Phóng sự chuyên đề

Tiếng vọng từ Hoàng Sa, Trường Sa

Liền một dải từ Nam ra Bắc, đất mẹ Việt Nam luôn được biển xanh ôm trọn vỗ về. Ngày qua ngày, từng con sóng của Hoàng Sa, Trường Sa miên man cuộn trào vọng về như nhắc nhở từng người con đất Việt khắc cốt ghi tâm về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi nơi đó, Hoàng Sa và Trường Sa là những vùng biển đảo thân yêu giàu có tài nguyên, xanh mướt màu xanh của sự sống và có tiếng cười đượm vị mặn chát biển khơi của lớp lớp ngư dân chân chất, hiền hòa...
Theo dấu tiền nhân đi mở biển

Từ đảo Lý Sơn ở tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình theo dấu chân của các bậc tiền nhân đi mở biển. Đó là một hòn đảo xinh đẹp nằm cách bờ chừng 15 hải lý, nơi đang lưu giữ nhiều hiện vật, di tích và câu chuyện hấp dẫn về Hải đội Hoàng Sa, đội tàu biển do chúa Nguyễn xứ Đàng Trong lập ra từ đầu thế kỷ 17 để làm nhiệm vụ đi khai thác sản vật, đo đạc hải trình, bảo vệ và cắm mốc chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Ngày nay, những dòng họ lớn trên đảo Lý Sơn như họ Nguyễn, họ Phạm, họ Võ vẫn còn lưu giữ cẩn thận nhiều tờ chỉ dụ, sắc phong quan trọng của triều đình nhà Nguyễn, trong đó có ghi rõ cách thức tổ chức, nhiệm vụ, công trạng của Hải đội Hoàng Sa xưa kia.


Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, một nghi lễ truyền thống diễn ra vào tháng 3 âm lịch hàng năm,
do ngư dân huyện đảo Lý Sơn tổ chức để tưởng nhớ công lao các hùng binh Hải đội Hoàng Sa xưa kia
đã có công khai phá và ảo vệ chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: Công Đạt


Thả thuyền câu và hình nhân thế mạng xuống biển là nghi thức quan trọng nhất
của Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Công Đạt



Các bản chỉ dụ, chiếu manh, nẹp tre, thẻ bài... là những di vật liên quan đến Hải đội Hoàng Sa
hiện còn được lưu giữ tại nhiều dòng họ lớn trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Công Đạt

 

Sách “Đại Nam Thực lục Tiền biên” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn theo chỉ dụ của vua Minh Mạng năm thứ 2 (1821),
soạn và khắc in năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), trong đó trang 10, quyển 8 có ghi lại sự kiện: “Mùa Hạ, tháng Bốn (1771)
Tổng binh trấn Hà Tiên là Mạc Cửu đến cửa khuyết tạ ơn, chúa Nguyễn Phúc Chu hậu thưởng sai đo bãi cát Trường Sa
(Trường Sa hải cửu) ngắn, dài, rộng, hẹp bao nhiêu?”. 
Ảnh: Trần Thanh  Giang (chụp từ Triển lãm “Trường Sa, Hoàng Sa -
những bằng chứng lịch sử” tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam năm 2014)



Bản đồ carte generale des Indes orientales et des Islles Adiacentes do Mariette thực hiện năm 1790
thể hiện quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 
Ảnh: Trần Thanh  Giang (chụp từ Triển lãm “Trường Sa, Hoàng Sa -
những bằng chứng lịch sử” tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam năm 2014)



Trên bản đồ India Orientalis do Jodocus Hondius thực hiện năm 1613, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
được vẽ nối liền với nhau và đặt trên tên chung là Peacel. 
Ảnh: Trần Thanh  Giang (chụp từ Triển lãm “Trường Sa, Hoàng Sa -
những bằng chứng lịch sử” tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam năm 2014)



Bản đồ Trung Quốc  do Atlats  of the World xuất bản tại Luôn Đôn (Anh) năm 1914 thể hiện phần lãnh thổ cực Nam
của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. 
Ảnh: Trần Thanh  Giang (chụp từ Triển lãm “Trường Sa, Hoàng Sa -
những bằng chứng lịch sử” tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam năm 2014)



Bia đá khẳng định chủ quyền do một đơn vị bảo an người Việt dựng trên đảo Hoàng Sa vào tháng 6/1938.
Trên bia có khắc dòng chữ “Cộng hòa Pháp – Vương quốc An Nam – Quần đảo Hoàng Sa 1816 – Đảo Hoàng Sa 1938”.
Ảnh chụp năm 1938. 
Ảnh: Trần Thanh  Giang (chụp từ Triển lãm “Trường Sa, Hoàng Sa -
những bằng chứng lịch sử” tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam năm 2014)

Trung Quốc bắt đầu nhen nhóm âm mưu chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1909 với sự kiện Đô đốc Lý Chuẩn chỉ huy 3 pháo thuyền ra khu vực quần đảo Hoàng Sa, đổ bộ chớp nhoáng lên đảo Phú Lâm. Sau đó, vào năm 1946, chính quyền Trung Hoa Dân quốc (Tưởng Giới Thạch) lợi dụng lúc Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi vừa mới giành được độc lập sau Chiến tranh Thế giới thứ II đã đưa quân ra chiếm đóng trái phép nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Tiếp đến, vào năm 1956, lợi dụng tình hình quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương theo quy định của Hiệp định Geneve và trong khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa chưa kịp tiếp quản một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa theo như thỏa thuận của Hiệp định này, Trung Quốc đã thừa cơ đưa quân ra chiếm đóng bất hợp pháp nhóm đảo An Vĩnh ở phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Đặc biệt, năm 1974, lợi dụng lúc Việt Nam đang tập trung cho cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm và chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ đó cho đến nay.
Nói về vai trò xác lập chủ quyền của người Việt ở Hoàng Sa và Trường Sa có nhiều câu chuyện khá thú vị. Trong Châu bản triều Nguyễn, loại văn bản hành chính mang tính pháp lý cao của triều Nguyễn, đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ghi rất rõ quá trình Hải đội Hoàng Sa thực thi chủ quyền ở hai quần đảo này. Theo đó, từ năm 1816, vua Gia Long đã chính thức ra lệnh cắm cờ trên đảo và tiến hành đo đạc thuỷ trình. Sang triều Minh Mạng (1820 - 1841), nhà Nguyễn cho xây đền, đặt bia đá, đóng cọc và trồng cây. Về sau, hải đội này được trao nhiều nhiệm vụ hơn nữa như: khai thác, tuần tiễu, thu thuế và phòng vệ hai quần đảo.

Chẳng hạn, tờ Châu bản ngày 28 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 7 (năm 1847) do Bộ Công trình tấu và có bút phê của nhà vua nêu rõ như sau: “Chiểu theo lệ, xứ Hoàng Sa là bờ cõi trên biển của nước ta, hàng năm có phái binh thuyền đến thăm dò để thuộc lộ trình đường biển”. Hoặc như Châu bản ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (năm 1830) do Nội các tấu trình lại ghi rõ về việc ta đưa thuyền đi cứu hộ tàu buôn của Pháp bị chìm tại Hoàng Sa...

Hay trong sách “Đại Nam Thực lục Chính biên” do Quốc sử quán triều Nguyễn (cơ quan biên soạn sử chính thống của triều Nguyễn - PV) biên soạn cũng có ghi rõ: “Tháng Giêng năm Bính Thân (1836) các quan ở Bộ Công đã dâng sớ tâu rằng: Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia, đã phái vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được một nơi, cũng chưa rõ ràng. Hằng năm, nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển...”.

Thậm chí trong nhiều tài liệu của phương Tây cũng có, ví như bài khảo cứu “Les marchands européens en Cochinchine et au Tonkin (1660 - 1695)” của Ch.B.Maybon in trên Revue Indochinoise năm 1916, có ghi chép sự kiện trưởng thương điếm Hà Lan ở Hội An là Duijcker khiếu nại với chúa Nguyễn Phúc Lan về việc tàu buôn Grootebroek bị đắm ở vùng biển Hoàng Sa vào ngày 21/7/1634, sau đó được người Việt cứu hộ nhưng lại tịch thu tiền bạc của họ...

Từ những chứng cứ sử liệu và pháp lý trên cho thấy, ngay từ thế kỷ XVII, chính quyền chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong đã làm chủ và hoàn toàn kiểm soát các hoạt động trên vùng biển đảo Hoàng Sa. Như vậy, trong suốt 3 thế kỷ (từ thế kỷ XVII đến XIX), Hải đội Hoàng Sa đã thay mặt chính quyền nhà Nguyễn liên tục thực thi nhiệm vụ khẳng định chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp bất kỳ sự tranh chấp nào cho đến khi người Pháp vào xâm lược Đông Dương (1858) và tiếp quản hai quần đảo này.



Đảo Sinh Tồn năm 1988. Ảnh: Vinh Quang


Đảo Thuyền Chài năm 1988. Ảnh: Vinh Quang


Đảo Phan Vinh năm 1988. Ảnh: Vinh Quang


Cột mốc chủ quyền của Việt Nam trên đảo Sinh Tồn năm 1988. Ảnh: Vinh Quang


Trạm Khí tượng Trường Sa năm 1988. Ảnh: Vinh Quang


Tháng 3 năm 1988 Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm và giết hại 64 chiến sĩ công binh
của Việt Nam trên đảo Gạc Ma, thì tháng 4 nhóm phóng viên Lê Phức và 
Vinh Quang của Báo ảnh Việt Nam
đã có mặt tại quần đảo Trường Sa để tác nghiệp ghi lại tình hình căng thẳng trên Biển Đông lúc bấy giờ. 
Trong ảnh: Các phóng viên tác nghiệp trên tàu HQ 505 ở đảo Cô Lin. Ảnh: Vinh Quang

Lịch sử đất nước đã trải qua không biết bao biến cố thăng trầm, nhưng có lẽ nỗi đau Hoàng Sa, bãi cát vàng rực rỡ của cha ông giữa Biển Đông, bị người Trung Quốc từng bước dùng vũ lực cưỡng chiếm và chiếm đóng trái phép cho đến tận ngày này thì vẫn còn day dứt mãi.

Người Việt luôn có một niềm tin sắt son Hoàng Sa rồi sẽ trở về với đất mẹ Việt Nam. Và tự trong sâu thẳm trái tim của mỗi người, chủ quyền biển đảo quốc gia là rất đỗi thiêng liêng không gì đánh đổi được, bởi như lời vua Lê Thánh Tông (TK XV) đã từng răn dạy: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ?” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Hơi thở của Trường Sa

Cách quần đảo Hoàng Sa chừng hơn 350 hải lý về phía Đông Nam là quần đảo Trường Sa thuộc Huyện đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là một khu vực có vị trí địa lý trọng yếu trên tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới đi qua Biển Đông.

Ngày nay, nếu có dịp đến Trường Sa, người ta không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh của những hòn đảo bình yên như những xóm làng trong đất liền với màu xanh cây trái, với tiếng gà gáy ban trưa, tiếng chuông chùa ngân vọng giữa muôn trùng sóng nước. Ở đó, từ bao đời nay có những cái tên quen thuộc nằm lòng đối với mỗi người Việt Nam như: đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Phan Vinh, Nam Yết, Đá Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn...



Đảo Trường Sa Đông với hệ thống điện gió được xây dựng hiện đại. Ảnh: Trần Minh Ngọc


Khu dân cư trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Trần Minh Ngọc


Chùa Trường Sa Lớn không chỉ là không gian tâm linh mà còn là công trình kiến trúc độc đáo
thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Ảnh: Việt Cường



Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Trần Minh Ngọc

Ông Thiều Văn Quang, Việt kiều ở Cộng hòa Séc, lần đầu tiên được đến với Trường Sa vào tháng 4 vừa qua đã phải thốt lên đầy ngạc nhiên rằng: “Thật không ngờ các đảo ở Trường Sa của ta lại xanh tươi và xinh đẹp như một thị trấn trên đất liền thế này!”.

Ngày nay, nếu có dịp đến Trường Sa, người ta không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh của những hòn đảo bình yên như những xóm làng trong đất liền với màu xanh cây trái, với tiếng gà gáy ban trưa, tiếng chuông chùa ngân vọng giữa muôn trùng sóng nước.
Thị trấn Trường Sa, thủ phủ của Huyện đảo Trường Sa đặt ở đảo Trường Sa Lớn. Đảo Trường Sa Lớn có diện tích khoảng 40ha, được bao bọc bởi rừng cây xanh và có nhiều công trình dân sinh quan trọng như giếng nước, âu tàu, bệnh viện, trường học, nhà văn hóa, đài tưởng niệm liệt sĩ, chùa Trường Sa, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, trạm hải đăng, trung tâm cứu hộ cứu nạn, trạm khí tượng thủy văn… Vì thế, ai đến đây cũng đều phải ngỡ ngàng trước sức sống mãnh liệt của Trường Sa.

Đảo Nam Yết được mệnh danh là “xứ dừa giữa Biển Đông”. Những trái dừa ở đây không chỉ là đặc sản của đảo mà còn là nguồn giống để người dân nhân rộng ra trồng trên đảo và các đảo khác nhằm góp phần tạo màu xanh cho quần đảo Trường Sa.

Ở đảo Đá Tây, Công ty Hải sản Trường Sa lại phát triển được cả nghề nuôi trồng thủy hải sản bằng mô hình lồng bè. Sắp tới, ngoài việc đẩy mạnh phát triển mô hình này ở đảo Đá Tây, Công ty này sẽ triển khai mở rộng sang cả đảo Tốc Tan, hướng tới thành lập làng chài nuôi trồng, khai thác hải sản ở quần đảo Trường Sa và trở thành một căn cứ hậu cần nghề cá để làm cánh tay nối dài giúp ngư dân vươn xa bám biển dài ngày.



Giờ dạy văn học của cô giáo Bùi Thị Nhung với bài “Đồng dao biển đảo” ở trường Tiểu học Trường Sa Lớn. Ảnh: Việt Cường


Phòng khám với đầy đủ trang thiết bị y tế hiện đại trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Việt Cường


Nhân viên quan trắc làm việc tại trạm Khí tượng – Hải văn Trường Sa. Ảnh: Việt Cường


Xây dựng hệ thống hạ tầng trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Trần Thanh Giang


Sản lượng điện từ hệ thống 21 tua bin điện gió cung ứng khoảng 60% lượng điện
của cư dân trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Việt Cường



Những ngôi nhà dân sinh trên đảo Sinh Tồn được xây dựng khang trang,
vững chắc sẵn sàng chống chọi với thời tiết biển đảo khắc nghiệt. Ảnh: Nguyễn Luân



Tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động đánh bắt thủy sản trên vùng biển Trường Sa. Ảnh: Việt Cường


Cư dân Trường Sa sau một buổi đánh bắt thủy sản ven đảo. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN


Nhịp sống bình yên và hạnh phúc trên đảo Trường Sa Lớn hôm nay. Ảnh: Đặng Kim Phương

Bên cạnh sự bình yên ấy, Trường Sa cũng đang tiềm ẩn những nguy cơ có thể bùng phát thành xung đột trước sự tranh chấp và lấn chiếm trái phép của một số nước. Đặc biệt, việc Trung Quốc đơn phương vạch ra cái gọi là “đường 9 đoạn” nhằm độc chiếm toàn bộ Biển Đông và tiến hành lấn chiếm, nạo vét, bồi đắp, xây dựng trái phép nhiều công trình kiên cố phục vụ cho mục đích quân sự trên một số bãi đá ngầm và rạn san hô ở quần đảo Trường Sa đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Việc làm ấy không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông, cũng như hủy hoại nghiêm trọng môi trường biển ở nơi này.
Cô bạn Hứa Chung, người vừa có chuyến ra thăm Trường Sa hồi tháng Tư vừa qua cho biết, cô và nhiều người đều cảm thấy bất an và lo lắng khi tận mắt nhìn thấy những công trình xây dựng kiên cố, khổng lồ, trắng toát và lạnh lùng như các tòa công sự mà người Trung Quốc dựng lên trái phép ở Trường Sa.

Nỗi lòng của Hứa Chung cũng chính là nỗi lòng đau đáu của nhiều người Việt trước cảnh từng tấc đất biển đảo của cha ông đang bị người khác chiếm giữ. Dẫu biết rằng con đường đấu tranh vì chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng chân lý sẽ luôn thuộc về lẽ phải. Và người Việt Nam luôn cháy bỏng một niềm tin sắt đá rằng: “Hoàng Sa và Trường Sa là một phần máu thịt của Việt Nam”./.



Sau hơn 3 năm xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) đã  ra phán quyết cuối cùng trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Theo đó, PCA đã bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn”. Theo phán quyết của PCA, Trung Quốc không có “tư cách lịch sử” đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về “các quyền lịch sử” đối với những nguồn tài nguyên trong “đường 9 đoạn”. Tòa cũng tuyên bố rằng, các hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo gần đây của Trung Quốc trên 7 cấu trúc của quần đảo Trường Sa đã gây hại nghiêm trọng môi trường của các rạn san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương cũng như môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe dọa và bị hủy diệt.


Bài: Diệu Vân, Thông Thiện - Ảnh: Vinh Quang, Việt Cường, Nguyễn Luân,
Trần Thanh Giang, Trần Minh Ngọc, Công Đạt, Đặng Kim Phương, Phương Hoa/TTXVN

Dấu ấn Việt Nam trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Dấu ấn Việt Nam trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Trong hành trình 10 năm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn lan tỏa đến bạn bè quốc tế hình ảnh về người chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam trách nhiệm, thân thiện, nhân văn và yêu chuộng hòa bình.

Top