Tiêu điểm

EP phê chuẩn EVFTA: Thể hiện sự tin cậy giữa EU và Việt Nam

Chiều 12-2 theo giờ Việt Nam, Nghị viện châu Âu (EP) đã phê chuẩn hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam, còn gọi là EVFTA. Thỏa thuận này bao gồm hai hiệp định riêng biệt: Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). Trong bối cảnh phải cân nhắc giữa lợi ích hợp tác kinh tế và những vấn đề cần quan tâm, EP đã chọn đặt niềm tin vào Việt Nam qua hiệp định EVFTA.
Tại phiên họp toàn thể ở Strasbourg (Pháp) ngày 12-2, các nghị sĩ EP đã bỏ phiếu chọn thông qua EVFTA và EVIPA với tỉ lệ được Hãng tin AP cho là "áp đảo": EVFTA nhận 401 phiếu thuận, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng; còn EVIPA nhận 407 phiếu thuận.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết, Tổ chức Lao động Quốc tế hoan nghênh Nghị viện châu Âu vừa bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA). Khi có hiệu lực, hiệp định được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho cả EU và Việt Nam.
Theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng EU xuất sang Việt Nam, và phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. Theo chiều ngược lại, hơn 70% thuế quan của hàng Việt Nam sang EU được giảm ngay lập tức từ năm 2020 - thời điểm dự kiến EVFTA có hiệu lực, và phần còn lại sẽ được giảm tiếp theo lộ trình tối đa 7 năm.

Những lá phiếu thuận đại diện cho các thành viên tin rằng hai hiệp định trên sẽ giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm 15 tỉ euro (16,4 tỉ USD) trong khi xuất khẩu của EU sang Việt Nam tăng thêm 8,3 tỉ euro vào năm 2035, đạt mốc 22 tỉ euro/năm.



Quang cảnh phiên họp toàn thể tại Trụ sở Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp). Ảnh: TTXVN phát


Nông dân HTX Thanh long Long Trì (huyện Châu Thành, Long An) thu hoạch thanh long trồng ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu. Ảnh: TTXVN


Chế biến mủ cao su phục vụ xuất khẩu tại nông trường Cao su Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Ảnh: TTXVN


Cà phê là một trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm. Ảnh: TTXVN


Với việc EVFTA được thông qua, EU dành cho Việt Nam một hạn mức 80.000 tấn gạo mỗi năm với mức thuế 0%,
xuất khẩu gạo vào EU có thể tăng gấp 4 lần. Ảnh: TTXVN


Dây chuyền chế biến trái cây xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nafoods miền Nam. Ảnh: TTXVN


Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA sẽ là cơ hội lớn cho cho ngành da giày của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh: TTXVN


Ngành Dệt may Việt Nam hướng đến mục tiêu xuất khẩu trên 40 tỷ USD. Ảnh: TTXVN


Cá ngừ đại dương là mặt hàng chiến lược của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh: TTXVN

Xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang EU là thiết bị viễn thông, thực phẩm và quần áo. Trong khi đó, phía EU sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vào Việt Nam ở các lĩnh vực như máy móc, thiết bị giao thông vận tải, hóa chất và sản phẩm nông nghiệp.
Trình bày một cách cụ thể hơn về tham vọng của EU, nghị sĩ phụ trách điều hành các thỏa thuận thương mại qua EP - ông Geert Bourgois - cho rằng thỏa thuận với Việt Nam sẽ giúp tăng cường quan hệ kinh tế giữa EU với Việt Nam giữa bối cảnh châu Âu chịu sự cạnh tranh quyết liệt của Trung Quốc và Mỹ.


“Thỏa thuận đạt được mở ra tiềm năng thị trường rất lớn cho các doanh nghiệp châu Âu”.
Bộ trưởng Kinh tế
và Năng lượng liên bang Đức Peter Altmaier.
Về phần Việt Nam, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chiều 12-2 cũng nhấn mạnh lợi ích kinh tế to lớn mà EVFTA và EVIPA mang lại cho cả hai bên: "EVFTA sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp EU tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, qua đó tiếp cận sâu hơn thị trường ASEAN và khu vực; GDP của EU dự kiến sẽ tăng thêm 30 tỷ USD và xuất khẩu tăng thêm 29% vào năm 2035.  Đối với Việt Nam, EU là thị trường lớn thứ hai cho hàng xuất khẩu Việt Nam; việc thực hiện EVFTA dự kiến sẽ giúp GDP của ta tăng 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng gần 42,7% vào năm 2025. Do vậy, quyết định của EP đã nhận được sự hoan nghênh rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp hai bên", ông Bùi Thanh Sơn trả lời phóng viên.

EVFTA là thỏa thuận thương mại thứ hai mà EU ký với một nước Đông Nam Á sau hiệp định với Singapore. Trong mắt EU, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng và sẵn sàng cải cách để đáp ứng các tiêu chuẩn mới, khắt khe, mà theo báo Đức Deutsche Welle, Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á có tiềm năng kinh tế lớn nhất./.


“Với việc Nghị viện châu Âu bổ phiếu thông qua, Việt Nam chỉ còn 1 thủ tục là Hội đồng châu Âu phê chuẩn, phía Việt Nam phải đợi kỳ họp Quốc hội sắp tới vào tháng 4 – 5, Chủ tịch nước trên cơ sở đề nghị của Chính phủ sẽ trình ra Quốc hội. Nếu mọi việc thuận lợi Hiệp định sẽ được phê chuẩn vào tháng 5 và Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực vào tháng 7 tới. Đây là cơ hội tốt đáp ứng cho kinh tế Việt Nam cũng như các ngành hàng sản xuất, xuất khẩu cũng như cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng”.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
 
Bài: VNP tổng hợp - Ảnh: TTXVN

Quan hệ Việt Nam - Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Quan hệ Việt Nam - Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Australia đã xây dựng mối quan hệ vững chắc và toàn diện trên cơ sở tin cậy chiến lược và hiểu biết lẫn nhau. Nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong tháng 3 vừa qua theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, hai bên đã công bố nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Top