Nghệ thuật

Có một “Tây Bắc mơ màng” trong tranh NSND Trà Giang

Nếu điện ảnh mang đến sự nổi tiếng cho nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trà Giang khi trẻ với các vai diễn ấn tượng trong nhiều bộ phim Việt Nam thì hội họa lại mang đến cho bà cuộc sống bình yên, sự tĩnh tại ở tuổi già. Hành trình từ điện ảnh đến hội họa của bà là câu chuyện nối tiếp từ những thước phim qua nét cọ, gắn liền với cuộc đời của một con người tài hoa.
Những vai diễn in đậm dấu ấn của NSND Trà Giang như: Chị Tư Hậu (1962), Lửa rừng (1966), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972), Bài ca ra trận (1973), Em bé Hà Nội (1974), Huyền thoại về người mẹ (1987), Hoàng Hoa Thám (1987)… được nhiều thế hệ người Việt Nam nhớ đến. Năm 1973, NSND Trà Giang đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Moskva. Ở tuổi 48, quay xong phim "Dòng sông hoa trắng" cũng là lúc bà ngừng nghiệp diễn và hội họa đến với bà như một cơ duyên, đó là khi bà chuyển nhà vào Tp. Hồ Chí Minh sinh sống.

Một lần ghé thăm bà Lê Thị Thoa, vợ cố Thượng tướng Trần Văn Trà đầu năm 1999, 
 NSND Trà Giang thấy những bức tranh treo trên tường nhà rất đẹp nên bà nảy ra ý định vẽ tranh.

Thế là cứ mỗi tuần 3 lần, NSND Trà Giang đến Hội Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh học vẽ. Khi tay cọ cứng cáp, bà tham gia nhóm "Hương cỏ". Càng vẽ, bà càng đắm chìm trong màu sắc, tìm thấy sự bình yên, tĩnh tại trong tâm hồn. Những tâm tư của mình bà gửi vào hội họa, cũng giống như trước kia bà say mê trong các vai diễn của điện ảnh.


Nghệ sĩ nhân dân, diễn viên, họa sĩ Trà Giang.


Bạn bè, đồng nghiệp đến chia vui với họa sĩ Trà Giang.


Họa sĩ Trà Giang chia sẻ về quá trình cũng như hoàn cảnh ra đời các tác phẩm của mình.


Nét cọ của họa sĩ Trà Giang tạo được ấn tượng rất mạnh đối với người xem.


Triển lãm “Qua miền Tây Bắc” nhận được sự quan tâm của du khách nước ngoài.

30 bức tranh sơn dầu bà sáng tác từ năm 2016 đến 2017 được trưng bày tại Triển lãm “Qua miền Tây Bắc” chủ yếu về đề tài thiên nhiên, phong cảnh quê hương và tĩnh vật như : Phong cảnh Tây Bắc, Đèo Pha-đin, Nắng sớm, Người đàn bà H’Mông đi trong sương, Bản Xín Chải - Sapa, Mây xuống núi, Thung lũng đỏ, Chiều Tây Bắc…

Màu sắc không rực rỡ mà có nét duyên, trong vắt như chính tính cách con người họa sĩ Trà Giang. Bà yêu thiên nhiên, yêu những điều giản dị chung quanh mình nên thể hiện nó rất rõ vào tranh. Từ triển lãm cá nhân đầu tiên với tên gọi “Hè về” (2006), cho đến “Mùa xuân” (2016) và giờ là “Qua miền Tây Bắc” (2018) đều cho thấy điều đó.

Mỗi lần đóng phim ở một nơi nào, đi qua một vùng đất hoặc gặp gỡ những con người thì những hình ảnh đó đó in đậm trong tâm trí của bà. Khi chuyển qua hội họa, có dịp quay lại những nơi ấy, ký ức xưa lại ùa về đã thôi thúc nét vẽ của bà. Vốn sống và làm việc nhiều năm trong điện ảnh đã trở thành chất liệu phong phú trong hội họa của họa sĩ Trà Giang. Từ thế giới điện ảnh bước chân vào thế giới hội họa, NSND Trà Giang chia sẻ: “Ba thứ ý nghĩa nhất cuộc đời tôi là điện ảnh, chồng và con gái không còn bên mình. Lúc khó khăn nhất thì hội họa lại cứu vớt cuộc đời tôi sống những ngày tháng còn lại thanh thản”.

Hiện tranh của họa sĩ Trà Giang được nhiều nhà sưu tập trong nước và nước ngoài sưu tầm. Ở tuổi 75, niềm vui sống của bà là hội họa như cách NSND Trà Giang ví von, hội họa là bạn đồng hành của mình./.


Một số tác phẩm trong triển lãm “Qua miền Tây Bắc” của họa sĩ Trà Giang:


Tác phẩm: Người đàn bà H’Mông đi trong sương.


Tác phẩm: Thanh bình.


Tác phẩm: Bản Xín Chải SaPa.


Tác phẩm: Bông cải sau hè.


Tác phẩm: Mây lang thang.


Tác phẩm: Mây xuống núi.


Tác phẩm: Phong cảnh Tây Bắc.


Tác phẩm: Nắng sớm.


Tác phẩm: Đèo Pha-đin.


Tác phẩm: Thung lũng đỏ.


Tác phẩm: Chiều Tây Bắc.


Tác phẩm: Hoa cát tường đỏ.


Tác phẩm: Sắc màu tulip.


Tác phẩm: Quà mừng ngày 8 – 3.


 

Công chúng vừa có dịp thưởng lãm triển lãm tranh cá nhân lần thứ 3 của NSND – Họa sĩ Trà Giang vào ngày 8/1/2018 tại Bảo tàng mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh với chủ đề “Qua miền Tây Bắc” đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 75 của bà. 

Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Thông Hải


Top