Kinh tế

5S - công cụ cải thiện năng suất lao động cho doanh nghiệp Việt

Nằm trong Dự án cải thiện năng suất lao động cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) của Việt Nam do JICA triển khai thực hiện trong 3 năm, công cụ 5S đã chứng minh được hiệu quả khi giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ “thay da đổi thịt” trong việc nâng cao năng suất của người lao động.
Chị Đỗ Hải Yến, công nhân làm ở bộ phận gia công của Công ty Indohoa (Thành phố Hải Phòng), cho biết: “trong thời gian hơn 6 tháng được học và ứng dụng công cụ 5S trong công việc, năng suất lao động của tôi đã tăng lên 70% so với trước khi chúng tôi được biết đến công cụ 5S”.
Công cụ 5S bao gồm: Seiri (sàng lọc - loại bỏ những thứ không cần thiết); Seiton (sắp xếp - sắp xếp mọi thứ ngăn nắp, trật tự, đánh số để dễ tìm, dễ thấy, dễ tra cứu); Seiso (sạch sẽ - vệ sinh nơi làm việc và luôn giữ sạch sẽ); Seiketsu (săn sóc - xây dụng tiêu chuẩn cao về ngăn nắp, sạch sẽ tại nơi làm việc); Shitsuke (sẵn sàng - đào tạo để mọi người thực hiện các tiêu chuẩn, tạo thành thói quen).


Đó không phải là nhận định chủ quan của một người công nhân. Chị Yến bắt đầu phân tích cho tôi về hiệu quả của công cụ 5S trong công việc. Nếu trước đây, với mức lương 6 triệu VNĐ/tháng, chị Yến phải làm hoàn thành trung bình 1000 sản phẩm gia công/ngày. Và thường để đạt được chỉ tiêu sản phẩm này, chị Yến phải làm thêm ca, thậm chí cả ngày chủ Nhật. Và hàng ngày, giờ tan ca của chị luôn sau 17h30 để có thể hoàn thành các sản phẩm được khoán.

Nhưng hiện nay, chị Yến cho biết, không những không phải làm tăng ca, mà hàng ngày công việc của chị đều kết thúc trước trước 17h.

“Khi được học 5S, chúng tôi đã không bị lãng phí thời gian vào những việc như đi tìm công cụ, thu gom phế phẩm từ các sản phẩm gia công hay quét dọn nơi làm việc, … Đó là những công việc thừa rất mất thời gian của không chỉ bản thân tôi mà cả đội sản xuất”, chị Yến chia sẻ về những lợi ích ban đầu của việc ứng dụng công cụ 5S.

Mỗi ngày đều đặn, chị Yến chỉ phải mất từ 5 – 10 phút trước buổi làm sáng và cũng thời gian đó cuối giờ chiều để dọn dẹp lau chùi chỗ làm của mình. Trước đây, mỗi ngày,  chị Yến phải mất cả tiếng đồng hồ để làm việc này. Thời gian đó hiện nay được chị Yến sử dụng để gia công thêm sản phẩm.



Là người trực tiếp truyền đạt việc thực hành công cụ 5S đến Công ty Indohoa, tình nguyện viên Muto Tadashi được công ty gọi bằng cái tên trìu mến “Thầy Muto”.


Tình nguyện viên cao cấp Muto Tadashi trong một buổi truyền đạt kiến thức ứng dụng công cụ 5S tại Công ty Indohoa.


Hoạt động 5S tại Công ty Indohoa được ghi chép trên bảng thông tin của từng bộ phận trong Công ty.


Ngoài công cụ 5S, Công ty Indohoa cũng được các tình nguyện viên JICA giới thiệu thêm về công cụ Kaizen,
một công cụ hữu hiệu khác trong việc nâng cao năng suất và chất lượng lao động.


Tình nguyện viên Muto tham gia chương trình phái cử Tình nguyện viên của JICA đến làm việc tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng
 với mục tiêu giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện chất lượng và năng suất.


Tình nguyện viên Muto đang trao đổi cùng ban lãnh đạo Công ty Indohoa sau buổi thuyết trình về thực hành công cụ 5S.


Tình nguyện viên Muto trao đổi cùng các chuyên gia của JICA.

Hoàn thành công việc sớm, chị Yến không những có thời gian nghỉ ngơi, mà còn có nhiều thời gian hơn để chăm sóc gia đình.

Đó là những hiệu quả nhìn thấy rõ được từ một người công nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ năng suất lao động của mình.

Ông Vũ Quang Huy, Giám đốc Công ty Indohoa cho biết, từ khi áp dụng công cụ 5S, Công ty đã có nhiều thay đổi, trong đó thay đổi lớn nhất là tạo được môi trường làm việc thân thiện, thay đổi tư duy của mọi người, đặc biệt là người công nhân đã có những cải thiện rõ rệt, góp phần nâng cao hiệu quả làm việc.

Cũng theo ông Huy, trong công cụ 5S, thì “S” – sắp xếp là cần thiết nhất với đặc thù một công ty về in ấn bao bì như hiện nay. Rất nhiều thao tác thừa đã được bỏ đi sau khi các công nhân được hướng dẫn về cách sắp xếp.

Là người trực tiếp truyền đạt việc thực hành công cụ 5S đến Công ty Indohoa, tình nguyện viên Muto Tadashi được công ty gọi bằng cái tên trìu mến “Thầy Muto”.

Ông Muto, 63 tuổi, trước khi nghỉ hưu, ông đã làm cho các tập đoàn đa quốc gia ở Nhật và Đức, chuyên về phát triển những sản phẩm hóa chất mới. Ông tham gia chương trình phái cử Tình nguyện viên của JICA đến làm việc tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng với mục tiêu giúp đỡ các DNVVN cải thiện chất lượng và năng suất.

Sau thời gian 2 năm làm việc tại Việt Nam, ông Muto đã có những nhận định chính xác hơn về đặc thù của các doanh nghiệp Việt so với doanh nghiệp Nhật Bản. Bởi vậy, ông Muto đồng ý với quan điểm khi hướng dẫn các doanh nghiệp Việt, đó là: đào tạo và hướng dẫn về phương pháp quan trọng hơn là đưa ra một giải pháp cụ thể. Quan điểm của ông đó là “cho họ một chiếc cần câu sẽ tốt hơn thay vì cho họ một con cá”.



Công cụ 5S đã giúp Công ty có nhiều thay đổi trong môi trường làm việc và tư duy, đặc biệt là người công nhân đã có những cải thiện rõ rệt.


Ông Vũ Quang Huy cho biết, trong công cụ 5S, thì “S” – sắp xếp là cần thiết nhất với đặc thù một công ty về in ấn bao bì như hiện nay.


Không gian và môi trường làm việc của nhà máy đã trở nên sạch sẽ, gọn gàng sau khi áp dụng 5S.


Các biểu đồ về công cụ 5S được dán ở các bộ phận khác nhau trong nhà máy để các công nhân nắm bắt được việc thực hành.


Trước đây, các sản phẩm gia công trong nhà máy thường xuyên không được xếp đúng vị trí nên gây nhiều khó khăn cho công nhân trong việc di chuyển.

Việc chất lượng và năng suất lao động của Công ty Indohoa được cải thiện rõ rệt là một trong những minh chứng cho thấy phương pháp truyền đạt công cụ 5S của “Thầy Muto” có hiệu quả thực sự với các doanh nghiệp Việt Nam.

Xuất xứ từ Nhật Bản, công cụ 5S đã được giới thiệu ở Việt Nam từ nhiều năm nay và cũng đã được chứng minh được hiệu quả khi giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp phụ trợ “thay da đổi thịt”.

Đặc biệt, với chương trình đào tạo khoa học, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành thực tế tại doanh nghiệp, Dự án cải thiện năng suất lao động cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam do JICA thực hiện đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức ngày một rõ ràng hơn về vai trò của việc cải thiện môi trường làm việc và nâng cao sự hài lòng của nhân viên, coi yếu tố con người là chìa khóa quan trọng để cải thiện năng suất lao động./.



Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường

Hà Nội nâng cao năng lực chế biến nông sản cho doanh nghiệp

Hà Nội nâng cao năng lực chế biến nông sản cho doanh nghiệp

Những năm gần đây đặc biệt là sau đại dịch Covid 19, ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm của Hà Nội đã phát triển mạnh đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cần những sản phẩm chế biến nhanh, đảm bảo dinh dưỡng và tiện lợi trong sống. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản… góp phần chuyên nghiệp hóa giá trị sản phẩm nông nghiệp mang lại một phong cách tiêu dùng mới: nhanh, ngon, chất lượng.

Top