Nghệ thuật

Triển lãm Kinh Gốm

Xuất phát từ lòng đam mê tìm hiểu Phật giáo cũng như niềm đam mê với Gốm, vừa qua họa sĩ Lê Thiết Cương đã tổ chức một cuộc triển lãm và ra mắt cuốn sách có tên là Kinh Gốm. Triển lãm này là một dự án được chuẩn bị trong vòng 3 năm (2017-2020), họa sĩ đã tuyển chọn các câu thơ trong kinh Phật sau đó trình bày lên lọ gốm như một tác phẩm nghệ thuật. Qua đó, tác giả muốn đưa tinh thần Phật giáo đến gần với đời sống thường nhật của công chúng hơn.
Họa sĩ Lê Thiết Cương nổi tiếng với phong cách tối giản. Phong cách đó đã làm nên tên tuổi của họa sĩ không chỉ ở tranh vẽ mà còn làm tượng, làm gốm, thiết kế và minh họa. Đây là lần đầu tiên Kinh Phật đối thoại cùng với Gốm. Ở các tác phẩm trong Kinh Gốm lần này, với hơn 40 lọ gốm của 4 làng nghề gốm truyền thống: Hương Canh (Vĩnh Phúc), Phù Lãng (Bắc Ninh), Thanh Hà (Hội An), Bát Tràng (Hà Nội), họa sĩ đã chọn các câu thơ kinh điển của nhà Phật để viết lên lọ gốm, đĩa gốm kèm minh họa. Những câu thơ ngắn gọn, có khi chỉ vài ba chữ nhưng chứa đựng những tư tưởng lớn, giản dị mà sâu sắc, rất hiện đại và khoa học như: Phiền não tức bồ đề; Bát nhã là bất nhị; Mặc như lôi…


Họa sĩ Lê Thiết Cương làm việc tại làng gốm Hương Canh. Ảnh: Tư liệu


Khách tham quan các sản phẩm gốm của họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh: Trần Thanh Giang


Các sản phẩm Kinh Gốm được người xem quan tâm. Ảnh: Trần Thanh Giang


Tại triển lãm người xem còn được thưởng thức cuốn sách Kinh Gốm do nhiếp ảnh gia Nhật Lê thực hiện. Ảnh: Trần Thanh Giang



Cuốn sách Kinh Gốm do nhiếp ảnh gia Nhật Lê thực hiện. Ảnh: Trần Thanh Giang

Họa sĩ Lê Thiết Cương muốn thông qua những tác phẩm gốm hiện đại này để hướng tới việc bảo tồn truyền thống, làm mới truyền thống trên chất liệu gốm, để cho những cái niêu kho cá, những vại muối dưa, những ấm sắc thuốc này vừa là nó mà lại là nó khác, đẹp và hiện đại hơn, nó phải sống trong được đời sống hiện đại.

Một phần nữa của triển lãm là 13 bức tranh bột màu trên vải màn, đây là chất liệu mà họa sĩ đã rất thành công trong khoảng 15 năm, từ 1990-2005, sự mộc mạc giản dị của chất liệu này hợp với chất Thiền. Họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ trên cảm hứng từ những câu thơ thiền của một số tác giả như Lý Thánh Tông, Tuệ Trung Thượng Sỹ, Trần Nhân Tông, Nguyễn Du… Những câu bình chú của họa sĩ bên cạnh các bức tranh và gốm đều trên tinh thần ngắn gọn, dễ hiểu để mọi người cùng có thể ngẫm và thấm nhuần tư tưởng của Thiền học cũng như Phật học. Đây cũng là lần đầu tiên thơ thiền Lý – Trần và kinh Phật đối thoại cùng mỹ thuật hiện đại.

Không những vậy, đến với triển lãm khán giả còn được xem về nghệ thuật đồ họa thông qua cuốn sách Kinh gốm do nhiếp ảnh gia Nhật Lê thiết kế và lên ý tưởng sáng tạo.

Thông qua triển lãm Kinh Gốm, họa sĩ Lê Thiết Cương dùng phương tiện nghệ thuật chính là cái đẹp để đưa những ký ức của người Việt, là truyền thống Việt, là văn hóa Việt đến gần gũi hơn với đời sống con người hiện đại ngày nay.







Một số thiết kế trong sách Kinh Gốm của tác giả Nhật Lê. Ảnh: Tư liệu










Các tác phẩm Kinh Gốm do họa sĩ Lê Thiết Cương chọn các câu thơ kinh điển của nhà Phật để viết lên lọ gốm, đĩa gốm kèm minh họa. Ảnh: Trần Thanh Giang








Các bức tranh với chất liệu bột mầu vẽ trên vải màn, họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ trên cảm hứng từ những câu thơ thiền
của một số tác giả như Lý Thánh Tông, Tuệ Trung Thượng Sỹ, Trần Nhân Tông, Nguyễn Du… Ảnh: Trần Thanh Giang
 
Thực hiện: Trần Thanh Giang

Chiếc đèn lồng mang vẻ đẹp văn hóa người Việt

Chiếc đèn lồng mang vẻ đẹp văn hóa người Việt

Với chất liệu từ giấy dó và tre kết hợp với hình ảnh tranh dân gian Hàng Trống và Đông Hồ là những dòng tranh độc đáo, những chiếc đèn lồng của dự án Magic of color (MOC) khi thắp sáng tạo nên một không gian ấm cúng và rực rỡ, mang không khí Tết Trung thu tới đem lại cảm giác hoài niệm cho nhiều người Việt Nam.

Top