Thăm làng thớt gỗ Định An

Thăm làng thớt gỗ Định An

 

Những tấm thớt tròn rắn chắc, đủ mọi kích cỡ được bày phơi dọc hai bên đường, phía trong nhà xưởng thì vang vọng tiếng cưa gỗ, tiếng mài nhẵn thớt, dưới bến thuyền là quang cảnh vận chuyện gỗ nguyên liệu làm thớt lên bờ, thương lái thì đang thanh toán tiền nong cho những hộ làm thớt sau mỗi đợt lấy hàng...  đó là hình ảnh đặc trưng của làng nghề làm thớt gỗ Định An (thuộc ấp An Hòa, xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) có tuổi đời hơn 70 năm nay.

Chúng tôi đến xã Định An, hỏi thăm người dân về làng thớt Định An thì hầu như ai cũng biết về làng nghề nổi tiếng này. Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến ghé tham quan xưởng làm thớt của gia đình anh Nguyễn Văn Việt, một trong những hộ làm thớt lâu năm nhất và có quy mô lớn nhất nhì ở làng nghề này. Anh Việt cho biết nghề làm thớt ở Định An được xem là nghề “cha truyền con nối” và đến anh là đời thứ ba, đã theo nghề được hơn 30 năm qua.

 

Đặc trưng sản phẩm thớt Định An được nhiều người tiêu dùng gần xa ưu chuộng là vì gỗ nguyên liệu dùng làm thớt là ba loại gỗ chính: mù u, xà cù và gỗ me, với đặc tính thớ gỗ cứng, màu sắc tươi, đẹp, độ bền cao, quan trọng nhất là khi sử dụng thớt để chặt thịt, cá, xương thì sẽ không bị hiện tượng dím dăm gỗ thớt vào dao, vào thịt. Ngoài ra, do cây mù u, xà cừ… là những cây có nhiều ở địa phương, vì thế giá nguyên liệu thấp dẫn đến giá sản phẩm thớt gỗ cũng rất cạnh tranh, cũng như độ bền cao đã mang lại danh tiếng của làng nghề làm thớt này. Anh Việt cũng cho biết thêm: “Đặc trưng của nghề làm thớt gỗ này là không có quy định thời gian, và là làm cho gia đình nên khỏe thì làm, mệt thì nghỉ. Vì thế khách đến bất kỳ thời gian nào trong ngày đều có thể tham quan xưởng làm thớt, các hoạt động vận chuyển, mua bán nhộn nhịp của làng nghề”.

 

Hiện nay, làng thớt Định An có khoảng 15 hộ gắn bó với nghề, cung cấp thớt đi khắp các tỉnh thành miền Tây Nam bộ. Để có một cái thớt bền, đẹp người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn, cơ bản có thể kể đến như: chọn mua cây gỗ già, đem phơi khô, cắt bằng máy thành từng miếng, lộng tròn, gọt láng, chà nhám. Các công đoạn gọt láng, chà nhám, phơi thớt thường do người phụ nữ làm, đàn ông sẽ làm các công đoạn nặng nhọc còn lại. Các công đoạn làm thớt tóm lược như trên thì có vẻ đơn giản, nhưng nghề nào cũng có cái khó riêng của nó, như trong nghề làm thớt gỗ này, lúc phơi thớt ngoài trời là cực nhất. Việc canh đủ độ khô, độ giòn của thớt là rất quan trọng, chỉ có người trong nghề có kinh nghiệm mới nắm chuẩn được, ngoài ra, vào những lúc mưa gió, việc mang thớt ra vào rất cực và tốn nhiều nhân lực.

 

Nếu như trước đây việc làm thớt gỗ ở làng Định An hầu như được làm hoàn toàn bằng thủ công, kể cả các công đoạn, cưa tay, đục đẽo, chà, thì ngày nay đã có các máy móc thay thế sức người ở một số công đoạn nặng nhọc, số lượng sản phẩm vì thế cũng tăng lên. Anh Việt cho biết, hiện tại xưởng làm thớt của hai vợ chồng anh có thể cung cấp ra thị trường trung bình 2.000 cái/tuần, các hộ xung quanh cũng có thể đạt số lượng tương tự. Bên cạnh đó, thớt gỗ Đinh An hiện nay cũng đa dạng mẫu mã, chủng loại, thớt tròn, thớt vuông, hình chữ nhật đều có với nhiều kích thước và độ dày mỏng khác nhau. Ngoài ra, người dân làng nghề làm thớt còn tận dụng các khúc gỗ nhỏ, gỗ hư ko làm được thớt để làm ra các sản phẩm khác như: Bàn nào dừa, ghế gỗ, giá đỡ điện thoại… còn các phế phẩm từ gỗ như vỏ cây, dăm gỗ, mùn cưa thì làm củi đốt, hoặc làm phân bón…

 

Phấn khởi nói về việc giữ lữa nghề và phát huy tiềm năng làng nghề, anh Việt cho biết, sắp tới cơ sở anh đang tiên phong mở rộng địa bàn tiêu thụ ở TP.HCM, bằng việc hợp tác mở đại lý hoặc giao sỉ cho các tiểu thương ở các chợ đầu mối, sẽ giúp các sản phẩm thớt của cơ sở gia đình anh nói riêng cũng như thương hiệu thớt gỗ Định An mở rộng thêm thị trường, đến với nhiều căn bếp gần xa!

 

  • Bài:  Sơn Nghĩa
  • Ảnh:  Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam

 

 


Top