Nghệ thuật

“Sương sớm”

“Sương sớm” là tên vở múa đương đại vừa được đoàn múa Arabesque thể hiện rất thành công. Vở diễn thực hiện ý tưởng tả lại cuộc sống của người nông dân Việt Nam, gợi lại cho người xem cảm giác bình yên chốn thôn quê bằng một loại hình nghệ thuật còn khá mới mẻ.
Ý tưởng của vở múa đương đại “Sương sớm” được hình thành từ chuyến lưu diễn múa đương đại tại Deawoo-Hàn Quốc vào đầu năm 2011, khi đó biên đạo múa Tấn Lộc muốn mang một cái gì đó mang đậm bản sắc của Việt Nam đến với Hàn Quốc. Anh quyết định đưa cuộc sống nơi thôn quê vào những điệu múa đương đại. Với sự kết hợp giữa nội dung của Việt Nam với nghệ thuật múa đương đại của châu Âu, vở múa đương đại “ Sương sớm” đã chính thức được ra mắt tại Hàn Quốc.
 

Màn 1 với cảnh ra đồng của người nông dân.

Màn 3 với cảnh ngưòi dân chăm chỉ ra đồng cày cấy với không khí hăng say theo đúng tên gọi "Mùa".

Niềm vui của người dân khi vào mùa.

Không khí ngày mùa được thể hiện qua những vũ điệu khoẻ khoắn và đồng điệu.

Sau những ngày làm việc hăng say trải qua nhiều khó khăn thì thành quả cuối mà người nông dân nhận được đó chính là “Gạo”.

Người nông dân Việt Nam bên khung tơ.

Màn "Hương chùa"  đưa ngưòi xem đắm chìm vào một thế giới tâm linh đầy mê hoặc.

Cuối màn "Hương chùa" khán giả được trải nghiệm một cảm giác thanh tịnh sâu lắng.

Không gian miền quê ở Tây Nam bộ hiện với hoạt cảnh nam thanh, nữ tú tụ tập hát đối đáp trong ánh đèn dầu le lói.

Màn "Lụa" thể hiện vẻ đẹp cơ thể của con người qua từng điệu múa.

Một động tác thể hiện kỹ thuật điêu luyện của diễn viên.

Bảy phần của vở múa “Sương sớm” đều diễn tả cuộc sống của người nông dân Việt Nam vào buổi sáng tinh sương nhưng mỗi phần diễn lại tạo cho khán giả những cảm giác riêng. Phần mở màn của vở múa là cảnh “Ra đồng” của những người nông dân với không gian tĩnh lặng, mờ mờ ảo ảo, chỉ có tiếng côn trùng, tiếng gà gáy đổi canh xen kẽ bằng những vũ điệu múa đặc sắc của đôi trai gái. Ở phần “Hương chùa” lại tạo cho khán giả một cảm giác thanh tịnh với ý muốn giúp cho mọi người bỏ qua cái lo toan của cuộc sống hướng theo những vòng hương thanh tịnh của Phật giáo. Nhưng khi vở múa đi đến phần “Đêm” lại cho thấy sự chênh vênh của người phụ nữ trong cơn bão đêm bởi sự day dứt, vật vã của những người đàn bà vắng chồng thiếu thốn sự yêu thương. Và vở múa thực sự thăng hoa khi dẫn người xem đến với “Mùa” và “Được mùa” ở hai phần này khán giả đã cảm thấy hưng phấn hơn khi có thể thưởng thức không khí nhộn nhịp của những vũ điệu ngày mùa. Không gian miền quê ở Tây Nam bộ còn hiện khá rõ với hoạt cảnh nam thanh, nữ tú tụ tập hát đối đáp tập thể trong ánh đèn dầu le lói. Bức tranh cuộc sống của người nông dân Nam bộ nói riêng và người Việt Nam nói chung đã được khắc hoạ khá rõ nét và tỉ mỉ.

Đoàn múa Arabesque đã kể cho khán giả một câu chuyện về người nông dân Việt Nam bằng những điệu múa đương đại đặc sắc. Những động tác múa vừa mềm mại vừa khỏe khoắn của các diễn viên trên nền tiếng đàn tranh réo rắt, những câu dân ca quen thuộc, tạo nên bức tranh làng quê bình dị mà đầy sức sống.
 
 
Với những dụng cụ gõ bằng tre, khán giả đã tham gia vào phần thể hiện âm thanh cùng các nghệ sỹ.

Vở múa “Sương sớm” thu hút được sự quan tâm của khán giả trong và ngoài nước.
 
Vở múa “Sương sớm” gần như đã đánh thức mọi giác quan của người xem với mùi sả, hương trầm thoang thoảng lan toả trong không gian nghệ thuật (điều không dễ bắt gặp ở các chương trình biểu diễn) kết hợp với ngôn ngữ cơ thể trên nền âm thanh của làng quê Việt Nam như tiếng dế, gà gáy, đập lúa, guốc đi… cùng với sự tinh tế trong sử dụng ánh sáng đã giúp người xem cảm nhận một cách rõ rệt và gần gũi nhất những nét đẹp văn hoá truyền thống của nông thôn Việt Nam./.
 Bài: Tất Sơn - Ảnh: Tất Sơn, Thanh Giang

Bài: Tất Sơn Ảnh: Tất Sơn - Thanh Giang


Top