Độc đáo lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam ở An Giang

Độc đáo lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam ở An Giang

Hằng năm, cứ vào dịp cuối tháng 4 Âm lịch, người dân tỉnh An Giang nói riêng, đồng bào vùng Tây Nam Bộ nói chung và đông đảo du khách thập phương lại đổ về núi Sam, phường Vĩnh Tế, tỉnh An Giang để tham dự lễ hội Vía Bà Chúa Xứ, một lễ hội dân gian độc đáo được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Đại diện của nhân loại vào cuối năm 2024.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam ở phường Vĩnh Tế, tỉnh An Giang đã có từ rất lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của cư dân vùng sông nước Nam Bộ. Theo tư liệu của Ban Quản trị Lăng, Miếu núi Sam, khoảng 200 năm trước, tượng Bà Chúa Xứ vốn ngự trên núi Sam. Một hôm, có nhóm người chuyên quấy nhiễu vùng biên lên núi thấy tượng và nảy sinh ý định xấu. Chúng xúm nhau khiêng tượng xuống núi, nhưng đi được một đoạn, thấy tượng Bà nặng trĩu không nhấc lên được. Tức giận, một tên trong nhóm đập phá, làm gãy tay trái của pho tượng.

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là địa điểm du lịch nổi tiếng của An Giang. Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam

Ngay lập tức tên này bị Bà trừng phạt. Từ đó, Bà thường hiện về tự xưng là Chúa Xứ Thánh Mẫu (Bà Chúa Xứ) dạy dân cách lập miếu thờ để Bà phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp bóc, khỏi dịch bệnh. Thấy được sự linh ứng, người dân quyết định khiêng tượng Bà về thờ cúng.

Sau đó, xuất hiện ngày một nhiều những truyền thuyết đầy màu sắc huyền bí về sự linh thiêng của vị thần xứ sở, như một sự mầu nhiệm và linh thiêng đến khó giải thích...

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam có nhiều nghi lễ quan trọng, độc đáo như phần lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ. Đây là nghi thức tái hiện lại tích xưa khi dân làng thỉnh tượng Bà từ trên núi xuống theo truyền thuyết.


Các thanh niên trai tráng không rước được Bà xuống núi. Sau đó 9 cô gái đồng trinh đã có thể di chuyển Bà một cách dễ dàng.
Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam

Lễ phục hiện rước tượng Bà hết sức trang nghiêm nhưng cũng rộn rã, hân hoan với tiếng trống, chiên và hàng chục đoàn lân, sư, rồng dọc hai bên đường để nghênh đón đoàn người thỉnh Chúa xứ Thánh mẫu.

Lễ tắm Bà, hay còn gọi là lễ Mộc Dục, cũng là một nghi thức quan trọng, thường được tổ chức vào đêm rạng sáng sau ngày lễ rước bà. Nghi lễ này bao gồm việc chuẩn bị nước tắm, tắm cho tượng Bà và thay áo mão cho Bà thường được diễn ra một cách kín đáo.

Chuẩn bị xiêm y trước khi làm lễ tắm Bà. Ảnh: Thông Hải/Báo ảnh Việt Nam

Bên cạnh phần nghi lễ hoành tráng thì phần hội cũng không kém phần sôi nổi và hấp dẫn với nhiều hoạt động thể thao, trò chơi dân gian, trình diễn văn nghệ dân tộc sôi nổi, độc đáo thể hiện đậm nét văn hóa và tinh thần đoàn kết của 4 dân tộc anh em Kinh, Chăm, Hoa và Khmer ở An Giang.

Ông Thái Công Nô, thành viên Ban quản trị Lăng Miếu Núi Sam cho biết, đối với người dân Châu Đốc, Bà Chúa Xứ núi Sam là vị thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ nữ thần, luôn che chở, phù trợ cho dân chúng. Việc tham gia lễ hội là để thỏa mãn niềm tin và sự mong cầu của người dân về sức khỏe, bình an và tài lộc. Lễ hội còn giúp người dân An Giang tăng cường tình đoàn kết của cộng đồng; giúp bà con gắn bó, tương trợ nhau trước những khó khăn trong cuộc sống.

Tại Lễ đón nhận bằng công nhận di sản thế giới của UNESCO tổ chức vào tháng 3/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính nhấn mạnh, danh hiệu này không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang, mà còn của cả khu vực Nam Bộ và đất nước Việt Nam.

Các đoàn lân sư rồng đã hội tụ về tỉnh An Giang để phục vụ phần hội tại Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam. Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam
Ngoài phẫn lễ thì phần hội tại Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc. Ảnh Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam

Theo Phó Thủ tướng Mai Văn Chính, qua hơn 200 năm, tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ đã trở thành điểm tựa tinh thần quan trọng cho hàng triệu người dân, không chỉ ở Nam Bộ mà còn lan tỏa trên khắp cả nước. Lễ hội không chỉ thể hiện lòng thành kính đối với Bà Chúa Xứ - người được tôn vinh như Mẫu Nghi của vùng đất, mà còn là biểu tượng của tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc.

Thực tế, không chỉ riêng vùng núi Sam, phường Vĩnh Tế mới có miếu Bà Chúa Xứ và tục thờ Bà Chúa Xứ, mà tục thờ này là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân Nam Bộ. Hầu hết làng xã ở Nam Bộ đều có miếu Bà Chúa Xứ và trong khuôn viên đình, chùa cũng đều có miếu thờ vị nữ thần này bên cạnh miếu Ngũ hành, miếu Thổ địa. Họ thể hiện sự tôn kính Bà Chúa Xứ, người được coi là "Mẹ" của vùng đất, có khả năng phù hộ, độ trì cho người dân.

Những lễ vật được người dân chuẩn bị chu đáo trước khi dâng Bà Chúa Xứ núi Sam. Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam

Trong đó, Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp là một trong những địa điểm du lịch đẹp ở An Giang mà du khách nào cũng biết bởi Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp nổi tiếng linh thiêng không kém Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp tọa lạc tại phường Thới Sơn, tỉnh An Giang. Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp là điểm thu hút đông đảo người dân và du khách đến cúng viếng, tham quan bởi nổi tiếng là nơi linh ứng và có cảnh sắc thiên nhiên đẹp tuyệt vời.

Vào chính hội Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam rất đông người dân và du khách đến tham quan và cúng Bà. Ảnh Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam

Theo lời kể của người dân trong vùng thì Bà Chúa Xứ Bàu Mướp là một trong 12 vị đệ tử của Phật Thầy Tây An. Bà là một người khá bí ẩn và không thường xuyên xuất hiện trước đám đông nên chỉ một số ít người biết về sự tồn tại của Bà. Mọi người chỉ biết đến Bà sau khi Bà đã mất vì Bà thường hiển linh giúp đỡ những người gặp khó khăn, hoạn nạn. Những người địa phương được Bà giúp đỡ đã tìm đến cúng viếng và góp công, góp của xây dựng lại ngôi miếu.

Không chỉ người dân sống quanh vùng mà cả khách du lịch ở các thành phố xa xôi cũng tìm đến Bà Chúa Xứ Bàu Mướp để cầu xin bình an và may mắn. Sau khi được Bà phù hộ tai qua nạn khỏi, họ cũng về đây và góp của giúp xây dựng nên ngôi miếu khang trang như ngày nay.

Việc thờ Bà Chúa Xứ Mã Châu được người dân nơi đây tin rằng Bà vừa hiện thân cho vị thần cai quản vùng đất.
Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam

Cũng như phong tục thờ Bà Chúa Xứ của người dân núi Sam, Châu Đốc, miếu Bà Chúa Xứ Mã Châu tọa lạc tại Bãi Nhà A Hòn Sơn hay còn gọi hòn Sơn Rái, tên chữ là Lại Sơn, là xã đảo thuộc Đặc khu Kiên Hải, tỉnh An Giang. Mặt chính của ngôi miếu hướng ra phía biển như lúc nào cũng dõi theo để bảo vệ người dân trên biển mỗi khi họ ra khơi. Trước ngôi miếu là một nghi môn cao, to, có mái che, trông thanh thoát. Gian chính điện được trang hoàng rực rỡ, cầu kì, trang nghiêm, thể hiện tấm lòng của người dân trên đảo đối với Bà.

Việc thờ Bà Chúa Xứ Mã Châu được người dân nơi đây tin rằng Bà vừa hiện thân cho vị thần cai quản vùng đất, vừa hiện thân cho vị thần biển có thể bảo vệ ngư dân mỗi khi họ gặp sóng to gió lớn, nguy hiểm tính mạng trên biển cả mênh mông.

Múa bóng rỗi phục vụ Bà Chúa Xứ Mã Châu. Ảnh Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam

Lễ cúng miếu Bà Chúa Xứ Mã Châu hằng năm được tổ chức vào ngày 8 đến 10 tháng 9 âm lịch. Trong dịp lễ, Ban Quản trị miếu có rước đoàn hát từ Tp. Hồ Chí Minh về biểu diễn cho bà con xem. Người dân từ đất liền cũng đem theo nhiều sản vật, hàng hóa ra đảo phục vụ dịp lễ nên không khí thêm nhộn nhịp và vui tươi. Trong dịp lễ cúng Bà, không chỉ có người dân địa phương đến dự, mà còn có nhiều khu khách từ các tỉnh thành khác ra đảo dự lễ, cầu an cho gia đình. Vì vậy, mỗi dịp cúng Bà, hòn Sơn đón hàng ngàn lượt người.

Miếu Bà Chúa Xứ Mã Châu ở Hòn Sơn không chỉ là nơi trú sở tâm linh cho cư dân trên đảo, mà còn là điểm du lịch tâm linh thu hút du khách gần xa.

Người dân thả mô hình thuyền trong lễ cầu an Bà Chúa Xứ Mã Châu để cầu bình an và may mắn trong quá trình đi biển.
Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam

Có thể nói, Bà Chúa Xứ đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Tây Nam Bộ nói riêng, Nam Bộ nói chung. Tín ngưỡng Bà Chúa Xứ khuyên người trong việc bỏ ác hành thiện; khơi gợi lòng trắc ẩn trong công tác từ thiện xã hội; cũng như giúp người ta vững tin vào cuộc sống./.

Bài: Thông Hải - Ảnh: Nguyễn Luân, Thông Hải/Báo ảnh Việt Nam & Tư liệu


Top