Tiềm năng địa phương

Cà Mau khẳng định ngành tôm Việt

50 năm từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Đảng bộ, dân và quân tỉnh Cà Mau với tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn để kiến thiết quê hương, phát triển kinh tế, từng bước theo kịp đà phát triển chung của cả nước. Đặc biệt, ngành tôm của tỉnh này luôn khẳng định được vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu về sản xuất, xuất khẩu tôm trong nước và quốc tế.

Trong những năm kháng chiến, Cà Mau là căn cứ địa vững chắc của cách mạng miền Nam, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của dân tộc Việt Nam. Nhiều năm qua, trong lĩnh vực phát triển kinh tế, với lợi thế địa hình 3 mặt giáp biển, khoảng 255km bờ biển cùng ngư trường nuôi trồng, đánh bắt thủy-hải sản rộng lớn, thuận lợi cho ngành thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi tôm sú. Hiện nay, ngành tôm Cà Mau không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp to lớn cho bức tranh kinh tế chung của địa phương mà còn tạo sinh kế bền vững cho người dân, cũng như tạo động lực thúc đẩy hàng loạt các lĩnh vực khác.

Diện tích nuôi tôm của tỉnh đạt khoảng 280.000ha, với 5 loại hình nuôi chính, gồm: nuôi tôm công nghiệp, quảng canh cải tiến, tôm-lúa, tôm-rừng và quảng canh kết hợp. Ảnh: Lê Minh/ Báo ảnh Việt Nam
Khu nuôi ươm con tôm giống đạt chuẩn chất lượng cao của Công ty Tôm giống Tôm sinh thái (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau). Ảnh: Lê Minh/ Báo ảnh Việt Nam
Mỗi năm công ty Tôm giống Tôm sinh thái cung ứng ra thị trường khoảng 1,2 tỷ con tôm giống. Ảnh: Lê Minh/ Báo ảnh Việt Nam
Ao nuôi tôm con trước khi cho nuôi theo phương pháp siêu thâm canh. Ảnh: Lê Minh/ Báo ảnh Việt Nam
Hệ thống cung cấp oxy cho ao nuôi tôm. Ảnh: Lê Minh/ Báo ảnh Việt Nam
Máy cho thức ăn tự động cho tôm. Ảnh: Lê Minh/ Báo ảnh Việt Nam
Kiểm tra quá trình phát triển của tôm nuôi theo mô hình siêu thâm canh. Ảnh: Lê Minh/ Báo ảnh Việt Nam
Tôm thẻ chân trắng được nuôi theo phương pháp siêu thâm canh. Ảnh: Lê Minh/ Báo ảnh Việt Nam

Trải qua nhiều giai đoạn chuyển đổi cơ cấu nuôi nuôi tôm với mục đích hướng tới chất lượng - hiệu quả và kinh tế, hiện nay, diện tích nuôi tôm của tỉnh đạt khoảng 280.000ha, với 5 loại hình nuôi chính, gồm: nuôi tôm công nghiệp, quảng canh cải tiến, tôm-lúa, tôm-rừng và quảng canh kết hợp. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá sự phát triển của ngành hàng tôm trong các năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, nổi bật là việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất ngày càng phổ biến đã góp phần tăng năng suất và sản lượng tôm nuôi của địa phương; trong đó, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được triển khai và nhân rộng, nhất là mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến và nuôi tôm siêu thâm canh… Từ kết quả đó nên nhiều năm liên tiếp, kim ngạch xuất khẩu tôm hàng năm của địa phương luôn đạt trên mức 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, tôm Cà Mau không chỉ nổi bật nhờ sản lượng lớn mà còn nhờ chất lượng vượt trội, với nhiều mô hình nuôi đạt chứng nhận quốc tế, giúp nâng cao giá trị môi trường và xã hội. Tuy nhiên, ngành tôm Cà Mau cũng đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia, như: Ấn Ðộ, Ecuador và Thái Lan.

Công đoạn cân trọng lượng tôm. Ảnh: Lê Minh/ Báo ảnh Việt Nam
Công đoạn sơ chế tôm tại công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Lê Minh/ Báo ảnh Việt Nam
Công đoạn loại bỏ tạp chất trong con tôm. Ảnh: Lê Minh/ Báo ảnh Việt Nam
Công nhân lựa chọn và tiến hành cấp đông con tôm. Ảnh: Lê Minh/ Báo ảnh Việt Nam
Chế biến mặt hàng xuất khẩu tại Công Ty Cổ phần Tập Đoàn Thủy Sản Minh Phú ở tỉnh Cà Mau. Ảnh: Tấn Điệp
Quy trình đóng gói tôm xuất khẩu tại Cà Mau. Ảnh: Phú Hữu

Việt Nam hiện có 100 nhà máy chế biến tôm  quy mô lớn và hiện đại  với công suất trung bình khoảng 500.000 - 700.000 tấn/năm. Trong đó có nhiều công ty, tập đoàn tham gia vào công đoạn chế biến và xuất khẩu tôm đã thành danh như: Minh Phú, Vĩnh Hoàn, Hùng Vương, Việt - Úc... Riêng ở Cà Mau hiện nay có hơn 30 nhà máy chế biến tôm của nhiều doanh nghiệp, đáp ứng đủ điều kiện yêu cầu khắt khe của đối tác khi xuất khẩu tôm đến hơn 100 nước trên thế giới.

Đặc biệt, Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú là một trong bốn nhà chế biến và xuất khẩu tôm lớn hàng đầu thế giới, đứng đầu cả nước trong nhiều năm qua./.

Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau năm 2024 đạt hơn 1,1 tỷ USD, vượt kế hoạch, tăng 5,86% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu tôm là chủ yếu, chiếm khoảng 80%. (Sở Công thương tỉnh Cà Mau)

 

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh Lê Minh/ Báo ảnh Việt Nam & tư liệu

Bưởi đỏ Đông Cao

Bưởi đỏ Đông Cao

Thôn Đông Cao, thuộc xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội, là nơi sản sinh ra giống bưởi đặc biệt mang tên Bưởi đỏ Đông Cao - một đặc sản độc đáo và ý nghĩa của vùng ngoại thành Hà Nội. Giống bưởi này không chỉ là một loại trái cây thông thường mà còn là sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa nông thôn và truyền thống ẩm thực của người Hà thành.

Top