Nghệ thuật

Cuộc đối thoại giữa "Thép và Vải”

“Thép và Vải” là cuộc triển lãm vừa diễn ra của hai nhà điêu khắc Lê Thị Hiền và họa sĩ Trần Thanh Thục. Đây là cuộc triển lãm của hai nữ nghệ sỹ khá nổi tiếng trong làng mỹ thuật Việt Nam đương đại. Tên triển lãm cũng là thể loại chất liệu đặc trưng, sở trưởng của hai nghệ sỹ. Không gian triển lãm với gần 40 tác phẩm đã tạo lên “cuộc đối thoại” đầy ngẫu hứng giữa hai chất liệu, hai tâm hồn đa cảm của hai người đàn bà làm nghệ thuật.
Hai chất liệu đối lập, nhưng “Thép và Vải” đã tạo lên một cuộc hội ngộ ngẫu hứng, đầy cảm xúc của hai người phụ nữ yêu nghệ thuật bằng cả cuộc đời.

Sự hội ngộ ngẫu hứng nhưng lại như thể nhân duyên không hẹn mà gặp, không định mà nên của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền và họa sĩ Trần Thanh Thục đã tạo cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc đan xen, tạo ra sự đồng điệu trong tâm hồn những người phụ nữ đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống.



“Thép và Vải” là cuộc triển lãm của hai nữ nghệ sỹ khá nổi tiếng trong làng mỹ thuật Việt Nam đương đại.


Chất liệu sở trường của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền là đá và thép.


Người xem cảm thấy thú vị nhất khi ngắm nhìn các tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền chính là tính tự do trong tư duy về những chuyển động thay đổi.


Những sắc thái cảnh vật và con người được hiện lên xa mà gần, thực mà ảo trong tranh của họa sỹ Thanh Thục.

Trong cùng một không gian, hai chất liệu, một thật đanh chắc, một thật mềm mại nhưng lại tạo ra hòa quyện đến lạ kỳ, nó như một cuốn phim ngắn gọn, kiệm lời nhưng sâu sắc về cuộc đời và nghị lực của người phụ nữ trong hành trình của họ.

Quyết liệt mà nữ tính, cầu toàn mà lại vô cùng phóng khoáng, cá tính thể hiện trên hai chất liệu của hai người phụ nữ đã kết họ lại với nhau trong cuộc trò chuyện đầy sự sẻ chia.

Nhà điêu khắc Lê Thị Hiền (sinh năm 1957), cựu giảng viên khoa Điêu khắc trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam là một trong những tác giả nữ tiêu biểu thuộc thế hệ thứ nhất của giai đoạn mỹ thuật Việt Nam thời đổi mới. Bà là người góp phần đào tạo những thế hệ các nhà điêu khắc trẻ năng động hiện nay.

Chất liệu sở trường của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền là đá và thép. Theo đuổi khuynh hướng điêu khắc tối giản, các tác phẩm của bà thường chú trọng đến khối, nét và sự chuyển động.

Có lẽ điều làm người xem cảm thấy thú vị nhất khi ngắm nhìn các tác phẩm của bà chính là tính tự do trong tư duy về những chuyển động thay đổi. Điêu khắc là khối, là không gian nhưng với Lê Thị Hiền điêu khắc lại không tĩnh, không đứng im mà nó vận hành theo nhịp điệu của cảm xúc.



Các tác phẩm được nhà điêu khắc Lê Thị Hiền trưng bày tại triển lãm: Cổng và gió, sóng nghiêng, tháp, sen, sen đôi,…


Theo đuổi khuynh hướng điêu khắc tối giản, các tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền thường chú trọng đến khối, nét và sự chuyển động.


Trong cái vuông vắn tưởng như chằn chặn bên ngoài trong các tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền
là những gập gềnh dữ dội bên trong mà chỉ người trong cuộc mới có thể cảm nhận hết, đặc biệt là đàn bà.


Tính cân bằng đa chiều trong mỗi tác phẩm điêu khắc của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền 
khiến các tác phẩm tưởng chừng đơn giản, kiệm lời, nhưng lại chất chứa ở trong đó vô số các thông điệp, triết lý sống.

Màu hồng sen là màu đặc biệt ưa thích của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền trên những tác phẩm chất liệu thép khoảng 10 năm trở lại đây. Với bà, sắc hồng không chỉ là điểm nhấn, mà nó còn là tín hiệu đơn, nhưng đa sắc cho sự biểu cảm đầy nữ tính. Nó làm cho thép trở nên quyến rũ, uyển chuyển, tự nhiên trong những không gian sắp đặt khác nhau.

Tính cân bằng đa chiều trong mỗi tác phẩm điêu khắc của bà khiến các tác phẩm tưởng chừng đơn giản, kiệm lời, nhưng lại chất chứa ở trong đó vô số các thông điệp, triết lý sống. Trong cái vuông vắn tưởng như chằn chặn bên ngoài là những gập gềnh dữ dội bên trong mà chỉ mỗi người trong cuộc mới có thể cảm nhận hết, đặc biệt là đàn bà.


Tại triển lãm lần này, nhà điêu khắc Lê Thị Hiền đã trưng bày các tác phẩm như Cổng và gió, sóng nghiêng, tháp, sen, sen đôi,….

Ở một thái cực khác, dường như các tác phẩm của họa sĩ Trần Thanh Thục (sinh năm 1960) lại bộc lộ ra ngay tư chất của một người phụ nữ dịu dàng.

Chúng tôi có duyên biết đến bà từ ngày đầu tiên bà giới thiệu các tác phẩm tranh vải ra với công chúng. Ấn tượng về lối tạo hình tài tình của người họa sĩ chỉ cắt vải thôi mà lại có thể tạo nên được những bức tranh như vẽ với đủ đầy các sắc thái, chúng tôi luôn dõi theo bước chân của bà.

Nhớ câu nói của bà: “Cái gì cũng có sẵn hết trên vải”. Nhưng để biến cái có sẵn đó thành những bức tranh đúng nghĩa thì lại không hề đơn giản. Hàng chục lớp vải xếp tầng lớp chỗ thì phẳng, đoạn thì gồ ghề. Không có bất cứ một nét cọ nào được vẽ lên, nhưng trong hầu hết những tác phẩm, ánh sáng và không gian lại đúng như được vẽ ra, được pha màu, được nhấn nhá một cách đáng nể phục.


Một số tác phẩm của họa sỹ Thanh Thục tại triển lãm:










Những lớp keo trong suốt và cái kỳ công để tạo ra độ phẳng ưng ý cũng là điều mà bà phải tích lũy sau hàng chục năm làm tranh vải. Trên nền biểu cảm đó, những sắc thái cảnh vật và con người được hiện lên xa mà gần, thực mà ảo. Họa tiết như lời bà nói dẫu có sẵn trong ngút ngàn đống vải nhưng nếu không có tâm hồn và bàn tay của người đàn bà tài năng, đa cảm thì câu chuyện của những bức tranh đầy công phu ấy cũng không được kể ra.

Các tác phẩm bà mang đến triển lãm là "Phá Tam Giang", "Hà Nội thu", "Nhà thờ đổ biển Hải Lý", "Ngôi nhà nhỏ", "Đường quê"...

''Thép và Vải’’ bên nhau trong một cuộc trưng bày đã tạo nên một sự ảo diệu đa diện, đa sắc thái./.

 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Khánh Long


Top