Văn hóa

Con trâu trong đời sống văn hóa Việt

Trong tri thức về loài vật của người Việt thì tri thức về con trâu là có sớm nhất. Hình ảnh con trâu được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần từ hàng ngàn năm qua.
Khi nói đến lịch của một số nước á Đông, trong đó có Việt Nam, trong 12 địa chi (thập nhị chi), trâu mang pháp danh là Sửu, đứng hàng thứ hai sau Tý và đứng trước 10 con vật khác là Cọp, Mèo, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó, Lợn. Mười hai con vật được đứng trong sách lịch pháp trên đây là đại diện cho các loài.

Người phương Đông đã tìm thấy và đặt tên cho bốn chòm sao, gồm 28 ngôi sao chính gọi là nhị thập bát tú, trong đó có sao Ngưu thuộc chòm sao Huyền Vũ. Theo quan niệm của người phương Đông thì sao Ngưu, sao Đẩu là những ngôi sao sáng, rực rỡ. Nó thường được gắn cho những người có trí tuệ trác việt.


Lễ hội Tịch Điền được tổ chức ở xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam là một lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông được diễn ra vào ngày 7 tháng Giêng hàng năm.
Lần đầu tiên nghi thức lễ tịch điền này được diễn ra vào thế kỷ X, trên quê hương vua Lê Đại Hành.
Trong ảnh: Tái hiện hoạt cảnh Vua Lê Đại Hành dẫn trâu cày thửa ruộng đầu tiên trong năm. Ảnh: VNP



Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, còn gọi là đấu ngưu, là một tập tục có từ xa xưa của người dân vạn chài
tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng, diễn ra vào ngày 9 tháng 8 Âm lịch hàng năm. Ảnh: VNP



Hàng năm, cứ mùng 4-5 Tết Nguyên Đán, hơn 20 con trâu, bò làm bằng rơm rạ ở xã Đại Đồng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc
tập trung tại miếu để khởi động năm mới với Lễ hội “Trâu rơm bò rạ”. Ảnh: VNP



Người Mông ở xã Khau Phạ (Mù Căng Chải - Yên Bái) dùng trâu cày trên những thửa ruộng bậc thang sau mùa nước đổ. Ảnh: VNP



Chợ trâu Cán Cấu (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) họp vào thứ 7 hàng tuần
là chợ buôn bán trâu lớn nhất miền Bắc với khoảng 200 con được giao dịch mỗi phiên. Ảnh: VNP



“Mo khoăn khoai” là một nghi lễ tâm linh của đồng bào Lự ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu,
nhằm tỏ lòng biết ơn tới những "ông trâu" - loài vật gần gũi với bà con nông dân. Ảnh: VNP



Thầy cúng Triệu Chòi Hín ở xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì - Hà Giang) dùng tù và sừng trâu để mời gọi thần linh trong lễ mừng cơm mới. Ảnh: VNP

 

Lễ hội đâm trâu là một lễ hội nhằm mục đích tế thần linh
và những người đã có công thành lập buôn làng, ăn mừng mùa màng bội thu của các tộc người sinh sống ở khu vực Tây Nguyên ở Việt Nam. Ảnh: VNP



ĐBSCL thường đón mùa nước nổi mỗi năm bốn tháng, cỏ cây chết, không còn cỏ cho trâu ăn, nơi trâu ngủ.
Để trả ơn cho con vật trung thành quanh năm cực khổ giúp nông dân làm ra hạt lúa,
người dân đã len trâu vượt những cánh đồng nước ngập để đi tìm vùng đất hứa,
những vùng đất cao với vạt cỏ xanh. Vì thế, mùa nước nổi cũng là mùa len trâu ở Nam Bộ.

Trong quan niệm của văn hóa Việt Nam, trâu cũng là một trong những linh thú. Nhiều đình chùa ở nước ta đã chạm khắc và tạc tượng trâu. Ngành khảo cổ học đã tìm thấy ở buổi đầu dựng nước có nhiều tượng trâu ở di chỉ Đình Chàng, sau đó là tượng trâu bằng đá ở chùa Kim Ngưu (Bắc Ninh).

Con trâu vàng được chọn làm linh vật của SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam năm 2003.
Đối với quốc gia nông nghiệp lúa nước như Việt Nam, ngàn đời nay đã hình thành nên những câu tục ngữ, thành ngữ "Con trâu là đầu cơ nghiệp", "tậu trâu cưới vợ, làm nhà…", "ruộng sâu, trâu nái", "chín đụn mười trâu"…đã nói lên vị trí, vai trò quan trọng của con trâu đối với sản nghiệp người nông dân. Ngoài ra, từ bắc vào nam, hằng nằm có đến hằng trăm lễ hội tiên quan đến tín ngưỡng con trâu.

Con trâu còn xuất hiện trong kho tàng văn học dân gian với biết bao câu ca dao, đồng dao, tục ngữ, câu đố, nhiều truyện cổ tích và huyền thoại...

Có thể nói, con trâu đối với nhà nông là “đầu cơ nghiệp”, là người bạn thủy chung, gắn bó với con người từ hàng ngàn năm qua, cũng giống như cây tre gắn bó với con đường làng, mảnh vườn, góc sân của mỗi gia đình, mỗi làng quê Việt Nam./.

 
Bài và ảnh: VNP

Dấu ấn Triển lãm Quốc tế quốc phòng Việt Nam 2024

Dấu ấn Triển lãm Quốc tế quốc phòng Việt Nam 2024

Nhằm tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, đồng thời chia sẻ chính sách, chủ trương xây dựng quân đội và phát triển nền công nghiệp quốc phòng giữa Việt Nam và các nước, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 từ ngày 19-22/12/2024 tại Sân bay Gia Lâm (đường Nguyễn Sơn, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội).

Top