Nghệ thuật

Bước vào cõi Thiền trong tranh Phật giáo

Hoạ sĩ Phượng Hồng nổi tiếng với những tác phẩm mang đậm chất Đạo Phật. Tranh của ông xuất hiện ở các triển lãm khắp trong và ngoài nước. Người ta gọi chất Thiền phảng phất qua các nét vẽ bình dị của người hoạ sĩ này là một hành trình bất tận về tâm linh.
Hoạ sĩ có quê gốc ở TP. Nha Trang. 6 tuổi ông đã được mẹ cho theo lên chùa trong những ngày lễ. Phật pháp bắt đầu thấm vào tâm hồn và máu thịt ông từ những ngày thơ bé như thế. 15 tuổi - ở cái độ tài không đợi tuổi, ông đã có cho riêng mình buổi triển lãm tranh về Phật giáo nhân ngày lễ Phật đản diễn ra tại Nha Trang vào năm 1964. Đây cũng là bước đệm cho sự thành công để hun đúc lên phong cách nghệ thuật trong tranh hướng Phật của hoạ sĩ sau này. 
  
Tranh của Phượng Hồng được giới chuyên môn đánh giá đậm chất đạo học phương Đông với đa chất liệu là sơn dầu, sơn mài, giấy dó và tranh màu nước trên vải. Sự hài hoà từ việc kết hợp giữa đời thực và hư, giữa đạo và đời giúp tranh của ông đem đến cho người xem rất rõ về sự cảm nhận an nhiên, mộc mạc, dung dị mà thâm trầm.
  


Chân dung họa sĩ Phượng Hồng.


Tranh của Phượng Hồng được giới chuyên môn đánh giá đậm chất đạo học.


Hoạ sĩ Phượng Hồng cầm cọ một cách tự phát từ thuở thiếu niên tại Nha Trang.

Theo họa sĩ Phượng Hồng, ông là một Phật tử, cho nên từ trong tâm, tín ngưỡng của mình khiến ông có sở thích và đam mê vẽ tranh hướng về ý đạo của nhà Phật. Thiền tại tâm và do chính tâm chúng ta nắm bắt và giác ngộ. Do đó, Thiền trong tranh chính là sự chuyển tải cái tâm lực của một người hành thiền vào bức họa. Qua đó truyền tải sức mạnh tinh thần Phật giáo đến người thưởng lãm.
  
“Khi lớn lên, tôi nghiên cứu về vấn đề tâm linh trong giáo lý nhà Phật nhiều hơn. Điều đó giúp tôi luôn bình tâm và sáng suốt khi giải quyết những tồn tại hoặc thay đổi trong cuộc sống. Bên cạnh đó, thông điệp mà tôi muốn gửi gắm trong từng bức hoạ của mình là muốn người xem cảm nhận được từng chút một là sự an yên, thanh tịnh, từ đó rút ra cho bản thân những góc nhìn tích cực và nhân văn trong đời thực và trong cách “đối nhân xử thế” với mọi người xung quanh”, hoạ sĩ bộc bạch.
  
Hoạ sĩ Phượng Hồng cũng cho biết thêm, ông vẽ tranh cũng giống như cách một nhà văn truyền tải những ý nghĩa nhân văn cao đẹp vào trong các tác phẩm. Chung quy lại, nghệ thuật được ông xem là niềm vui và hướng con người đến 3 mục tiêu lớn trong cuộc sống là chân, thiện, mỹ.
  
Được biết, họa sĩ Phượng Hồng hiện là người giữ Kỷ lục quốc gia về sáng tác tranh Phật giáo Việt Nam với khoảng 5.000 tác phẩm và nhiều triển lãm được tổ chức từ 1964 đến nay. Trong đó phải kể đến là Triển lãm Đại Lễ Phật đản Vesak tại chùa Tam Chúc tỉnh Hà Nam năm 2019; Triển lãm tranh thổ cẩm tại TP Đà Lạt; Triển lãm tại Phan Thiết, Bình Thuận; Triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP.HCM…
  
Ông hiện là thành viên Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam – Chuyên đề Mỹ thuật Phật giáo. Vừa qua, Bộ Y Tế cũng đã đề nghị đưa tranh của hoạ sĩ Phượng Hồng làm liệu pháp điều trị tâm lý của con người./.


Một số tác phẩm đặc sắc của họa sĩ Phượng Hồng về Phật giáo:






















Bài và ảnh: Thông Hải


Top