Chân dung

Chamalea Âu - nghệ nhân gìn giữ tiếng đàn Chapi của đồng bào Raglay

Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Chamalea Âu người dân tộc Raglay (xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) là một trong số ít những người có thể thuần thục chế tác và sử dụng các vật dụng, nhạc cụ của đồng bào mình như Đàn Chapi, nỏ, gùi, thúng, mã la…
Hình ảnh ông lão có thân hình mảnh khảnh, mái tóc dài trắng bồng bềnh và đôi mắt sáng quắc thường ngồi dưới bóng cây sau nhà cặm cụi làm ra những chiếc đàn Chapi đã trở nên quá đỗi quen thuộc với người dân làng Do, xã Ma Nới. Ông chính là nghệ nhân ưu tú Chamaléa Âu, người hiếm hoi trong vùng còn làm đàn Chapi cũng như canh chỉnh được âm thanh của loại đàn này một cách chuẩn nhất.

Là nhạc cụ truyền thống đặc trưng của cộng đồng dân tộc Raglai, đàn Chapi còn được nhiều người biết đến sau khi nhạc sĩ Trần Tiến viết câu hát “ai nghèo cũng có cây đàn Chapi”- nhằm khẳng định một món ăn tinh thần không thể thiếu của bất kỳ người dân Raglai nào.

Theo Chamaléa Âu, ông cũng như bao đứa trẻ Raglai khác đều được người lớn truyền dạy cho cách chơi đàn Chapi từ thuở nhỏ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nhiều người dân không thường xuyên gắn bó với cây đàn, quên mất cách làm đàn, cách canh chỉnh âm thanh cho cây đàn. Được ba mình và người cậu dạy từ thuở nhỏ, ông Chamaléa Âu có thể làm ra những cây đàn Chapi một cách tốt nhất.



Nghệ nhân ưu tú Chamaléa Âu, người có khả năng làm đàn Chapi
cũng như canh chỉnh được âm thanh của đàn Chapi chuẩn xác của bà con dân tộc Raglai
. Ảnh: Nguyễn Luân


Từng chi tiết của đàn được nghệ nhân ưu tú Chamaléa Âu thực hiện cẩn thận. Ảnh: Lê Minh


Nghệ nhân ưu tú Chamaléa Âu cảm nhận âm thanh cây đàn đang được ông thực hiện. Ảnh: Nguyễn Luân


Các dụng cụ làm đàn Chapi của nghệ nhân ưu tú Chamaléa Âu. Ảnh: Nguyễn Luân



Cây đàn Chapi hoàn chỉnh được thực hiện bởi nghệ nhân ưu tú Chamaléa Âu. Ảnh: Lê Minh

Theo Chamaléa Âu, tiếng đàn Chapi đã theo ông từ nhỏ và đến nay khi đã thành một ông lão vẫn theo bước chân ông lên rừng, vượt suối vượt thác. Ở các sự kiện, lễ hội văn hóa của thôn làng, đều có tiếng đàn Chapi của ông góp mặt. Kể cả khi tham gia kháng chiến, tiếng đàn Chapi cũng theo ông như một nguồn động viên tinh thần rất lớn.

Đến nay, ông Chamaléa Âu được xem một trong số hiếm hoi những người còn lại của đồng bào Raglai ở Ninh Sơn có thể làm đàn, biểu diễn và canh chỉnh âm thanh cho đàn Chapi một cách thành thạo và chuẩn nhất.
Ngồi canh chỉnh dây đàn Chapi, đưa lên tai “cảm âm”, chốc chốc ông Chamaléa Âu lại say sưa kể kể cho khách nghe về cách làm đàn cũng như nhiều câu chuyện gắn liền với cây đàn Chapi. Với tình yêu dành cho tiếng đàn suốt cả cuộc đời này, ông Chamaléa Âu tự hào chỉ vào những cây đàn Chapi rồi khẳng định: “Đây đều là những cây đàn Chapi được làm chuẩn nhất và âm thanh cũng đúng chuẩn, vì thế nếu định giá bán sẽ là khá cao”.

Theo NNƯT Chamaléa Âu, kỹ thuật làm đàn tuy không khó nhưng đòi hỏi nghệ nhân phải đam mê, yêu tiếng đàn như bản thân mình vậy. Đồng bào quê ông thường dùng những khúc trẻ già thẳng, đẹp mắt, có đường kính khoảng 7-8 cm, dài 40 cm để làm đàn Chapi. Tre phải được phơi khô một thời gian rồi mới dùng làm đàn. Việc làm dây đàn, căng dây, đục lỗ trên thân tre tạo âm thanh, tạo hình thẫm mỹ và canh chỉnh âm thanh cho cây đàn là cả một quá trình học hỏi, đúc kết kinh nghiệm và đặc biệt là phải dành cả tâm huyết, tình cảm thì mới có thể cho ra những cây đàn Chapi mang những âm thanh “có hồn” nhất.

Ngoài làm thuần thục đàn Chapi, ông Chamaléa Âu còn có khả năng làm được nhiều loại nhạc cụ, dụng cụ lao động khác như: gùi, cà-tẹt, kèn bầu, cung, nỏ… phục vụ lao động sản xuất cũng như buôn bán, trao đổi hàng hóa với các nơi khác.



Bên cạnh việc làm đàn Chapi, nghệ nhân ưu tú Chamaléa Âu còn làm các dụng cụ lao động khác như: gùi, cà-tẹt, kèn bầu, cung, nỏ…
phục vụ lao động sản xuất cũng như buôn bán, trao đổi hàng hóa với các nơi khác. Ảnh: Nguyễn Luân


Những khúc tre già thẳng, đẹp mắt, có đường kính khoảng 7-8 cm, dài 40 cm được gác bếp một thời gian cho khô mới dùng làm đàn Chapi. Ảnh: Nguyễn Luân

Khi rảnh rỗi, nghệ nhân ưu tú Chamaléa Âu vào rừng săn bắn và tìm những cây tre già để làm đàn Chapi. Ảnh: Nguyễn Luân


Nghệ nhân ưu tú Chamaléa Âu bên cây cung của mình. Ảnh: Nguyễn Luân

Trong quá trình giới thiệu, quảng bá cây đàn Chapi đến công chúng, NNƯT Chamléa Âu từng mang cây đàn Chapi ra Thủ đô Hà Nội biểu diễn chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ nhất năm 2010, biểu diễn tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam năm 2011 trong hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân gian đã được nhiều người đón nhận. Tại địa phương, ông tham gia nhiều hoạt động văn hóa dân tộc, tham gia biểu diễn tại các lễ hội thường niên ông... Năm 2015, ông được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì vì đã có những cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc./.

Ông Chamaléa Âu là người vui vẻ, hài hước và nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động xây dựng xã hội tại địa phương. Hiện ông là thành viên Hội cựu chiến binh xã Ma Nới, đóng góp nhiều thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua cựu chiến binh gương mẫu trong 5 năm (2014-2019).
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Lê Minh, Nguyễn Luân

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Với bàn tay tài hoa và cái tâm của người thầy thuốc, Lương y Cao Văn Minh - người được kế thừa các bài thuốc quý gia truyền của dòng tộc Cao và được đào tạo bài bản tại trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, đã và đang điều trị các bệnh lý về xương khớp, đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ và bại liệt cho hàng chục ngàn bệnh nhân ở Việt Nam và nước ngoài.

Top