Nghệ thuật

Vẽ tranh trên lá sen

Sen là loài cây gần gũi với người Việt. Để mang hình ảnh lá sen đi sâu vào trong cuộc sống thường ngày, anh Kiều Cao Dũng (Hà Nội) đã biến những lá sen thông thường thành những tác phẩm nghệ thuật, mang hơi thở văn hoá truyền thống.
Từ một lá sen tươi chế tác thành tác phẩm nghệ thuật phải trải qua rất nhiều công đoạn, kết hợp với đủ loại chất liệu gia cố khác nhau kèm theo bí quyết, kĩ thuật riêng của người làm nghề. Tranh lá sen được sản xuất công phu từ khâu chọn lá, đến nhuộm màu, hong khô và gia công tạo ra thành phẩm.

Vào những ngày hè, anh Dũng vẫn ngày ngày rong ruổi khắp các đầm sen ven hồ Tây. Đây là thời điểm sen nở rộ, hoa đẹp, màu tươi. “Tôi chủ yếu dùng sen hồ Tây vì sen này có độ dày lá, màu sắc tươi. Nếu tôi không trực tiếp xuống đầm chọn và hái lá sen thì thường sẽ khó đạt tiêu chuẩn kỹ thuật để xử lý công đoạn tiếp theo”, anh Dũng cho biết.

Anh Dũng thường chọn loại lá sen được mọc nơi vùng nước sâu nhất. Sau đó đem về làm sạch và tiến hành nhuộm màu từng chiếc khác nhau, tuỳ vào nội dung hình ảnh định thể hiện. Loại màu dùng ngâm là màu thực phẩm, phải tuyệt đối an toàn để đảm bảo lá đẹp mà không độc hại cho người sử dụng. Thông thường, lá được ngâm trong dung dịch tạo màu 2-3 ngày. “Tôi phải canh giờ chính xác tuyệt đối. Ngâm lâu một chút thì lá sẽ hỏng nát, ngâm thiếu thời gian một chút thì lá không thấm màu”, anh Dũng chia sẻ.



Anh Kiều Cao Dũng (Hà Nội) là người đã đưa những tác phẩm lá sen mang hơi thở truyền thống của Việt Nam vào trong du lịch và cuộc sống thường ngày.


Lá sen sẽ được ngâm với các dung dịch bảo quản an toàn để làm tăng độ bền của lá.


Lá sen được đem sấy khô.


Công đoạn cắt tỉa tạo hình cho tác phẩm trên nón lá.


Công đoạn đưa những chiếc lá sen lên tạo hình nón lá.


Các tác phẩm trên dòng tranh Đông Hồ cũng được nhóm của anh Cao Kiều Dũng vẽ lên những chiếc lá sen.


Công đoạn vẽ lên sen cũng phải rất tỉ mỉ nếu không lá sen sẽ bị rách.


Nhiều bạn trẻ tìm tới anh Dũng để học nghề và làm ra những sản phẩm ứng dụng này.


Anh Kiều Cao Dũng giới thiệu với du khách nước ngoài về các tác phẩm lá sen trên nón.

Sau khi lá vớt ra sẽ được sấy khô trong tủ sấy theo công nghệ sấy hiện đại. Và cuối cùng việc tạo hình trên lá sen là điều khó nhất và cũng là yếu tố quan trọng nhất.

Giữ được hình hài, màu sắc cho lá sen thì chưa đủ mà đưa nó đến với nhiều người hơn, đặc biệt là bạn bè quốc tế khiến anh Kiều Cao Dũng trăn trở. Với kinh nghiệm làm du lịch lâu năm, anh đã quyết định thử nghiệm ý tưởng kết hợp lá sen với các sản phẩm truyền thống như nón lá, tranh Đông Hồ, thư pháp... Từ những lá sen đơn thuần anh đã cùng các cộng sự của mình biến chúng thành tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh mang đậm nét dân gian Việt Nam.

Những tác phẩm nghệ thuật từ lá sen:
















Bạn Hoàng Hoằng, sinh viên trường Đại học Mỹ thuật là người cùng anh Dũng thực hiện những bức tranh vẽ trên lá sen chia sẻ: "Vẽ trên lá sen có điểm khó là lá còn gân nên cách đưa bút phải khéo léo hơn, lực mạnh nhẹ linh hoạt. Nhưng kỹ thuật vẽ đòi hỏi càng cao thì lại càng tạo hứng thú với người làm mỹ thuật như tôi”.

Những tác phẩm lá sen bất tử lần lượt ra đời và nhận được phản hồi tích cực từ khách trong và ngoài nước là động lực để anh Kiều Cao Dũng tiếp tục thực hiện những tác phẩm trên lá sen, mang đậm giá trị văn hoá của Việt Nam./.
 
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Khánh Long


Top