Tiềm năng địa phương

Vùng trồng hoa lan công nghệ cao

Là địa phương có truyền thống trồng hoa cây cảnh lâu đời, đặc biệt nổi tiếng với thương hiệu “Hoa trà tiến vua”, xã Phụng Công (huyện Văn Giang, Hưng Yên) hiện còn được biết đến là một vùng trồng hoa lan công nghệ cao.
Về Phụng Công tìm hiểu nghề trồng hoa lan công nghệ cao, có lẽ không ai là không biết tên tuổi của gia đình anh Lưu Bá Hùng và chị Vũ Thị Phượng. Đây là hộ gia đình tiên phong trong xã mang hoa lan về trồng tại vùng đất đã nổi tiếng với nghề cây cảnh truyền thống từ bao đời nay.

Năm 2000, sau khi cả hai anh chị đã tốt nghiệp đại học Nông nghiệp và đều có một công việc ổn định tại cơ quan nhà nước. Sau đó, anh Hùng nhận thấy ngành nghề mình học có thể giúp ích cho nghề trồng hoa, cây cảnh truyền thống của địa phương. Anh chị đã quyết tâm về làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Trước tiên, anh chị mạnh dạn vay vốn và nhận thầu hơn 6000m2 đất ngoài bãi sông Hồng để trồng hoa, cây cảnh. Cùng với kinh nghiệm làm vườn và kiến thức học trên trường lớp, anh chị đã nghiên cứu và áp dụng phương pháp nuôi cấy mô thành công cho giống hoa lan Hồ điệp.



Cây lan giống được trồng trong nhà kính tại vườn lan của gia đình anh chị Phượng-Hùng.


Những cây lan giống đã được ghép vào than gỗ mục tại vườn lan nhà anh Khương Đức Hiệu ở Phụng Công.


Các mầm lan đã được ghép vào thân gỗ đang sinh trưởng tốt.


Vườn lan được trồng với quy mô lớn của gia đình anh Đàn Quang Hào, xã Phụng Công.


Các hộ gia đình trồng lan công nghệ cao ở Phụng Công không ngừng mở rộng quy mô
và đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ việc trồng và chăm sóc các giống lan.


Người dân Phụng Công đầu tư một nguồn vốn lớn vào các trang thiết bị hiện đại để trồng lan công nghệ cao.


Từ mô hình nuôi cấy mô thành công cho giống lan Hồ Điệp của những gia đình đi tiên phong như anh chị Hùng Phượng,
xã Phụng Công đã trở thành vùng trọng điểm trồng hoa lan công nghệ cao.


Nhờ công nghệ trồng lan trong nhà kính thành công mở ra hướng đi mới và
đem lại nguồn thu nhập cao hơn cho người dân xã Phụng Công.

Phương pháp nuôi cấy mô cho hoa lan của anh chị Hùng-Phượng thành công mở ra một hướng đi mới cho người dân nơi đây bởi, trước đây cây hoa lan không thể phân hoá mầm hoa trong điều kiện tự nhiên ở đồng bằng sông Hồng, phải lên vùng núi Sa Pa hay mua cây đã có sẵn mầm hoa từ Trung Quốc về nuôi trồng. Chính nhờ vào việc thay đổi khí hậu trong nhà kính, tác động vào chất điều hoà sinh trưởng và chế phẩm vi sinh, anh chị Hùng Phượng đã điều khiển cho cây lan phân hoá đựơc mầm hoa với thời gian sinh trưởng ngắn nhất.

Từ thành công ban đầu này, anh chị Phượng Hùng đã mạnh dạn đầu tư gần 800 triệu đồng cho hệ thống nhà kính hai lớp, lớp ngoài bảo vệ côn trùng, lớp trong giữ nhiệt, hệ thống làm mát, máy sưởi, bảng điều hoà nhiệt độ... Hàng ngày, hai anh chị vẫn tiếp tục nghiên cứu để cải tiến qui trình kỹ thuật, mở rộng qui mô sản xuất. Ban đầu là từ mô hình vườn nhà nhỏ hẹp, sau là ra ruộng canh tác lớn hơn và đến nay là trang trại nhà kính hiện đại trên 3000m2. Không chỉ dừng ở việc trồng lan công nghiệp, anh chị Phượng Hùng còn trồng hàng chục loại lan rừng, hoa cao cấp Lily. Điều đặc biệt trong quá trình sản xuất, gia đình anh chị luôn tuân thủ các qui định, định hướng của nhà nước và địa phương như: Không khai thác lan rừng tự nhiên về trồng vườn nhà, tất cả đều trồng bằng nguồn giống lan rừng nuôi cấy mô, để bảo vệ quĩ gien bản địa quí hiếm.

Mô hình trồng hoa công nghệ cao của anh chị Hùng Phượng đã tạo lên bước đột phá mới cho các nhà làm vườn ở Phụng Công. Các hộ gia đình nơi đây đã không ngần ngại học hỏi kinh nghiệm của anh chị để tạo ra những mô hình nhà vườn lan công nghệ cao làm giàu cho gia đình và địa phương.



Giống lan "Thiên nga vàng" đang cho hoa.


Giống lan "Vũ nữ" tại vườn lan nhà anh Khương Đức Hiệu.


Giống lan "Hoàng thảo báo hỷ rừng" cho hoa đẹp.


Một loài lan quý có tên "Mặt trời Băng Cốc" được trồng tại vườn lan xã Phụng Công.

Từ chỗ cây lan công nghiệp còn khá mới mẻ với các nhà vườn Phụng Công, đến nay địa phương này đã trở thành một vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, toàn huyện Văn Giang có 1200 hộ gia đình trồng hoa, cây cảnh thì tập trung chủ yếu ở xã Phụng Công, với tổng diện tích hơn 400 ha. Đến Phụng Công hôm nay, ngoài cây cảnh đã nổi tiếng khắp cả nước, người ta còn ngỡ ngàng khi thấy một vùng hoa lan công nghệ cao với vô vàn nhà kính cùng những hệ thống máy móc điều khiền không khác gì vùng hoa Đà Lạt./.
 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trịnh Văn Bộ

Bưởi đỏ Đông Cao

Bưởi đỏ Đông Cao

Thôn Đông Cao, thuộc xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội, là nơi sản sinh ra giống bưởi đặc biệt mang tên Bưởi đỏ Đông Cao - một đặc sản độc đáo và ý nghĩa của vùng ngoại thành Hà Nội. Giống bưởi này không chỉ là một loại trái cây thông thường mà còn là sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa nông thôn và truyền thống ẩm thực của người Hà thành.

Top