( 23 tháng Chạp)

Tổng diện tích nuôi cá chép đỏ của làng khoảng 100 ha, với sản lượng khoảng 35 tấn/năm. Làng có khoảng 300 hộ tham gia nuôi cá chép đỏ, với hơn 1.000 lao động trực tiếp. Giá bán cá chép đỏ Thủy Trầm dao động từ 110.000-150.000 đồng/kg. Ngoài ra, làng cá chép đỏ Thủy Trầm còn là một địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước. Đến với làng nghề, du khách sẽ được tham quan quy trình nuôi cá chép đỏ, tìm hiểu về nghề truyền thống của người dân địa phương, đồng thời thưởng thức những món ăn ngon được chế biến từ cá chép đỏ./.

Thực hiện: Trần Thanh Giang - Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam

Thăm làng thớt gỗ Định An

Thăm làng thớt gỗ Định An

Những tấm thớt tròn rắn chắc, đủ mọi kích cỡ được bày phơi dọc hai bên đường, phía trong nhà xưởng thì vang vọng tiếng cưa gỗ, tiếng mài nhẵn thớt, dưới bên thuyền là quang cảnh vận chuyện gỗ nguyên liệu làm thớt lên bờ, thương lái thì đang thanh toán tiền nong cho những hộ làm thớt sau mỗi đợt lấy hàng – đó là hình ảnh đặc trưng của làng nghề làm thớt gỗ Định An (thuộc ấp An Hòa, xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) có tuổi đời hơn 70 năm nay.

Top