Độc đáo "Sáp ong - Sắc chàm"

Độc đáo "Sáp ong - Sắc chàm"

Mới đây, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ( Hà Nội) đã diễn ra sự kiện "Sáp ong - Sắc chàm" với sự tham gia của các nghệ nhân đến từ dân tộc Mông ( tỉnh Hòa Bình) và dân tộc Dao ( tỉnh Cao Bằng) thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng. Sự kiện là một trong những hoạt động truyền thông trong khuôn khổ Dự án 8 do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện với thông điệp lan tỏa giá trị văn hóa, tập tục tốt đẹp của phụ nữ dân tộc thiểu số hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cộng đồng dân tộc.
Sự kiện "Sáp ong - Sắc chàm" diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Sáp ong và màu Chàm, được biết đến là hai nguyên liệu của tự nhiên. Qua bàn tay khéo léo cùng trí tưởng tượng phong phú người phụ nữ dân tộc đã tạo nên một dấu ấn văn hóa độc đáo và đầy sáng tạo đó nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải. Kỹ thuật này sử dụng phổ biến trên trang phục của phụ nữ dân tộc Mông và phụ nữ dân tộc Dân tộc Dao (Nhóm Dao tiền), đây là một trong những kỹ năng thủ công truyền thống được giữ cho đến ngày nay. Hoa văn sáp ong sẽ được vẽ trên vải. Vải phải được là phẳng trước khi vẽ để sáp ong được ngấm đều và đẹp, không bị loang trong quá trình vẽ. Dụng cụ là vải có thể là hòn đá phẳng mịn cả hai mặt để là, miết vải thật nhẵn và láng bóng miếng vải. Kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và chính xác của người phụ nữ dân tộc, có như vậy hoa văn mới đều, đẹp và sắc nét.

 
Từ xa xưa, người Mông luôn ý thức rất cao trong việc bảo vệ văn hóa truyền thống, trong đó có kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải lanh. Hoa văn trên vải của dân tộc Mông là những trang ký sử, những câu chuyện kể về thế giới quan, thiên nhiên vùng sơn cước đầy sống động. Người phụ nữ vẽ lên vải các họa tiết bằng sáp ong đã đun nóng chảy. Đối với phụ nữ dân tộc Mông, dụng cụ vẽ là loại bút đặc biệt có ngòi cong bằng đồng. Còn với phụ nữ dân tộc Dao (Nhóm Dao tiền) thì họ dùng một số khung dập hình tam giác để tạo đường thẳng hoặc bằng những ống tre nhỏ để tạo hình tròn. Sau khi vẽ xong thì sẽ chờ cho sáp khô. Khi sáp khô, vải được đem nhuộm chàm nhiều lần, sau đó nhúng vào nước sôi cho sáp tan hết. Các họa tiết sang màu đã được bao bằng sáp để bảo vệ trước khi nhuộm sẽ xuất hiện trên nền vải chàm sẫm. Và đó là các bước để hoàn thiện một mảnh vải được vẽ hoa văn sáp ong.
 

 

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết, sự kiện "Sáp ong - Sắc chàm" là một trong những hoạt động nhằm lan tỏa giá trị văn hóa của phụ nữ trên khắp mọi miền của tổ quốc và tôi mong rằng sẽ tạo được giá trị bền vững từ những sản phẩm thủ công của người phụ nữ đã tạo ra".

Đến với sự kiện, công chúng còn được giao lưu và trải nghiệm vẽ sáp ong cùng nghệ nhân dân tộc Mông và dân tộc Dao (Nhóm Dao tiền), lắng nghe những băn khoăn, trăn trở trong việc tìm hướng đi cho sản phẩm, cách phát triển kinh tế từ chính những bản sắc văn hóa riêng có của phụ nữ dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, công chúng cũng sẽ có cơ hội tìm hiểu về vẻ đẹp của kỹ thuật vẽ sáp ong truyền thống thông qua triển lãm ảnh “Sáp ong – Sắc chàm”, mặc thử trang phục truyền thống và lưu lại những giây phút trải nghiệm thú vị trong không gian mang đậm nét văn hóa vùng cao. Trước xu thế hội nhập, thời trang ngày càng hiện đại, chị Bàn Thị Liên vẫn tin rằng: “Trang phục của dân tộc mình sẽ không bao giờ mai một vì chiếc áo, chiếc váy ấy theo người Dao Tiền suốt cuộc đời. Thế hệ sau tiếp nối các thế hệ trước, kế thừa, gìn giữ và phát triển”. Chị cũng hi vọng truyền thống dân tộc mình sẽ lan tỏa khắp nơi, khắp mọi miền Tổ quốc.
 

 


Top