Nghệ thuật

Việt Nam qua những bức tranh gạo

Với mong muốn tạo tác những sản phẩm nghệ thuật mới lạ và độc đáo, chị Nguyễn Thị Vân (Sóc Sơn, Hà Nội) đã mày mò làm ra những bức tranh từ gạo mang nội dung ngợi ca nét đẹp đất nước, con người Việt Nam.
Dù chưa từng học qua trường lớp hội họa, nhưng chị Nguyễn Thị Vân (sinh năm 1978) luôn cháy bỏng đam mê với những bức tranh được làm từ các nguyên liệu tự nhiên như vỏ trứng, lá cây, cát. Năm 2015, sau một thời gian nghiên cứu, chị Vân đã thực hiện bức tranh gạo đầu tiên. Bức tranh thư pháp chữ “Tâm” bằng gạo này được làm cho trường mầm non Phù Lỗ (xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn), nơi chị công tác để đấu giá lấy kinh phí làm từ thiện. Bức tranh được nhiều người yêu thích đã thôi thúc niềm say mê sáng tạo trong chị. Sau đó chị Vân làm thêm nhiều sản phẩm tặng người thân. Thấy những bức tranh gạo đẹp, độc đáo, nhiều người động viên chị Vân tạo ra sản phẩm thương mại để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2016, chị Vân cùng chồng mở xưởng sản xuất và chính thức đưa sản phẩm tranh gạo ra thị trường.


Gạo rang xong sẽ được phân loại thành từng loại.


Gạo được  rang và sơ chế thành nhiều màu sắc khác nhau để tạo mảng sáng tối cho bức tranh.



Để có được một bức tranh, chị Vân sẽ vẽ phác thảo trên gỗ chủ đề muốn làm.



 Tranh gạo sẽ được sử dụng nguyên liệu là keo dính để dính những hạt gạo lại với nhau sao cho chắc.



Sau khi đã tạo được những đường viền cho các chi tiết, người làm sẽ chải đều gạo ra.



Chị Vân chỉ dẫn cho cộng sự của mình trong việc cần tỉ mỉ, cẩn thận khi làm tranh.


Việc làm tranh gạo đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ ở từng chi tiết.



Tranh gạo sau khi làm xong sẽ được phun sơn bóng để tạo độ đẹp cũng như giữ được thời gian bảo quản.

Theo chị Vân loại gạo dùng để làm tranh là gạo lài sữa có hạt thon, dài lại chắc. Với việc mày mò, đúc rút kinh nghiệm qua những mẻ gạo rang, chị Vân đã tạo ra được gạo có nhiều màu sắc khác nhau. Màu sắc gạo sẽ được tạo phụ thuộc vào ý tưởng bức tranh. Một mẻ gạo rang nhanh nhất là 30 phút sẽ cho màu trắng ngả vàng, còn để có màu nâu đen gạo phải được rang từ 5 đến 6 giờ...

“Tôi muốn góp phần quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hóa của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đến với nhiều người hơn, đặc biệt là những sản phẩm tranh của tôi cũng được nhiều người mua để làm quà tặng cho người nước ngoài”, chị Vân chia sẻ.
Để tạo tranh, chị Vân vẽ phác thảo nội dung trên tấm gỗ rồi bôi keo và xếp đặt các hạt gạo rang lên theo ý tưởng. Tùy chủ đề sẽ chọn tông màu rồi kiên nhẫn, tỉ mỉ đặt từng hạt gạo vào bức tranh sao cho có hồn, có chiều sâu, thể hiện được ý tưởng. Sau đó, bức tranh được phơi nắng, sơn bóng và phủ thuốc chống mối mọt để bảo quản theo thời gian. Thời gian làm một bức tranh thường từ khoảng 1 ngày đến 3 ngày, tùy thuộc vào nội dung và kích cỡ của bức tranh.

Hiện nay, mỗi tháng, xưởng tranh gạo của chị sản xuất từ 170 đến 200 bức tranh lớn, nhỏ, chủ yếu về đề tài phong cảnh quê hương như cánh đồng, cây đa, giếng nước hay danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội như Hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột; hay các tranh chữ Phúc, Lộc, Thọ, Tài, Tâm, Đức...


Một số bức tranh gạo có chủ đề quê hương, đất nước, con người Việt Nam:














Bài: Ngân Hà- Ảnh: Khánh Long

Sen trong tranh nhà giáo Thúy Hường

Sen trong tranh nhà giáo Thúy Hường

Với tình yêu dành cho hoa sen từ nhỏ cho đến khi là cô sinh viên khoa sư phạm mỹ thuật của trường đại học Sư phạm Hà Nội và giờ đang công tác trong lĩnh vực giáo dục, nhà giáo Thúy Hường đều đưa hình bóng của hoa sen vào trong mỗi sáng tác hội họa của mình.

Top