Nhìn lại lịch sử Áo dài phụ nữ Việt Nam trong khói lửa chiến tranh

Nhìn lại lịch sử Áo dài phụ nữ Việt Nam trong khói lửa chiến tranh

Tà Áo dài là biểu tượng dịu dàng của người phụ nữ Việt  đã từng nhuốm khói lửa chiến tranh, cùng phụ nữ Việt Nam đi qua những năm tháng gian lao, oanh liệt. Những hình ảnh ấy đang được tái hiện chân thực và cảm động tại Triển lãm chuyên đề "Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh" diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội.

Triển lãm “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh” được Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tổ chức nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Ảnh: Tư liệu

Triển lãm giới thiệu hơn 100 tài liệu, hiện vật và hình ảnh quý giá, kể lại hành trình của tà áo dài trong những giai đoạn lịch sử dân tộc. Từ nơi chiến trường khốc liệt đến các diễn đàn quốc tế, tà Áo dài luôn hiện diện như một chứng nhân sống động cho lòng yêu nước và khí phách kiên cường của người phụ nữ Việt Nam.

Ông Đặng Văn Biểu, Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, chia sẻ: "Triển lãm là một hành trình trở về với ký ức, nơi những hình ảnh xúc động về tà áo dài là  biểu tượng không chỉ của văn hóa mà còn là tinh thần của phụ nữ Việt Nam  được tái hiện qua những năm tháng chiến tranh gian khổ nhưng đầy tự hào."

Sinh viên Đại học Vạn Hạnh tham quan Bảo tàng Quốc gia Việt Nam (1963). Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam


Trong khói lửa chiến tranh, chiếc áo dài tưởng như chỉ mang nét dịu dàng, mềm mại, lại trở thành biểu tượng của sự mạnh mẽ, bản lĩnh và trí tuệ. Giai đoạn 1954–1975, phong trào đấu tranh yêu nước tại miền Nam đặc biệt sôi nổi. Trong đó, hình ảnh những nữ sinh như Hứa Kim Anh, Nguyễn Thị Cúc, Lê Thị Sáu... vẫn kiên cường mặc áo dài khi tham gia biểu tình, hoạt động cách mạng, bất chấp sự đàn áp của chính quyền. Hình ảnh bà Nguyễn Thị Cúc là nữ sinh trường Gia Long buộc vạt áo để trèo tường thoát khỏi vòng vây, hay bà Hứa Kim Anh tham gia bảo vệ quan tài liệt sĩ Lê Văn Ngọc, là minh chứng cho sự dấn thân và quả cảm của phụ nữ Việt trong trang phục truyền thống.




Sinh viên Tô Thị Thủy đang viết biểu ngữ tuyệt thực phản đối chính quyền đàn áp sinh viên, học sinh. Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam

Triển lãm cũng tôn vinh vai trò của nữ luật sư Ngô Bá Thành trong phong trào “Phụ nữ đòi quyền sống” năm 1970. Thường xuyên xuất hiện trong tà áo dài, bà đi vận động các tầng lớp công-nông dân đến tiểu thương, trí thức tham gia phản đối cuộc xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.

Các tiết mục văn nghệ biểu diễn tại triển lãm. Ảnh: Tư liệu
Các tiết mục văn nghệ biểu diễn tại triển lãm. Ảnh: Tư liệu

Đặc biệt, tại triển lãm người xem còn được xem hình ảnh Áo dài không chỉ là trang phục mà còn là tuyên ngôn của phẩm giá, trí tuệ và bản lĩnh của người phụ nữ Việt Nam qua tư liệu bà Nguyễn Thị Bình mặc áo dài đến thăm nước Cộng hòa Dân chủ Đức (1967), trên bàn đàm phán ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973) hay khi chụp cùng bà Nguyễn Thị Định, luật sư Ngô Bá Thành tại kỳ họp Quốc hội khóa VI (1976) tại Việt Nam…

Triển lãm còn giới thiệu nhiều hiện vật thấm đẫm ký ức chiến tranh: từ những lá đơn tình nguyện ra trận, những bức thư gửi về hậu phương, cho đến kỷ vật của các nữ anh hùng liệt sĩ như Đặng Thùy Trâm, Dương Thị Quý.

Cô và trò trường THCS Lý Nam Đế tìm hiểu về lịch sử áo dài qua các thời kì. Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam

Tà Áo dài từng gắn với hình ảnh người mẹ, người chị, người chiến sĩ. Tại triển lãm lại một lần nữa xuất hiện, không chỉ trong bảo tàng, mà trong trái tim những người đang sống như một lời nhắc nhở thiêng liêng về quá khứ và là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam hôm nay./.

Bài: Ngân Hà- Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam & Tư liệu

 


Top