Người khuyết tật - không ai bị bỏ lại phía sau
Tại Việt Nam, cộng đồng người khuyết tật được xác định là nhóm yếu thế, chiếm hơn 7% dân số, tương đương khoảng trên 7 triệu người. Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và cùng với toàn xã hội chung tay quan tâm, chăm sóc, bảo vệ người khuyết tật theo phương châm“không để ai bị bỏ lại phía sau”. Những thành quả trong công tác này cho thấy trách nhiệm và nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền và lợi ích của người khuyết tật.
Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Vì vậy, việc chăm sóc, chữa lành, cải thiện và nâng cao sức khỏe cho người khuyết tật luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm.
Theo kết quả điều tra gần đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, người khuyết tật nhận được nhiều sự trợ giúp từ các chương trình, chính sách hỗ trợ về y tế của nhà nước nhiều hơn so với người không khuyết tật. Cụ thể, tỉ lệ người khuyết tật có bảo hiểm y tế khám chữa bệnh miễn phí năm 2023 là 95,7%, cao hơn người không khuyết tật (92,5%).
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, trong đó có nội dung: can thiệp sớm khuyết tật, phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình,cung cấp các phương tiện để người khuyết tật có thể sống một cuộc sống gần như bình thường.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều năm qua các chương trình khám và điều trị cho người khuyết tật thường xuyên được tổ chức như: mổ hàm ếch, mổ sụp mí bẩm sinh, khám sàng lọc các bệnh về tim mạch…
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thì có chương trình thay khớp gối nhân tạo,ghép chi...Đến nay, bệnh viện đã phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo miễn phí cho hơn 1.000 bệnh nhân, giúp nhiều người khuyết tật có cuộc sống tốt đẹp hơn.Thậm chí nhiều người khuyết tật có bệnh lí phức tạp như viêm cột sống dính khớp khiến cho phải chịu cảnh tật nguyền không thể đi lại được suốt hàng chục năm cũng nhờ có chương trình phẫu thuật nhân đạo mà thay đổi được cuộc đời.Hiện nay, các chương trình nhân đạo cho người khuyết tật được Việt Nam triển khai từ bệnh viện tuyến trung ương đến các tuyến địa phương. Nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… cùng chung tay vào công tác hỗ trợ người khuyết tật, góp phần giảm tỉ lệ khuyết tật, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật về mọi mặt.
Điển hình như trong suốt 15 năm qua, chương trình “Trái Tim cho em” do Tập đoàn Công nghiệpViễn thông Quân đội Viettel phối hợp với Quỹ Tấm lòng Việt của Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức 98 chương trình khám sàng lọc với gần 160.000 trẻ em;vận động được hơn 210 tỉ đồng để thực hiện can thiệp/phẫu thuật, chữa khỏi bệnh tim bẩm sinh cho gần 7.000 bệnh nhi.
Ngoài công tác khám chữa bệnh cho người khuyết tật, Việt Nam cũng có nhiều mô hình sản xuất các thiết bị giúp người khuyết tật phục hồi chức năng. Ấn tượng nhất phải kể đến cơ sở làm thiết bị chân, tay giả của bác sĩ Lê Thành Đô. Năm 2004, ông đã thành lập trung tâm tư vấn trợ giúp dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật tại Hà Nội. Cho đến nay, ông đã làm được hàng ngàn chân, tay giả phát miễn phí hỗ trợ cho người khuyết tật.
Mới đây, trong lần đến thăm các cháu khuyết tật ở Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định rằng Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn, lành mạnh. Đảng, Nhà nước cũng sẽ hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tổ chức thực hiện thông suốt, đồng bộ, toàn diện từ Trung ương tới cấp cơ sở, huy động mọi nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên, giáo trình để các cháu học sinh có điều kiện học tập, trong đó các cháu khuyết tật được chăm sóc, giáo dục, có cơ hội vượt qua nghịch cảnh, phát huy tốt nhất khả năng của mình.
Ngoài công tác chăm sóc sức khỏe, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách thiết thực, đồng thời kêu gọi sự chung tay của quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong việc tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật, cổ vũ và trao quyền cho các chủ doanh nghiệp là người khuyết tật.
Tạo điều kiện cho người khuyết tật có việc làm ổn định, phù hợp với khả năng là một trong những giải pháp quan trọng để giúp họ hòa nhập xã hội và có cuộc sống độc lập.
“Lao động là liều thuốc thần kì giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng”. Đó là chia sẻ của anh Lê Việt Cường, chủ doanh nghiệp xã hội Vụn Art. Doanh nghiệp do anh điều hành là một trong những điển hình của mô hình tạo sinh kế bền vững cho người khuyết tật tại Việt Nam.
Hiện nay, Vụn Art đang dạy nghề và trả lương cho 40 lao động chính, họ đều được đóng bảo hiểm xã hội 100%. Sản phẩm của Vụn Art như tranh, túi vải, các quà tặng lưu niệm. Người khuyết tật tại đây đã coi Vụn Art là ngôi nhà tái sinh cuộc đời họ.
Chị Nguyễn Thùy Chi, Phó Giám đốc doanh nghiệp Chạm Vào Xanh đã thành lập xưởng làm đồ thủ công với khoảng 30 lao động khuyết tật. Dù bị bại não bẩm sinh nhưng chị đã vượt lên số phận để học tập và khởi nghiệp. Hiện Chạm Vào Xanh đã có một cửa hàng bày bán sản phẩm đồ tái chếvàbán qua kênh online hoặc tham gia nhiều hội chợ hàng Việt Nam. Những sản phẩm nhưmóc chìa khóa, túi vải, dây buộc tóc, đồ chơi, quà tặng lưu niệm đẹp và có chất lượng do chính những người khuyết tật làm nên đã mang đến những góc nhìn gần gũi và cảm nhận sâu sắc hơn về sự đa dạng và sáng tạo mà người khuyết tật đã đóng góp cho xã hội.

Bệnh viện Medlatec là nơi đã tiếp nhận cả những lao động khuyết tật vào làm việc và tạo cho họ môi trường làm việc bình đẳng với những người bình thường. NguyễnHạnh Ngân, kĩ thuật viên xét nghiệm của Trung tâm xét nghiệm Bệnh viện đa khoa Medlatec là một người khuyết tật đã được nhận vào làm ở đây được 4 năm. Ngân cho biết,khi nộp đơn xin việc chị đã nhận được nhiều sự hoài nghi của cộng đồng nhưng môi trường làm việc tại bệnh viện đã giúp Ngân hòa nhập tốt với xã hội và phát huy được năng lực của mình.
Ngoài tạo việc làm cho người khuyết tật, Việt Nam cũng đã và đang nâng cao, mở rộng không gian tinh thần cho cộng đồng này. Đó là các sân chơi, các lớp đào tạo kĩ năng sống về văn hóa, nghệ thuật cho người khuyết tật để họ có thể phát huy năng khiếu bẩm sinh và năng lực cảm thụ cuộc sống một cách tự nhiên. Có thể kể đến các cơ sở như: Trung tâm Seed, Hội cha mẹ trẻ khiếm thính Việt Nam, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, Trường Chuyên biệt Bình Minh, trung tâm Vì Ngày Mai, Trung tâm Nghị Lực Sống, Hội người Mù, Liên hiệp Hội về Khuyết tật Việt Nam… đều đang đa dạng hóa loại hình đào tạo, trong đó chú trọng sân chơi tinh thần, văn hóa để giúp người khuyết tật tự tin, có niềm vui hơn trong cuộc sống để tiến đến tự lập việc làm.
Bài: Bích Vân - Ảnh: Tất Sơn, Công Đạt, Thông Thiện và Dương Giang