Chân dung

Phạm Văn Hòa và cái tình của người lính biển

Trong chuyến hải trình đến với quần đảo Trường Sa vào năm 2014, chúng tôi gặp Thượng tá Phạm Văn Hòa, người đã có hơn 10 năm gắn bó với huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Với anh, huyện đảo Trường Sa đã là xóm làng, là quê hương thứ hai, và những người dân trên đảo chính là những người chòm xóm theo đúng cái nghĩa "tối lửa  tắt đèn có nhau" của anh.
Thượng tá Hòa sinh năm 1963, quê ở Hà Tĩnh. Anh gắn bó với đảo Trường Sa Lớn từ năm 2003 với chức danh Đảo phó phụ trách quân sự. Sau đó, anh chuyển sang làm nhiệm vụ trên đảo Song Tử, Sơn Ca rồi lại trở về làm Chỉ huy đảo kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa. Hơn 10 năm kinh nghiệm, gắn bó với nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa, anh đã giải quyết tốt mọi công việc theo đúng quy trình với tinh thần xây dựng và phát triển.

Khi quyết định đến vùng 4 Hải quân làm nhiệm vụ, Thượng tá Phạm Văn Hòa đã kết hôn với người con gái nông thôn chân chất, hiền hòa là Bùi Thị Bình. Từ khi anh đi công tác ở Trường Sa, chị Bình một mình thầm lặng cáng đáng chuyện gia đình, nuôi dạy con cái, lo lắng việc nội ngoại hai bên. Thượng tác Hòa tâm sự: "Trước đây, khi chưa có mạng thông tin, việc liên hệ với gia đình rất khó khăn. Vợ tôi vất vả chăm sóc hai con, lo chu toàn việc nội ngoại nên tôi cứ phải viết thư động viên. Từ khi có mạng điện thoại ở Trường Sa, thông tin liên lạc với người thân dễ dàng nên tinh thần người ở đảo cũng được cải thiện rất nhiều”.



Thượng tá Phạm Văn Hòa, người đã có hơn 10 năm gắn bó với Trường Sa.


Thượng tá Phạm Văn Hòa chỉ huy Lễ chào cờ thiêng liêng trên đảo Trường Sa Lớn.


Là người chỉ huy, anh luôn quan tâm đến đời sống
cũng như công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của anh em chiến sĩ cấp dưới.


Thượng tá Phạm Văn Hòa cùng cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn gói bánh chưng đón Tết Ất Mùi (2015).


Anh cẩn thận chăm sóc từng gốc cây bàng vuông để tạo thêm màu xanh cho đảo.


Anh luôn cởi mở, gần gũi với mọi người dân trên đảo.


Giản dị trên cương vị Chủ tịch UBND Thị trấn Trường Sa.

Đối với những ai đã một lần ra thăm đảo Trường Sa Lớn
đều không thể quên được nụ cười và tình cảm của người đảo trưởng nơi tiền tiêu của Tổ quốc
.


Đảo Trường Sa Lớn, quê hương thứ hai của thượng tá Phạm Văn Hòa.

Thượng tá Hòa có hai con trai, con trai lớn là Phạm Dũng Nhi, sinh năm 1993, hiện đang học năm 4 trường Đại học Y Huế. Con trai thứ tên Phạm Hồng Vương, sinh năm 1995 nhưng từ bé đã đeo đuổi giấc mơ làm “lính xanh” như bố.

Trong chuyến tàu HQ 561 đầu năm Ất Mùi (2015), Hồng Vương đã hân hoan lên đường nhận nhiệm vụ trên đảo Song Tử. Trong tâm khảm, Thượng tá Phạm Văn Hòa muốn con tự vận động và trưởng thành. Anh giản dị nói với vợ: “Em hãy xem anh như một người nông dân bình thường và hãy yên tâm để con trai ra đảo làm nhiệm vụ”. Anhtin con mình sẽ trưởng thành, sẽ nối nghiệp cha trở thành một người lính bảo vệ vùng biển đảo thân thương mà anh đã dành gần nửa đời người cống hiến.

Thượng tá Phạm Văn Hòa nhận nhiệm vụ ở đảo Trường Sa Lớn là đảo có dân sinh sống, nên ngoài hoạt động sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển đảo, anh còn quan tâm đến vấn đề xây dựng đời sống cho cư dân trên đảo. Bên cạnh việc làm tốt công tác chính sách đền ơn đáp nghĩa, anh còn quan tâm giúp đỡ gia đình cán bộ, công chức, nhân dân an tâm sinh sống trên đảo, tạo ra không khí thân tình, gần gũi, ấm cúng và đoàn kết như ở đất liền. Đồng thời, anh đẩy mạnh các hoạt động khám chữa bệnh, khuyến khích các cháu học sinh chăm ngoan học giỏi, động viên chị em phụ nữ thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình. Anh mong muốn quần đảo Trường Sa sẽ phát triển toàn diện, có môi trường trong sạch, lành mạnh…để Trường Sa sớm trở thành điểm đến du lịch của Việt Nam.

Hơn mười năm gắn bó với nhiều đảo ở Trường Sa, Thượng tá Hòa chỉ được về quê ăn Tết hai lần. Là chỉ huy trưởng, anh góp phần lớn công sức tạo sắc xuân cho cán bộ, chiến sĩ với những bữa cơm tất niên có hương vị quê nhà với thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh. Thượng tá Hòa thấu hiểu và thông cảm với các chiến sĩ nơi đảo xa có những mảnh đời khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, vì thế anh luôn thăm hỏi, động viên, tạo điều kiện hướng nghiệp cho các chiến sĩ sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền. Với ngư dân hoạt động đánh bắt ở Trường Sa, anh luôn động viên, giúp đỡ ngư dân lúc gặp khó khăn, hoạn nạn trên biển.

Nói về người đồng chí của mình, Trung tá Nguyễn Văn Tuấn, Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn cho biết: “Thượng tá Phạm Văn Hòa là người có bản lĩnh và năng nổ nhiệt tình trong công việc. Anh luôn cởi mở, gần gũi và là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ và cư dân trên đảo”./.

 
Bài và ảnh: Đặng Kim Phương
 

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Trong số khoảng 100 nữ quân nhân được Việt Nam cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thượng tá Nguyễn Thị Liên là người hai lần được cử đến Châu Phi. Không chỉ giỏi về chuyên môn, chị còn nhiệt tình, sáng tạo trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân nên đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng các đồng nghiệp quốc tế và người dân địa phương.

Top