Khám phá

Thác Bản Giốc vào top đẹp nhất thế giới

Du lịch Cao Bằng, không thể không ghé lại thác Bản Giốc. Đây được mệnh danh là thác nước đẹp nhất Việt Nam với các tầng thác nối tiếp nhau, trải rộng hàng trăm mét.
Thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn, nửa phía Đông của thác bên phải thuộc chủ quyền của Trung Quốc tại thôn Đức Thiên, trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả. Sông Quây Sơn bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy vào Việt Nam đoạn cột mốc 784 tại khu vực Pò Peo, xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh. Sau khi đổ xuống chân thác thì sông quay hẳn vào địa phận Trung Quốc.

Đây là một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam và nó được đánh giá là một trong 7 thác nước đẹp nhất thế giới. Hàng năm thác này đón rất nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm để chiêm ngưỡng và ghi lại sự kỳ vĩ của thác nước này.

Đã có rất nhiều nhiếp ảnh gia đến đây để ghi lại vẻ đẹp có một không hai của con thác này và có hàng nghìn những tấm ảnh đẹp được ra đời. Mỗi người đều lựa chọn những góc lạ nhất, đẹp nhất cho riêng mình.

Thác Bản Giốc là một trong những thác nước nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà còn được bạn bè quốc tế biết đến. Nằm trong top 4 thác nước xuyên quốc gia lớn nhất trên toàn thế giới, địa điểm này ngày càng thu hút được rất nhiều khách du lịch Cao Bằng đến chiêm ngưỡng.

  Thác Bản Giốc nằm ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm huyện khoảng 20 km. Ảnh: Công Đạt 
  Thác Bản Giốc là điểm du lịch tiêu biểu mang tính biểu tượng của tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Công Đạt  
  Là một điểm di sản nằm trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, thác Bản Giốc - điểm đến vô cùng hấp dẫn, hứa hẹn sẽ đem lại những trải nghiệm quý báu cho du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Trịnh Bộ  
  Nhiều tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới đã bình chọn thác Bản Giốc là 1 trong 10 thác nước kỳ vĩ nhất thế giới Ảnh: Công Đạt  
  Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc tọa lạc tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Đây là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng trên mảnh đất biên cương phía bắc của Tổ quốc. Ảnh: Công Đạt  
  Vào mùa Hè, nơi đây cũng là điểm đến lý tưởng bởi thời tiết trong lành cùng làn nước mát lạnh, xua tan cái nắng oi ả. Ảnh: Công Đạt  
Thác gồm có 2 phần: thác Cao là thác phụ vì lượng nước ít, thác Thấp là thác chính nằm trên cột mốc biên giới Việt Trung. Theo hiệp ước 1999, phần thác phụ hoàn toàn thuộc về Việt Nam, phần thác chính chia đôi.

Thác Bản Giốc nằm cách thành phố Cao Bằng khoảng 90km và cách trung tâm thủ đô Hà Nội 400km, thuộc địa phận xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh. Xuất phát từ thành phố Cao Bằng bạn có thể đi theo hướng Trà Lĩnh – Tống Cọt để tới bản Giốc. Với những người đam mê phượt có thể lựa chọn con đường qua đèo Mã Phục vì phong cảnh núi rừng trên đường đi rất đẹp và thu hút.

Với góc độ toàn cảnh từ xa, thác nước đổ xuống tạo một vùng bọt nước trắng xoá, mang cho ta cảm giác hoang sơ nhưng vô cùng tráng lệ. Phần giữa con thác, một mô đá nhô lên, được bao phủ bởi những cành cây khô đã xẻ dòng nước thành ba luồng như ba dải lụa trắng vắt ngang núi rừng. Vào những hôm nắng đẹp trời, những tia sáng ấy chiếu vào dòng thác cộng hưởng với làn nước bụi mịt mờ tạo nên những chiếc cầu vồng sắc màu, lung linh huyền ảo.


Dưới chân thác là một dòng sông rộng, mặt nước phẳng lặng như gương. Nơi hai bên bờ là những thảm cỏ trong trẻo còn đọng hơi sương, từng vạt rừng rậm xanh ngắt. Thắng cảnh này quả thật là một chốn tiên bồng có thực tại trần gian. Nhìn từ góc thấp, các dòng thác như dải lụa làm say lòng nhiều du khách. Tháng 9, 10 là thời gian lý tưởng khám phá thác Bản Giốc, khi nước nhiều mà trong xanh, các dòng thác tuôn chảy tung bọt trắng xóa.

Du khách có thể dễ dàng đi dạo xung quanh chân thác, thưởng ngoạn và cho ra đời những bức ảnh đậm chất nghệ thuật cùng núi rừng thiên nhiên. Bên cạnh đó, ngay dưới chân thác Bản Giốc phụ còn có một chiếc đập nhỏ. Dòng nước trong vắt, không vướng chút bụi trần từ thác sẽ chảy vào đây. Ngoài ra, để có thêm nhiều sự trải nghiệm độc đáo và trực tiếp với dòng nước, bạn có thể ngồi trên những chiếc bè nổi du ngoạn sông Quây Sơn./.

Thực hiện: Trịnh Bộ, Công Đạt/VNP

Lễ mừng cơm mới của người Thái ở Mường Lát

Lễ mừng cơm mới của người Thái ở Mường Lát

Những lễ hội văn hóa của người Thái ở Mường Lát (Thanh Hóa) luôn gắn liền với nhịp sống lao động nông nghiệp. Một trong những lễ hội đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa và tâm linh chính là Lễ mừng cơm mới. Được tổ chức vào đúng mùa thu hoạch, Lễ mừng cơm mới là dịp để người Thái cảm ơn đất trời và tưởng nhớ, tri ân với những người đã khuất.

Top