Văn hóa

APEC cần đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển

Ngày 16/5, "Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai" đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là một trong những hoạt động quan trọng nhất về cả tầm vóc và quy mô trong dịp Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (SOM 2 APEC) và các cuộc họp liên quan. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng.
Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết, tiếp nối các cuộc đối thoại đầu tiên về "Tầm nhìn APEC sau 2020 và tương lai" được tổ chức vào tháng 8/2016, năm nay chủ nhà APEC 2017 Việt Nam đề xuất "Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai" với mong muốn đạt được một diễn đàn trao đổi ý tưởng, xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020 cho tất cả các bên liên quan, từ đó xác định được các bước đi và định hình các kiến nghị, báo cáo các bộ trưởng và lãnh đạo cấp cao.

Phát biểu tại Đối thoại, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, chìa khóa cho thành công mới của APEC hiện nay chính là APEC cần đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng chỉ rõ, APEC cần hết sức chú trọng thúc đẩy giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và một hệ thống các giải pháp chính sách xã hội tích cực, chủ động nhằm bảo đảm mọi thành phần xã hội và lao động có thể tham gia tích cực và thụ hưởng thành quả từ cách mạng công nghệ trong kỉ nguyên số.

Chủ tịch nước khẳng định, những thành tựu kinh tế-xã hội của Việt Nam hơn 30 năm qua cũng như định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam trong thời gian tới cũng không nằm ngoài định hướng đó.

Nói về vai trò của ASEAN, Chủ tịch nước cho rằng, với 50 năm thành công trong hội nhập khu vực, ASEAN có rất nhiều kinh nghiệm có thể chia sẻ với APEC trong nỗ lực xây dựng một cộng đồng ngày càng gắn kết về kinh tế - xã hội. 

Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị, tại Đối thoại lần này, các chuyên gia, đại biểu cần thảo luận để làm rõ thêm một số vấn đề lớn như: xác định những biện pháp và lĩnh vực hợp tác cụ thể để thúc đẩy việc hoàn tất thực hiện các mục tiêu Bogor đúng thời hạn vào năm 2020; xác định mục tiêu và khung thời gian cho APEC giai đoạn sau 2020 cùng các trụ cột hợp tác của APEC; xác định các bước đi để xây dựng tầm nhìn APEC sau 2020.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chụp ảnh chung với các đại biểu
tham dự "Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai". Ảnh: Trần Công Đạt



Các đại biểu chào mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang
đến dự "Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai". Ảnh: Trần Công Đạt



Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Đoàn Chủ tịch buổi Đối thoại. Ảnh: Trần Công Đạt


Phát biểu tại Đối thoại, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, APEC cần đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển.
Ảnh: Trần Công Đạt


Đối thoại đã gợi mở nhiều ý tưởng và nêu ra những đề xuất cụ thể
góp phần vào việc định hướng hợp tác APEC trong thời gian tới. Ảnh: Trần Công Đạt



Đối thoại đã thu hút sự tham gia rộng rãi của khoảng 300 đại biểu là các quan chức cao cấp của APEC, 
lãnh đạo doanh nghiệp, học giả có uy tín, đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực. Ảnh: Trần Công Đạt



Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2006 (ngoài cùng bên phải)
với nguyên Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy (thứ hai, bên phải)
và các đại biểu tham dự cuộc Đối thoại. Ảnh: Trần Công Đạt

Phát biểu dẫn đề tại phiên toàn thể thứ nhất, nguyên Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy nhận định, thương mại mở mang lại nhiều lợi ích, song để nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân, cần có các chính sách xã hội phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong một "thế giới thương mại đang thay đổi."

Tại phiên này, các đại biểu đã nghe các bài tham luận và tích cực tham gia thảo luận về triển vọng của thế giới đến năm 2050; những thay đổi trong trật tự và quản trị kinh tế toàn cầu cũng như của cục diện kinh tế khu vực và Diễn đàn APEC; những cơ hội và thách thức đặt ra đối với các nền kinh tế và các khu vực, nhất là đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và APEC; các tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Phiên thảo luận thứ hai đã tập trung vào việc thảo luận và chia sẻ các góc nhìn đa chiều về triển vọng của Diễn đàn APEC và Châu Á-Thái Bình Dương, kết quả rà soát việc thực hiện các Mục tiêu Bogor.

Nhìn chung, các ý kiến đều cho rằng, APEC cần tiếp tục phát huy thế mạnh là cơ chế hợp tác linh hoạt, trên cơ sở tự nguyện, không ràng buộc, tiếp tục thúc đẩy thương mại và đầu tư mở nhằm đóng góp vào thịnh vượng chung của khu vực.

Trong tình hình mới, để tiếp tục khẳng định vai trò của APEC, các nội dung hợp tác của Diễn đàn cần gắn hơn với các vấn đề phát triển bền vững và bao trùm. Diễn đàn cũng cần đẩy mạnh thông tin tới người dân và các doanh nghiệp về những lợi ích thiết thực hợp tác giữa các thành viên mang lại.

Bên lề Đối thoại, chia sẻ với báo giới về nỗ lực thực hiện Mục tiêu Bogor của các nước, trong đó có Việt Nam, ông Donald Campbell, đồng Chủ tịch Quốc tế Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), cho biết: "Tôi phải nói rằng việc thực hiện các Mục tiêu Bogor của Việt Nam là rất ấn tượng và phi thường. Điều này thể hiện ở con số tăng trưởng trên 6%/năm".

Có thể nói, "Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai" đã gợi mở nhiều ý tưởng và nêu ra những đề xuất cụ thể góp phần vào việc định hướng hợp tác APEC trong thời gian tới. Được biết, các kết quả của Đối thoại lần này sẽ được báo cáo lên các quan chức cao cấp APEC để thảo luận, trước khi trình lên các Bộ trưởng và Lãnh đạo APEC tại Tuần lễ Cấp cao APEC sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay tại thành phố Đà Nẵng./.
 
Thực hiện: Trần Công Đạt

162 hình đúc trên Cửu đỉnh Huế được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới

162 hình đúc trên Cửu đỉnh Huế được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới

Vào lúc 13h09 phút, ngày 08/05 (giờ địa phương), tại thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ, hồ sơ “Những bản đúc trên 09 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”  (162 hình đúc trên Cửu đỉnh Huế - PV) của Việt Nam đã được thông qua và chính thức trở thành Di sản Tư liệu của Chương trình Kí ức Thế giới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO.

Top