Hạ tầng giao thông – “bệ phóng” để Tp. Hồ Chí Minh bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Hạ tầng giao thông – “bệ phóng” để Tp. Hồ Chí Minh bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc


Hạ tầng giao thông của Tp. Hồ Chí Minh sau năm 1975 có bước chuyển mình đầy mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu giao thông không chỉ của thành phố mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong quá trình phát triển và hội nhập. Trong đó có thể kể đến những công trình tiêu biểu như hầm Thủ Thiêm, đại lộ Mai Chí Thọ, đường Phạm Văn Đồng, đường Võ Văn Kiệt, cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, cao tốc Long Thành - Dầu Giây…

Tổng Bí thư Tô Lâm đi tàu Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và trò chuyện với người dân. Ảnh Thống Nhất – TTXVN

Tuyến metro số 1 đi vào hoạt động tạo thêm nhiều sự lựa chọn di chuyển cho người dân Tp. Ảnh: Thông Hải/Báo ảnh Việt Nam

Đặc biệt, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vừa khánh thành vào đầu tháng 3/2025 được xem là một bước tiến lớn trong giao thông đô thị hiện đại của thành phố.

Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đây là công trình giao thông hiện đại, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển bền vững của thành phố.

"Sự kiện khánh thành Metro số 1 là khởi nguồn cho một chương mới trên hành trình phát triển giao thông đô thị hiện đại của Tp. Hồ Chí Minh.", lãnh đạo thành phố nhấn mạnh.

Tuyến metro đầu tiên của TP.HCM dự kiến phục vụ gần 40.000 lượt khách mỗi ngày. Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam
Du khách xếp hàng đi trải nghiệm tuyến metro số 1. Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam

Không chỉ là công trình mang tính biểu tượng về hạ tầng hiện đại, Metro số 1 còn được xem là nền tảng quan trọng để Tp. Hồ Chí Minh thúc đẩy du lịch xanh bền vững kết nối chuỗi điểm đến văn hóa, lịch sử và giải trí đặc sắc của thành phố.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh, cho biết tuyến Metro số 1 được kỳ vọng là đòn bẩy phát triển ngành du lịch thành phố. Thông qua kết nối thuận tiện, du khách có thể dễ dàng tiếp cận các địa điểm văn hóa, lịch sử và giải trí, mang lại hành trình trọn vẹn cho cả người dân địa phương và du khách trong nước cũng như quốc tế.

Theo Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh, tuyến Metro này kết nối các khu vực trung tâm và phía Đông thành phố, qua đó đưa du khách đến gần hơn nhiều điểm tham quan nổi bật với thời gian di chuyển nhanh chóng và chi phí tiết kiệm, cùng đa dạng trải nghiệm độc đáo.

Ví dụ từ ga Bến Thành (Quận 1) nằm ngay trung tâm thành phố cũng là cửa ngõ lí tưởng để du khách khám phá những công trình, biểu tượng của thành phố như Chợ Bến Thành, Nhà hát Thành phố, trụ sở Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân Thành phố, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bảo tàng Mỹ thuật…

Tuyến đường Võ Văn Kiệt huyết mạch nối xuống miền Tây. Ảnh: Thông Hải/Báo ảnh Việt Nam

Tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên cũng kết nối nhiều điểm đến du lịch trên địa bàn, gồm Khu Du lịch văn hóa Suối Tiên; đền tưởng niệm các Vua Hùng và đền thờ Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là hai công trình văn hóa-lịch sử nổi bật tại thành phố Thủ Đức (đều nằm trong Công viên lịch sử văn hóa dân tộc) là những điểm tham quan không thể bỏ qua khi khám phá vùng đất phương Nam.

Từ sự thành công bước đầu của tuyến Metro số 1, mạng lưới Metro của thành phố đang được nghiên cứu mở rộng lên đến 10 tuyến, dài 510km, gấp hơn hai lần quy hoạch cũ, đáp ứng 50-60% nhu cầu vận tải hành khách công cộng.

Bên cạnh các tuyến Metro, mạng lưới đường sắt quốc gia đi qua Tp. Hồ Chí Minh cũng được quy hoạch và nâng cấp để đảm bảo kết nối với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo đó, tuyến đường sắt Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh nâng cấp đường đôi, khổ 1,435m; các đoạn được tổ chức chạy tàu hướng tâm hoặc xuyên tâm thành phố với tính chất vận chuyển khách đô thị.

Ngoài ra, thành phố sẽ hình thành mới 6 tuyến đường sắt kết nối vùng và khu vực gồm: tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, tuyến đường sắt Tp. Hồ Chí Minh - Cần Thơ (kết nối các tỉnh ĐBSCL), tuyến Tp. Hồ Chí Minh - Tây Ninh (mở ra cơ hội kết nối thương mại quốc tế), tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (nhằm kết nối với sân bay quốc tế Long Thành), tuyến đường sắt Tp. Hồ Chí Minh - Lộc Ninh (kết nối Campuchia, góp phần phát triển hệ thống đường sắt xuyên Á), tuyến đường sắt chuyên dụng kết nối cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.

Năm 2025 được xác định là năm bản lề để Tp. Hồ Chí Minh mở tung cửa ngõ giao thông đầu mối. Thành phố dự kiến sẽ khởi công hàng loạt dự án hạ tầng quan trọng và các tuyến đường huyết mạch kết nối với các tỉnh, thành khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cầu Ba Son được hoàn thành đã làm thay đổi diện mạo đô thị Quận 1, thành phố Thủ Đức, rút ngắn khoảng cách đi lại giữa thành phố Thủ Đức với trung tâm TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Linh

Tp. Hồ Chí Minh xác định xây dựng 70 dự án trọng điểm. Trong đó có thể kể đén những công trình tiêu biểu như: đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Đồng Nai 2, cầu Phú Mỹ 2…

Trong đó, dự án Vành đai 3 giúp kết nối các khu vực đô thị vệ tinh, giảm áp lực giao thông trong nội thành. Cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Mộc Bài và tuyến đường sắt tốc độ cao Tp. Hồ Chí Minh - Nha Trang đang được đẩy nhanh tiến độ để cải thiện kết nối liên vùng. Các tuyến giao thông này không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và mở rộng giao thương giữa Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận.

Cũng theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Tp. Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) cho biết, năm 2025 được xác định là năm của những dự án kết nối liên vùng. Theo đó, hàng loạt dự án sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác như toàn bộ dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 50 giúp kết nối Tp. Hồ Chí Minh với Tiền Giang; dự án nút giao An Phú sẽ khơi thông cửa ngõ phía Đông, kết nối cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành và sân bay Long Thành…

Nút giao An Phú được kỳ vọng giảm ùn tắc và cải thiện kết nối giao thông phía Đông TP Hồ Chí Minh khi hoàn thành. Ảnh: Lê Linh
Các công nhân đang tăng ca thi công 3 ca 4 kíp để đưa các công trình hoàn thành theo kế hoạch. Ảnh: Lê Linh

Ngoài ra, dự án mở rộng Quốc lộ 50 cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng. Việc nâng cấp tuyến đường này sẽ cải thiện năng lực vận chuyển, kết nối Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Dự án này sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long và góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông.

Tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Mộc Bài sẽ kết nối thành phố với tỉnh Tây Ninh và mở rộng giao thương với Campuchia. Đây là dự án mang tính chiến lược, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực biên giới và tạo ra trục giao thông quốc tế quan trọng.

Bên cạnh đó, đường Vành đai 4 sẽ bổ sung thêm một hành lang giao thông quan trọng kết nối Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuyến đường này sẽ giảm tải đáng kể cho đường Vành đai 3, giúp lưu thông hàng hóa và hành khách thuận lợi, đồng thời tăng cường liên kết vùng giữa Tp. Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam Bộ.

Nhiều tuyến đường trung tâm Tp đang được nâng cấp hiện đại và khang trang hơn. Ảnh: Thông Hải/Báo ảnh Việt Nam

Các dự án giao thông trọng điểm này được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn. Chúng không chỉ tăng cường sự liên kết giữa Tp. Hồ Chí Minh và các vùng lân cận mà còn thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Đồng thời, góp phần cải thiện chất lượng sống của người dân, tạo nên một diện mạo mới cho hạ tầng giao thông đô thị và thúc đẩy Tp. Hồ Chí Minh phát triển bền vững trong tương lai./.

Bài: Thông Hải - Ảnh: Nguyễn Luân – Thông Hải/Báo ảnh Việt Nam & Tư liệu


Top