Câu chuyện “hiện tượng” sân khấu Lệ Ngọc
Vài năm trở lại đây, có một sân khấu kịch mà ở đó, mỗi khi có vở diễn mới, khán giá luôn chật kín khán phòng, thậm chí còn cháy vé. Đây là một “hiện tượng” hiếm hoi đối với một sản phẩm văn hóa truyền thống vốn đã đánh mất vị thế, chỗ đứng trong lòng khán giả. Sân khấu Lệ Ngọc (do NSND Lệ Ngọc thành lập), sân khấu xã hội hóa đầu tiên của miền Bắc, đã trở thành điểm sáng cho hy vọng khôi phục một sản phẩm văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc Việt.
“Hiện tượng” sân khấu Lệ Ngọc
Năm 2019, sân khấu Lệ Ngọc ra mắt vở “Chí Phèo và Thị Nở”, vở diễn đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả với hơn 100 đêm diễn kín vé. Đặc biệt, cũng trong năm này, vở diễn tiếp tục được công diễn tại Nhà hát Ghione của Ý, đánh dấu hành trình đưa nghệ thuật kịch Việt Nam đến trời Âu.
Hai năm sau đó, năm 2021, hai vở diễn khác của sân khấu Lệ Ngọc - “Dế Mèn” và “Làm Vua” - cũng trở thành thành “hiện tượng” sân khấu khi có hơn 20 đêm diễn liên tục không một hàng ghế trống. Đặc biệt, năm 2023 ghi nhận có nhiều vở diễn nhất của sân khấu Lệ Ngọc được đưa đi dự thi và tham gia các hoạt động nghề nghiệp ở nước ngoài. Cụ thể, các vở "Ngũ biến" và "Dế Mèn" tham gia "Tuần lễ Liên hoan văn hóa Phi vật thể Trung Quốc - ASEAN (diễn ra tại Nam Ninh); vở "Đám cưới con gái chuột" tham dự "Liên hoan Văn học Thiếu nhi Châu Á (AFCC) 2023" tại Singapore; vở diễn "Lá đơn thứ 72" và "Lôi Vũ" tham gia kỷ niệm 10 năm Tuần lễ Văn hóa Asean - Trung Quốc (Nam Ninh) và giành được Huy chương Vàng.
Vở kịch “lá đơn thứ 72” - một tác phẩm kinh điển của sân khấu Lệ Ngọc đã từng giành vô số giải thưởng tại các liên hoan, hội diễn trong nước, quốc tế - vừa hoàn thành đêm diễn thứ 140 . Đây là con số kỷ lục trong bối cảnh khó khăn chung của sân khấu hiện nay.
Tháng 4/2024, vở kịch này được công diễn tại nước bạn Lào. Suốt hai ngày sáng đèn công diễn tại thủ đô Vientiane, vở kịch đã thu hút hàng ngàn khán giả, mở ra kỳ vọng về trình diễn nghệ thuật sân khấu Việt Nam cho các khán giả ở Đông Nam Á.
Giải mã hiện tượng
Sân khấu Lệ Ngọc là mô hình sân khấu xã hội hóa đầu tiên tại Hà Nội. Những năm gần đây, khi các nhà hát công lập gặp nhiều khó khăn, thì sân khấu Lệ Ngọc vẫn luôn cháy vé với mật độ lịch diễn dày đặc.
Sân khấu Lệ Ngọc được thành lập từ năm 2013 với tên gọi ban đầu là Câu lạc bộ sân khấu Lệ Ngọc trực thuộc Nhà hát kịch Việt Nam. Đến năm 2016, NSND Lệ Ngọc nghỉ hưu, CLB sân khấu Lệ Ngọc được tách ra thành một sân khấu riêng, trở thành sân khấu kịch xã hội hóa đầu tiên tại miền Bắc dưới sự bảo trợ của Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam và Hiệp Hội văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.
Là người tiên phong xã hội hoá sân khấu kịch tại mảnh đất mà khán giả chưa có thói quen bỏ tiền ra để mua vé, đặc biệt lại là loại hình sản phẩm văn hoá mà trước đó đã bị khán giả quay lưng, NSND Lệ Ngọc đã gặp không ít khó khăn trong giai đoạn đầu này.
Hai vấn đề đầu tiên mà NSND Lệ Ngọc phải thay đổi để bán được vé cho các sản phẩm kịch đó là nghiên cứu lại thị hiếu của khán giả hiện nay, từ đó tìm cách “làm mới một sản phẩm cũ” sao cho phù hợp với nhu cầu thưởng thức. Nói theo ngôn ngữ kinh doanh, NSND Lệ Ngọc tìm cầu để tạo cung phù hợp với phương châm “luôn bám chặt khán giả”.
“Chúng tôi không đứng yên đợi khán giả. Khán giả bây giờ, nhất là đối với người trẻ có quá nhiều thứ thu hút, vì vậy để họ quan tâm đến những giá trị đã cách xa họ cả thế kỷ là điều không dễ dàng,” NSND Lệ Ngọc chia sẻ.
Dành thời gian nghiên cứu thị trường, NSND Lệ Ngọc nhận thấy, với các loại hình giải trí phát triển như thời đại ngày nay, cái khán giả cần là một món ăn tinh thần đơn giản nhưng phải tinh tế. Đây là một thách thức bởi lối mòn rườm rà, màu mè làm thiếu đi những giá trị tinh tế vẫn tồn tại như một đặc trưng của kịch truyền thống. Để giải quyết được thách thức này, sân khấu Lệ Ngọc “phải kể chuyện cũ theo cách mới”.
“Cách mới” đầu tiên sân khấu Lệ Ngọc đã làm đó là làm mới kịch bản cũ, thể hiện được nét đương đại trong các kịch bản dân gian được lựa chọn. Sau kịch bản mới, là phải tìm được một ekip với tư duy đổi mới và sáng tạo, đó là đạo diễn mới, diễn viên mới,… và cả người trưởng ekip cũng luôn luôn phải đổi mới.
Ví dụ như vở “Làm vua” hay “Huyền tích chùa Một Cột”, vẫn nói về những nhân vật lịch sử như Dương Vân Nga, Đinh Bộ Lĩnh… nhưng sân khấu Lệ Ngọc đã đưa vào đó những thông điệp thời sự, những triết lý sâu sắc, “lấy xưa nói nay” để làm sao người xem không có cảm giác “kịch”.
Bên cạnh những vở diễn phục vụ khán giả lớn tuổi, tính giáo dục là điều mà sân khấu tư nhân này luôn đặt lên hàng đầu. Kết hợp đối mới tư duy với yếu tố giáo dục, việc truyền tải thông điệp qua từng vở diễn đến trẻ em trở nên dễ dàng hơn. Phục vụ thiếu nhi để nuôi dưỡng thế hệ khán giả cho sân khấu kịch trong tương lai là sứ mệnh mà NSND Lệ Ngọc cùng sân khấu mang tên bà luôn hướng đến trong hành trình tìm lại khán giả cho sân khấu kịch Việt Nam.
Con đường tiên phong tuy không hề dễ đi, nhưng với tầm nhìn và chiến lược phù hợp, đến nay sân khấu Lệ Ngọc đã trở thành một thương hiệu sân khấu luôn đỏ đèn và cháy vé mỗi khi có lịch công chiếu một vở diễn./.
- Bài: Thảo Vy/Báo ảnh Việt Nam
- Ảnh: Việt Cường & Tư Liệu NVCC