Nghệ thuật

Xẩm tàu điện, một nét văn hóa độc đáo của người Hà Nội xưa

Cuối tháng 10 vừa qua, người dân thủ đô Hà Nội đã được gặp lại hình ảnh một Hà Nội xưa qua những lời ca, giai điệu quen thuộc của thủ đô thuở nào trong chương trình “Xẩm tàu điện – Văn hóa đường phố Hà thành” do Hội quán Di sản và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Xẩm tàu điện ra đời vào khoảng đầu thế kỷ XX, khi Hà Nội bắt đầu có tàu điện. Chính vì vậy, khi nghe lại những bài xẩm như “Vui nhất có chợ Đồng Xuân”, “Mục hạ vô nhân”, “Lửng lơ con cá vàng”, “Anh khóa”... không ít khán giả, nhất là những người lớn tuổi đã bồi hồi xúc động như được quay trở lại với Hà Nội của một thời xưa cũ đã qua.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, một người dân ở phố Khâm Thiên nhớ lại: “Thời còn bé, tôi đã được nghe xẩm tàu điện nhiều lần. Gọi là xẩm tàu điện vì thuở trước, Hà Nội có tàu điện là phương tiện giao thông phổ biến, cả người giàu người nghèo đều đi. Các gánh hát xẩm thường theo các chuyến xe điện ấy mà trở nên quen thuộc, lâu dần thành ra tên gọi, mà chỉ ở Hà Nội mới có". Thời ấy, ông thường hay đi trên các chuyến tàu điện quanh các phố cổ Hà Nội như Đồng Xuân, Hàng Đào... Giai điệu các bài hát xẩm thời bấy giờ, ngoài những bài quen thuộc, có giai điệu vui tươi còn lại là những bài có giai điệu buồn và dài. Nhưng người dân Hà Nội vẫn thích nghe xẩm, bởi lời hát có nhịp thơ lục bát dễ nghe, dễ thuộc, giai điệu í ơ dễ nhập tâm. Hát trên các chuyến tàu điện nên người nghe vẫn đông. Nghe xong người ta sẽ đưa gánh hát xẩm vài hào, gọi là để thưởng. 
 

Xẩm tàu điện và hình ảnh một Hà Nội xưa được tái hiện lại trong đêm diễn ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
 
Nghệ sỹ Thế Dân (phải) góp vui bằng một tiết mục độc đáo với cây đàn nhị tự chế bằng thân tre và kéo bằng môi.

Tiếng hát xẩm tàu điện như gợi nhớ lại hình ảnh một Hà Nội đầy kỷ niệm của một thời xưa cũ đã qua.

Tiếng đàn bầu quen thuộc của nghệ sỹ hát xẩm.

Đến với đêm diễn, người xem còn được thấy lại những hình ảnh của một Hà Nội xưa
được tái hiện đầy ấn tượng qua nghệ thuật tranh 3D, ví dụ như phố Tràng Tiền và đoàn tàu điện...

...hay hình ảnh chợ Đồng Xuân xưa và đoàn tàu điện quen thuộc.

Được biết, nghệ thuật hát xẩm xuất hiện ở nhiều tỉnh miền Bắc Việt Nam với môi trường diễn xướng là các bến sông, bãi chợ, sân đình ở khắp các làng quê. Khác với các loại hình xẩm truyền thống, xẩm tàu điện có nét độc đáo riêng. Nếu trong xẩm chợ, trang phục của người hát là áo tơi (áo mưa), nón lá thì khi hát xẩm trên tàu điện các nghệ sỹ nam thường mặc quần áo nâu, đeo kính đen, nữ mặc áo tối màu (nâu hoặc xám), có áo yếm sáng màu, váy lưng lửng đầu gối. Để phù hợp với đời sống thẩm mỹ của người thành thị, nội dung các bài xẩm thường nói đến cuộc sống thành thị.


Tiếng hát, tiếng phách của nghệ sĩ trẻ Thanh Thanh Tấm
đã thu hút khán giả trong đêm diễn.

Não nùng của tiếng phách, tiếng hát của NSUT Thanh Ngoan trong tác phẩm “Anh khóa” đã gây nhiều xúc động cho khán giả.

Tiếng mõ của nghệ sỹ Thế Dân
không thể thiếu trên chiếu hát xẩm.

NSUT Hoàng Anh Tú trong vai anh hát xẩm mù giãi bày tâm tư
trong bài xẩm quen thuộc “Mục hạ vô nhân".

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo và Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Thị Thành,
những người thuộc thế hệ trước của Hà Nội, giao lưu với NSUT Thanh Ngoan về xẩm tàu điện.

Khán giả thủ đô thưởng thức và nhớ về Hà Nội của một thời qua nghệ thuật xẩm.

Các thành viên của Hội quán Di sản.

Những bài xẩm chợ có thể than thân trách phận hoặc châm biếm những thói hư tật xấu... vì thế, giai điệu thường dài lê thê và rất buồn. Trong khi đó, Hà Nội là nơi phố thị buôn bán tấp nập, tàu điện ngược xuôi liên tục qua các tuyến phố ngắn nên người ta không có thời gian nghe lâu, vì thế, các điệu xẩm cũng ngắn gọn, tiết tấu nhanh và rộn ràng nên khi hát ai cũng thích và muốn nghe đi nghe lại nhiều lần.

Chính vì vậy, sau bao nhiêu năm vắng bóng, sự xuất hiện trở lại của xẩm tàu điện, dẫu chỉ là qua hình thức của một đêm diễn nhưng cũng đủ đem lại cho người Hà Nội những cảm nhận thú vị về một nét văn hóa độc đáo của người Hà Nội xưa./.
Bài: Thục Hiền - Ảnh: Trịnh Văn Bộ

Bài: Thục Hiền - Ảnh: Trịnh Văn Bộ


Top