Chuyện người đẽo thuyền độc mộc bên dòng Đăk Bla

Chuyện người đẽo thuyền độc mộc bên dòng Đăk Bla

Cũng như bao nhiêu người dân làng Lung Leng, anh A Lủi không biết rõ thuyền độc mộc có từ khi nào và ai là người khai sinh ra nó. Anh chỉ biết rằng từ bao đời nay chiếc thuyền gỗ mảnh khảnh ấy gắn bó với người Ba Na đi qua không biết bao nhiêu đoạn sông Đăk Bla lắm đá, ghềnh, và giờ anh lại tiếp nối giữ nghề đẽo thuyền độc mộc, dẫu biết rằng cái nghề này khó có thể nuôi sống bản thân anh và gia đình trong thời buổi chẳng còn mấy ai dùng loại thuyền cổ xưa này nữa. 

 

A Lủi là một trong số ít người còn nắm giữ được kĩ thuật chế tác thuyền độc mộc ở làng Lung Leng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Trên con sông Đăk Bla mênh mang đầy nắng và gió, A Lủi cùng người bạn thân mải mốt chèo con thuyền độc mộc từ phía bờ bên kia về bờ bên này. Con thuyền mảnh và dài như chiếc lá rẽ nước lao đi theo từng nhịp chèo vung lên đầy mạnh mẽ của hai người đàn ông to khỏe có khuôn mặt góc cạnh và rám nắng trông như những chiến binh Tây Nguyên thuở xưa.

 

A Lủi say sưa nói về kĩ thuật chế tác thuyền độc mộc. Ảnh: Thanh Hòa/ Báo ảnh Việt Nam 

Thuyền cặp bờ, A Lủi gác mái chèo rồi bước lên bờ gật gù ra chiều ưng ý: “Thuyền đi nhanh và đằm lắm, chắc chỉ cần đẽo thêm phần thân ngoài cho phẳng đẹp một chút nữa là xong thôi.”.

Hôm nay đẹp trời, việc mùa màng nương rẫy cũng vừa xong nên A Lủi và người bạn rủ nhau hạ thủy chiếc thuyền độc mộc mới đẽo để chèo thử xem đã ổn chưa, nếu chưa ổn chỗ nào thì sẽ điều chỉnh hoàn thiện thêm chỗ ấy. Công lao vất vả kiếm cây, đẽo gỗ mất mấy tháng trời nay chiếc thuyền sắp hoàn thành nên A Lủi mừng lắm.

Ánh mắt long lanh, A Lủi vỗ mạnh tay đánh bộp vào mạn thuyền cười bảo: “Có chiếc thuyền tốt này, sắp tới vào giải đua kiểu gì đội mình cũng được giải, vui lắm nhà báo à!”.

A Lủi là người Ba Na, sống ở làng Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Anh là một trong số ít người còn lại của làng còn nắm giữ được kĩ thuật chế tác thuyền độc mộc.

Làng Lung Leng nằm ngay bên dòng sông Đăk Bla nên mọi chuyện đi nương, đi rẫy, đánh cá hay chở ngô, khoai, bắp, đậu… chủ yếu đều dựa vào thuyền độc mộc.

Thuyền độc mộc gọn nhẹ, di chuyển luồn lách gọn gàng nên thuận tiện cho việc đi sông, đi suối, nhất là ở những đoạn sông, suối lắm thác nhiều ghềnh lại lắm đá ngầm như ở địa hình vùng cao Tây Nguyên này.

Đặc biệt, Tây Nguyên xưa là vùng có nhiều loài gỗ lớn nên cũng dễ kiếm để làm thuyền độc mộc. Nay cùng với lệnh cấm rừng khai thác gỗ và việc có nhiều loại thuyền mới ra đời nên dân làng Lung Leng cũng ít còn dùng thuyền độc mộc. Có chăng chỉ dùng vào các dịp lễ hội hoặc các cuộc đua thuyền truyền thống mà thôi.

Có thể nói thuyền độc mộc đã từng có một thời gian dài gắn bó với đời sống và văn hóa của người Ba Na. Nó không chỉ là công cụ chuyên chở và đi lại thông dụng mà còn thể hiện nét tài hoa của người Ba Na trong kĩ thuật chế tác loại thuyền độc đáo này.

 

Thuyền độc mộc gắn bó với đời sống và văn hóa đồng bào Ba Na sinh sống bên dòng sông Đăk Bla, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tom. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Theo những người cao tuổi ở làng Lung Leng, thuyền độc mộc còn gọi là cái “sõng”, tiếng Ba Na là “Plung”. Thuyền độc mộc được đẽo nguyên khối từ một thân cây to; làm bằng các loại gỗ mềm dẽo, chịu nước, chịu được va đập. Thuyền không có kích cỡ nhất định, chủ yếu phụ thuộc vào kích thước của cây gỗ, thường thì dài khoảng 5 đến 9m hoặc có thể dài hơn.

Dụng cụ đẽo thuyền ban đầu khá đơn giản, chủ yếu là cưa tay, rìu, dao, rựa, đục, sau này có thêm cưa máy. Do thuyền được đẽo hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và tay nghề của người thợ hoặc các nghệ nhân.

Để đẽo được một chiếc thuyền độc mộc tốt, đi nhanh và đằm trên mặt nước người thợ phải tính toán đẽo làm sao cho độ cong của mũi, độ nặng của đuôi, độ thẳng của thân, độ dày mỏng của mạn và đáy thuyền phải thật hợp lí. Mọi thứ thoạt nghe qua có vẻ đơn giản nhưng kì thực khá phức tạp bởi chỉ cần tính toán sai lực đẽo và hướng đẽo của rìu là có thể ảnh hưởng đến độ bền cũng như tính năng kĩ thuật của chiếc thuyền.

 

Để đẽo được một chiếc thuyền độc mộc phải qua nhiều công đoạn khác nhau, tất cả đều làm thủ công dựa trên tay nghề và kinh nghiệm của người nghệ nhân. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

A Lủi cho hay, trước đây hầu như nhà nào cũng có thuyền độc mộc, ngày nay do việc dùng thuyền độc mộc không còn nhiều nên số lượng thợ và nghệ nhân đẽo thuyền độc mộc cũng ít dần đi. Vì thế anh hiện là một số ít nghệ nhân còn nắm được kĩ thuật đẽo thuyền độc mộc của người Ba Na ở làng Lung Leng. Việc anh theo nghề vừa là niềm đam mê vừa muốn giữ lại cái nghề truyền thống của cha ông để lại. Công việc tuy không nhiều và cũng không đem lại nguồn thu nhập nhưng cũng giúp ích được cho việc bảo tồn nghề chế tác thuyền của làng và giúp cho đội đua thuyền của làng có được những chiếc thuyền đua tốt nhất mỗi khi vào mùa tranh giải đua thuyền độc mộc truyền thống của người Ba Na.

Hiện nay, thực hiện “Đề án bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum”, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã phối hợp với UBND huyện Sa Thầy tổ chức cho các nghệ nhân làng Lung Leng, xã Sa Bình mở các lớp truyền nghề để bảo tồn nghề truyền thống cũng như hướng dẫn cách bảo quản thuyền để tránh hư hỏng do mưa gió và mối mọt.

 

Thuyền dùng xong được đưa lên bờ cất giữ cẩn thận ngay dưới gầm nhà sàn. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Ngày nay tuy thuyền độc mộc không còn được sử dụng nhiều trong cuộc sống nhưng nó vẫn là một phần văn hóa của người Ba Na ở làng Lung Leng và đang từng bước được nghiên cứu đưa vào phục vụ du lịch để du khách có cơ hội trải nghiệm chèo thuyền độc mộc và khám phá giải đua thuyền độc mộc truyền thống đầy tinh thần thượng võ của đồng bào Tây Nguyên trên dòng sông Đăk Bla./.

 

  • Bài & ảnh:  Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Top