Phóng sự chuyên đề

Thủ phủ ngành Tôm Việt Nam

Trong những năm gần đây, hai tỉnh cực Nam của Tổ quốc là Cà Mau và Bạc Liêu đang vươn lên trở thành thủ phủ xuất khẩu của ngành Tôm theo hướng phát triển bền vững,  khẳng định vị thế của con tôm Việt trên bản đồ thủy sản thế giới.
Những mô hình nuôi tôm xuất khẩu

Hiện nay,Việt Nam có khoảng 30 tỉnh thành thực hiện các mô hình nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng nước lợ, trong đó, tỉnh Cà Mau là địa phương đi đầu cả nước về diện tích và sản lượng nuôi tôm. Ngành tôm được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Cà Mau, được ưu tiên đầu tư phát triển.
EVFTA mang lại lợi thế cho ngành Tôm Việt Nam rất lớn bởi ngoài việc xóa bỏ rào cản thuế quan, thì con tôm Việt còn có cơ hội đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu chế biến sản phẩm, từ đó giúp ngành gia tăng sức cạnh tranh hơn so với các đối thủ khác.


Chúng tôi đến thăm trại nuôi tôm của ông Phan Thanh Hùng (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) khi hai ao tôm của ông chỉ còn vài ngày nữa là đến thời điểm thu hoạch. Ông Hùng cho biết, trước đây trên vùng đất này ông cũng như nhiều nông dân khác chỉ quen với việc nuôi tôm trong ao đất truyền thống nên mang lợi nhuận không cao. Nhờ học tập kinh nghiệm của mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, đầu năm 2018 ông Hùng đã mạnh dạn chuyển đổi qua mô hình nuôi tôm siêu thâm canh.


Tỉnh Bạc Liêu hiện có hơn 131.000ha diện tích nuôi tôm, riêng sản xuất tôm công nghệ cao chiếm khoảng 2.000 ha. Ảnh: Lê Minh 


Tôm giống 15 ngày tuổi chuẩn bị thả nuôi trên những đầm nuôi tôm công nghệ cao ở Cà Mau. Ảnh: Lê Minh


Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở Cà Mau. Ảnh: Phan Thanh Cường


Nông dân huyện  Đầm Dơi  tỉnh Cà Mau thu hoạch tôm. Ảnh:  Bảo Lâm


Công nhân HTX Nam Đông (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) thu hoạch tôm. Ảnh: Lê Minh


Thu hoạch tôm càng xanh nuôi xen canh trên ruộng lúa ở Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Lâm 

Trên diện tích 1,1ha, ông Hùng cho thiết kế ba ao nuôi, mỗ ao có diện tích 1.200m2. Cùng với đó là hai ao xử lý nước, một ao lắng, một ao sẵn sàng cấp nước, và 3 ao xử lý bioga. Các ao này đều lót bạt đáy, lưới che, hệ thống điện, quạt, motor, máy cho thức ăn tự động… với tổng chi phí 1,2 tỷ đồng.

Diện tích nuôi tôm trên cả nước khoảng 720 ngàn ha, riêng tỉnh Cà Mau diện tích nuôi tôm là 280 nghìn ha, chiếm gần 40% diện tích nuôi tôm cả nước. Nhiều địa phương ở Cà Mau phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh như: Năm Căn, Ngọc Hiển, Tân Phú, TP. Cà Mau…
Theo ông Hùng, ngoài việc cung cấp đủ lượng thức ăn cho con tôm, hằng ngày ông còn phải thực hiện đúng quy trình như kiểm tra chất lượng nước, thay đổi nước sạch cho ao tôm, vệ sinh đáy ao, theo dõi quá trình phát triển của tôm để nhằm có biện pháp xử lý kịp thời. Mỗi tháng đều có các kỹ sư từ các đơn vị có chuyên môn hoặc do các đối tác thu mua vào tận ao tôm để kiểm tra sự ổn định của chất lượng nước, độ kiềm, khí độc để có những hướng dẫn kịp thời cho người chăn nuôi.

Thời gian nuôi tôm khoảng 115-120 ngày/vụ, một năm có thể nuôi được 3 vụ, với giá tôm trung bình khoảng 150.000 – 200.000/kg, sau khi trừ các chi phí mỗi vụ ông Hùng còn lãi 500 triệu đồng. Nhờ chuyển sang mô hình này đã giúp ông Hùng cùng nhiều hộ dân khác vươn lên khá giả, có những bước khởi sắc về kinh tế.

Chúng tôi đến Hợp tác xã Nam Đông (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) giữa lúc đang vào vụ thu hoạch ba ao tôm. Ông Nông Quốc Trí, Giám đốc HTX Nam Đông cho biết, với ba ao có tổng tích 4.500m2 nuôi với số lượng 500.000 con tôm giống ông thu được hơn 9 tấn tôm, đạt doanh thu khoảng 900 triệu đồng/vụ nuôi.

Sau khi phân loại tôm thì được thương lái cho xe đến tận ao thu mua và cấp đông ngay tại chỗ trước khi mang về doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục xử lý, chế biến. Phần việc còn lại của các tổ viên trong Hợp tác xã Nam Đông là vệ sinh các ao nuôi, chuẩn bị con giống cho một vụ tiếp theo.

Tôm Việt xuất khẩu đi 90 quốc gia

Hiện nay, ngành Tôm Việt Nam đang tập trung xây dựng và triển mạnh chuỗi liên kết sản xuất khép kín từ đầu vào cho đến đầu ra, góp phần giảm chi phí sản xuất trong chăn nuôi đồng thời nâng cao chất lượng cho con tôm Việt Nam.


Nhiều hộ nuôi tôm đã liên kết lại với nhau lập thành hợp tác xã sản xuất trên quy mô lớn, được các doanh nghiệp nuôi ươm con giống cung cấp giống đạt chuẩn ngay từ đầu vào; cung cấp thức ăn, vật tư phục vụ nuôi tôm, còn đầu ra được các doanh nghiệp bao tiêu thu mua, chế biến. Ngoài ra còn có các bên có liên quan như các nhà khoa học, ngân hàng hỗ trợ vốn, cơ quan quản lý đều góp phần hỗ trợ để từng bước hình thành chuỗi khép kín trong ngành tôm, giảm bớt các khâu trung gian, gắn trực tiếp vùng nuôi trồng, sản xuất cho đến khâu tiêu thụ.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm mô hình chế biến tôm xuất khẩu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Thế Anh


Cà Mau hiện nay có hơn 30 nhà máy chế biến tôm của 28 doanh nghiệp, có công suất chế biến khoảng 200 ngàn tấn/năm
với công nghệ hiện đại xuất khẩu đi 90 nước trên thế giới. Ảnh: Huỳnh Lâm


Công đoạn chế biến tôm xuất khẩu tại công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Năm Căn, ở tỉnh Cà Mau. Ảnh: Lê Minh 


Chế biến mặt hàng xuất khẩu tại Công Ty Cổ phần Tập Đoàn Thủy Sản Minh Phú ở tỉnh Cà Mau. Ảnh: Tấn Điệp


Quy trình đóng gói tôm xuất khẩu tại Cà Mau. Ảnh: Phú Hữu


Nông dân Cà Mau chế biến tôm khô thành phẩm. Ảnh: Huỳnh Lâm

Việt Nam hiện có 100 nhà máy chế biến tôm  quy mô lớn và hiện đại  với công suất trung bình khoảng 500.000 – 700.000 tấn/năm.Trong đó có nhiều công ty, tập đoàn tham gia vào công đoạn chế biến và xuất khẩu tôm đẫ thành danh như: Minh Phú, Vĩnh Hoàn, Hùng Vương, Việt - Úc... Riêng ở Cà Mau hiện nay có hơn 30 nhà máy chế biến tôm của 28 doanh nghiệp, có công suất chế biến khoảng 200 ngàn tấn/năm với công nghệ chế biến hiện đại xuất khẩu đi 90 nước trên thế giới.


Đặc biệt, Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú là một trong bốn nhà chế biến và xuất khẩu tôm lớn hàng đầu thế giới, đứng đầu cả nước trong nhiều năm qua. Minh Phú có hai cụm nhà máy lớn ở Cà Mau và một ở Hậu Giang, tổng giá trị xuất khẩu năm 2018 đạt trên 700 triệu USD, riêng nhà máy ở Cà Mau xuất khẩu gần 400 triệu, chiếm 1/3 tổng giá trị xuất khẩu tôm của Cà Mau.

Vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau vừa phối hợp với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chương trình SeafoodWatch và Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế tổ chức "Ngày kết nối doanh nghiệp ngành thủy sản" và Lễ ký kết tham gia liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững. Tại ngày hội này, 4 nhà mua Hoa Kỳ là Aramark, Bon Appettite, Santa Monica Seafoods, Fortune Fish&Gourmet và nhiều hệ thống phân phối lớn của Việt Nam đã có mặt tại Cà Mau để cùng tham gia mở rộng thị trường tiêu thụ cho con tôm./.


Xuất khẩu tôm của Việt Nam tính đến thời điểm này đã có mặt  90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn: Châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… Trong năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước được 3,5 tỷ USD, riêng Cà Mau được 1,175 tỷ USD, chiếm hơn 30% sản lượng xuất khẩu của cả nước.

Bài: Sơn Nghĩa  
Ảnh: Lê Minh, Huỳnh Lâm, Tấn Điệp, Phan Thanh Cường, Phú Hữu, Thế Anh, Bảo Lâm

Khám phá văn hóa Mường ở Hòa Bình

Khám phá văn hóa Mường ở Hòa Bình

Cách thành phố Hà Nội chừng 70km về phía Tây Nam, tỉnh Hòa Bình được biết đến là “miền đất sử thi”, nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Mường. Trải qua nhiều thế hệ, đồng bào Mường nơi đây đã tạo dựng nên một kho tàng văn hóa phong phú, đặc sắc, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Top