Nhà hát Tuồng Việt Nam đã tổ chức chương trình Khám phá nghệ thuật Tuồng truyền thống vào lịch diễn tại rạp Hồng Hà, Hà Nội. Sân khấu tuồng rạp Hồng Hà đỏ đèn vào thứ 2 và thứ 5 hằng tuần. Đây là sự đổi mới của nhà hát nhằm đưa nghệ thuật Tuồng gần hơn với công chúng trong và ngoài nước.
Đến nhà hát, khán giả có thể lên sân khấu trải nghiệm làm diễn viên tuồng, giao lưu với các nghệ sỹ để cùng chia sẻ những kiến thức về các vở diễn tuồng kinh điển đã từng đi vào lịch sử văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Chương trình Khám phá nghệ thuật tuồng gồm 2 phần. Phần một là tương tác tìm hiểu Nghệ thuật hóa trang Tuồng. Trước giờ biểu diễn, khán giả sẽ được vào phòng trang điểm xem diễn viên kẻ, vẽ mặt nạ Tuồng. Tại đây có hướng dẫn viên phân tích ý nghĩa các nét vẽ, màu sắc theo từng tính cách nhân vật,từng nghệ sĩ tham gia biểu diễn ngồi hóa trang cho khán giả xem. Sự tương tác này mang đến cho khán giả những hiểu biết cơ bản về hóa trang cho các diễn viên tuồng. Từ kẻ lông mày, vẽ mắt cho đến trang điểm toàn bộ khuôn mặt để toát lên cá tính của nhân vật trong từng vở diễn.
Phần hai là chương trình biểu diễn xen lẫn với giới thiệu chi tiết các đặc trưng trong Nghệ thuật Tuồng. Các tiết mục được thể hiện trên sâu khấu là các trích đoạn nổi tiếng của một số vở như: Ông già cõng vợ trẻ đi xem hội, Nhã nhạc cung đình Huế (Đại nhạc), Múa: Lân mẹ đẻ lân con, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Nhã nhạc cung đình Huế (Tiểu nhạc), Nghi Lễ Thờ Mẫu.
Sau mỗi trích đoạn này, khán giả được giới thiệu về nghệ thuật dàn dựng của vở diễn, khán giả có thể giao lưu cùng diễn viên, chia sẻ cảm xúc và được các diễn viên giới thiệu từng chi tiết đặc trưng khi hóa thân vào từng nhân vật, từ cách hát, cách đi, cách múa và cách thể hiện tình cảm của nhân vật khi ở các trạng thái như khóc, cười, đau khổ, vui sướng…
Với cách tổ chức sáng tạo, nghệ thuật, chương trình khám phá nghệ thuật tuồng đã thu hút rất đông khách du lịch và đặc biệt là các bạn trẻ Việt Nam. Chị Nguyễn Ngọc Hân, Phụ trách quan hệ đối ngoại, Phòng tổ chức biểu diễn, Nhà hát tuồng Trung ương cho biết: “Nhà hát Tuồng sẽ đẩy mạnh các hoạt động này hơn nữa để Tuồng không chỉ diễn trong nhà hát mà còn diễn trực tiếp trong các lễ hội cộng đồng và đến với từng học đường”.

Nhà hát Tuồng Việt Nam đã tổ chức chương trình Khám phá nghệ thuật Tuồng truyền thống
vào lịch diễn tại rạp Hồng Hà, Hà Nội. Ảnh: Khánh Long

Trích đoạn trong vở diễn “Ông già cõng vợ đi xem hội” của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam. Ảnh: Khánh Long

Ngoài việc mở các chương trình cho du khách tìm hiểu khám phá tại nhà hát, Nhà hát Tuồng Việt Nam
còn tổ chức các buổi ngoại khóa sân khấu nhỏ tại khu phố cổ trong các ngày cuối tuần
tại tuyến phố đi bộ cho du khách quốc tế. Ảnh: Khánh Long |
Để giới thiệu nghệ thuật Tuồng đến gần hơn với du khách quốc tế, Nhà hát Tuồng Trung ương đã tổ chức Đêm diễn giới thiệu Nghệ thuật Tuồng truyền thống giao lưu với 70 các Đại sứ, Tham tán, Phu nhân, Phu quân của 34 Đại sứ quán tại Hà Nội vào tháng 9 năm 2018. Bà Cáit Moran, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà Ireland chia sẻ tại đêm diễn: “Đây là lần đầu tiên tôi được xem nhiều loại hình sân khấu dân gian độc đáo của Việt Nam. Các nghệ sĩ đã được dẫn dắt chúng tôi theo từng cung bậc cảm xúc thật tuyệt vời và cảm nhận được từng nét văn hoá rất riêng của nghệ thuật Việt Nam”./.
Bài và ảnh: Bích Vân - Khánh Long