Tiêu điểm

WEF Davos 2019: Củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển đất nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF Davos 2019) tại Thụy Sĩ  để quảng bá thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam; truyền tải thông điệp về đường lối, chính sách, biện pháp lớn của Chính phủ Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Kể từ khi tham gia Diễn đàn Kinh tế thế giới vào năm 1989, quan hệ giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới phát triển nhanh chóng trên nhiều mặt. Diễn đàn Kinh tế thế giới đã trở thành diễn đàn đối thoại quan trọng của Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu thế giới, mang lại cho Việt Nam các cơ hội đầu tư và phát triển.

Trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos 2019, Việt Nam và WEF ký kết Thỏa thuận hợp tác xây dựng Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam và Ý định thư về hợp tác trong vấn đề rác thải nhựa.
Với chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, WEF Davos 2019 đã thu hút khoảng 3.000 đại biểu, trong đó khoảng 50 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế tham dự. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn và đã có những cuộc tiếp xúc song phương, đa phương nhằm cũng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển đất nước.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Martin Schmidli, Tổng Giám đốc Tập đoàn Zurich Airport - tập đoàn hàng đầu thế giới
trong lĩnh vực đầu tư, quản lý cảng hàng không. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các nhà đầu tư hàng đầu của Thụy Sỹ. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babiš. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo các tập đoàn lớn về tài chính - hạ tầng. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thống đốc Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), Ngài Tadashi Maeda.
Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chủ tịch điều hành và sáng lập WEF Klaus Schwab
chứng kiến Lễ ký thỏa thuận hợp tác về xây dựng Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


 Thủ tướng Chính phủ chứng kiến Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn FPT và Tập đoàn Allianz. Ảnh: TTXVN


 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng Thư ký OECD Angel Gurria. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Tập đoàn điện khí Siemens của Đức, Ngài Joe Kaeser.
Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với Chủ tịch WEF Borge Brende về chủ đề
“Việt Nam và thế giới”. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Giám đốc điều hành WEF Olivier Schwab
chủ trì buổi đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu về kinh tế Việt Nam với chủ đề
“Thúc đẩy sự năng động và sáng tạo trong cách mạng công nghiệp 4.0”. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên khai mạc
“Cuộc gặp các nhà lãnh đạo về chương trình nghị sự hành động đại dương”. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevêdo.
Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Đây cũng là cơ hội Việt Nam giới thiệu quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhất là việc triển khai các Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết và đang đàm phán, trong đó có Hiệp định CTTPP và sắp tới là Hiệp định EVFTA.

Trong chương trình làm việc tại WEF, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tập đoàn quốc tế hàng đầu về tài chính - hạ tầng như Visa, Generali, Bank Julius Baer, Quỹ đầu tư Dubai và Ngân hàng phát triển Nhật Bản...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu tổng quan về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay. Đó là lần đầu tiên kể từ năm 2008, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 7,1%, nằm trong nhóm nước tăng trưởng cao nhất khu vực và toàn cầu; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ ổn định; khẳng định Chính phủ vẫn đang kiên định thực hiện kiến tạo phát triển, xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện và cởi mở, thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân; tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ với nhiều tập đoàn lớn vươn ra hoạt động ở nước ngoài.

Tham dự buổi làm việc, hầu hết các doanh nghiệp đánh giá cao những thành tựu mà nền kinh tế - tài chính Việt Nam đã đạt được, cũng như bày tỏ hy vọng rằng trong thời gian tới Thủ tướng và Chính phủ tiếp tục có những biện pháp, hành động quyết liệt hơn để ổn định nền tài chính, tạo môi trường chủ động, tự do cho các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.


Chương trình Diễn đàn WEF 2019 bao gồm hơn 400 buổi làm việc của lãnh đạo các chính phủ, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực và thế hệ trẻ, đến từ khắp nơi trên thế giới.
Bên lề Hội nghị Davos, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với Tổng thống Thụy Sỹ Ueli Maurer. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng củng cố, tăng cường quan hệ với Thụy Sĩ, cũng như bày tỏ hài lòng về quan hệ hai nước thời gian qua phát triển tốt đẹp; cảm ơn Thụy Sĩ ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021; cảm ơn Thụy Sỹ đã cam kết 90 triệu USD ODA cho Việt Nam trong giai đoạn 2017-2020. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ lựa chọn các dự án phù hợp để sử dụng nguồn ODA một cách hiệu quả và hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại Liên hợp quốc nhằm bảo đảm thượng tôn pháp luật, hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.

Tại buổi tiếp Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tiến triển tích cực của quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hà Lan, nhất là trong các khuôn khổ Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước và Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực. Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn trân trọng hỗ trợ của Hà Lan trong lĩnh vực môi trường, giáo dục, nông nghiệp và mong Hà Lan tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam qua các chương trình mới. Thủ tướng mong muốn Hà Lan thúc đẩy EU sớm ký chính thức và phê chuẩn EVFTA; ủng hộ hòa bình và ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Tại cuộc gặp Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis, hai bên bày tỏ vui mừng về sự phát triển tích cực của quan hệ hai nước; khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã ký giữa hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học... Thủ tướng mong muốn Cộng hòa Séc tiếp tục ủng hộ, thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU; sớm thúc đẩy ký EVFTA để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên thời gian tới. Thủ tướng đề nghị Cộng hòa Séc ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Thủ tướng Andrej Babis nhấn mạnh Séc coi trọng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Việt Nam; khẳng định Chính phủ Cộng hòa Séc tiếp tục chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tại Cộng hòa Séc./.

 
Bài: VNP tổng hợp - Ảnh: TTXVN

Quan hệ Việt Nam - Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Quan hệ Việt Nam - Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Australia đã xây dựng mối quan hệ vững chắc và toàn diện trên cơ sở tin cậy chiến lược và hiểu biết lẫn nhau. Nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong tháng 3 vừa qua theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, hai bên đã công bố nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Top