Chân dung

PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh - nhà khoa học nữ đầu tiên nhận Huy chương Pushkin

Là đại diện duy nhất của Việt Nam đồng thời là nhà nữ khoa học đầu tiên vinh dự nhận giải thưởng Huy chương Pushkin, do đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin trao tặng tại Điện Kremlin năm 2017, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh là người có nhiều đóng góp trong việc củng cố tình hữu nghị, hợp tác giữa hai dân tộc.
Hơn 60 năm về trước, PGS.TS Nguyễn Tuyết Minh khi mới là cô bé mới 17 tuổi đã vinh dự có mặt trong danh sách 100 học sinh Việt Nam đầu tiên được Bác Hồ cử sang Liên Xô học tập.

Sau hơn một năm rưỡi học tiếng Nga, bà theo học tại Trường ĐH Sư phạm Lênin ở Matxcova. Đây là khởi đầu quan trọng trong quá trình phấn đấu và rèn luyện để trở thành một trong các nhà khoa học đầu ngành Nga ngữ học và Từ điển học Việt Nam sau này.

Năm 1961, sau khi tốt nghiệp loại giỏi, PGS.TS Tuyết Minh về nước và  tham gia giảng dạy ở Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Sau đó, bà được chuyển sang làm giảng viên tại Ban tiếng Nga, Khoa ngoại ngữ Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ. Việc trở thành giảng viên giảng dạy ở cả hai bộ môn ngữ văn và tiếng Nga như PGS.TS Tuyết Minh chia sẻ là nền tảng giúp bà có đủ vốn ngôn ngữ tham gia vào công trình từ điển Việt Nga đồ sộ sau này.



PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh (thứ hai bên trái ảnh) được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm của Người đến Liên Xô. Ảnh: TLNVCC


PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh (thứ năm bên phải ảnh) cùng các nhà khoa học
được nhận giải thưởng Pushkin năm 2017 
chụp ảnh cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TLNVCC


PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh (thứ hai bên trái) chụp ảnh kỷ niệm cùng các học sinh Việt Nam xuất sắc được cử sang Liên Xô học năm 1961. 
Ảnh: TLNVCC

Năm 1986, PGS-TSKH Nguyễn Tuyết Minh được mời tham gia làm bộ Đại từ điển Việt Nga. Đây là công trình hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (nay là Viện Hàn Lâm Khoa học Liên bang Nga) và Ủy ban Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

Sau gần 20 năm cộng tác cùng các đồng nghiệp bên Nga, cuối năm 2012, PGS.TS Nguyễn Tuyết Minh cùng tập thể các nhà khoa học Nga - Việt đã cho ra mắt cuốn Đại từ điển Việt - Nga với hơn 8 vạn từ, trong đó bà là một trong hai biên tập viên chính.


PGS. TSKH Nguyễn Tuyết Minh hiện là cố vấn khoa học của Phòng đọc Thế giới Nga thuộc Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Bà nguyên là Phó Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Tuyết Minh sau đó tiếp tục tham gia công trình hợp tác giữa Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Việt Nam (nay là Bộ Giao dục và Đào tạo) với Bộ Đại học Nga về biên soạn bộ giáo trình tiếng Nga.

Cái tên "Bà Liên Xô" cũng được ra đời từ khi PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh cùng các cộng sự cho ra đời cuốn từ điển đồ sộ này, một cách gọi tôn trọng và dí dóm của mọi người với những kiến thức uyên bác về ngôn ngữ Nga của bà.

Là một giảng viên, điều đặc biệt trong cách giảng dạy và truyền đạt ngôn ngữ tiếng Nga của PGS.TS Nguyễn Tuyết Minh đến với các thế hệ học sinh người Việt là “học ngôn ngữ song hành với văn hóa”. Bà đã không chỉ có cách dạy tiếng Nga hiệu quả mà còn truyền đạt đến các thế hệ người Việt về một nền văn hóa vĩ đại. “Ngôn ngữ một nước phản ánh văn hóa nước đó”, PGS.TS Nguyễn Tuyết Minh chia sẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Tuyết Minh, bà đã ngấm những phẩm chất tốt đẹp của con người Nga từ khi nào không hay. Chỉ biết rằng, khi tiếp xúc với bà, mọi người đều chung một cảm nhận về một con người “cởi mở, thân thiện, thẳng thắn và chân thành”. 



PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh là đại diện duy nhất của Việt Nam đồng thời là nhà nữ khoa học đầu tiên vinh dự nhận Giải thưởng Pushkin.


Huy chương Pushkin do đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin trao tặng 
PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh.


PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh cùng từ điển Việt - Nga hơn 8 vạn từ, một trong những cuốn từ điển đồ sộ nhất về tiếng Nga.


Những kỷ vật thời học ở Liên Xô hơn 50 năm về trước 
vẫn được PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh lưu giữ.

Hiện nay, khi đã ngoài bát tuần tuổi, PGS.TS Nguyễn Tuyết Minh vẫn tiếp tục công việc viết và dịch sách. “Còn sống thì còn làm việc”, "Bà Liên Xô" đã chia sẻ về quan điểm sống đã học được của người Nga.

Theo đó, bà cũng đưa ra những lời khuyên với những thế hệ sau này đã và đang học tiếng Nga, đó là “Học tiếng Nga không chỉ đơn thuần giúp mình biết thêm một ngôn ngữ mới mà môn này còn tạo cho mình một tư duy chặt chẽ, chính xác và vốn hiểu biết con người, văn hóa cũng như nền khoa học tiên tiến của họ”. Theo PGS.TS Nguyễn Tuyết Minh, tiếng Nga cũng là một trong năm ngoại ngữ quốc tế, đo đó rất nên học.

Dù không dễ để học tốt nhưng cũng đừng nản chí và với quan điểm “cứ đi rồi khắc đến, cứ làm rồi sẽ được”, bà Liên Xô đã truyền cảm hứng vào bao thế hệ học trò muốn theo đuổi tiếng Nga và tìm hiểu về một trong những nền văn hóa vĩ đại của nhân loại.

“Sự vượt qua khó khăn khi học tiếng Nga không chỉ hoàn thiện bản thân mà còn là việc đem kiến thức xây dựng đất nước cũng như mối quan hệ hai nước Việt - Nga. Đó là việc rất nên làm của thế hệ trẻ những người yêu tiếng Nga”, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh khẳng định./.


Theo Sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga số 475 ký ngày 9-10-2017 “Về trao tặng các giải thưởng Nhà nước của Liên bang Nga”, công dân Việt Nam được vinh dự nhận Huy chương Pushkin là bà Nguyễn Tuyết Minh - Cố vấn khoa học của Phòng đọc Thế giới Nga thuộc Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ứng viên nhận Huy chương Pushkin gồm công dân Nga và nước ngoài có thành tích nổi bật trong lĩnh vực văn hóa, văn học và giáo dục. Đã có hơn 900 người đến từ 90 quốc gia, trong đó có 12 nguyên thủ được trao tặng Huy chương Pushkin.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường và Tư liệu NVCC

Đại sứ Nguyễn Phương Nga và câu chuyện đối ngoại nhân dân trong thời đại mới

Đại sứ Nguyễn Phương Nga và câu chuyện đối ngoại nhân dân trong thời đại mới

Đại sứ Nguyễn Phương Nga là nữ Thứ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam và là Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam (VUFO) khóa V (2013-2018). 35 năm công tác trong ngành ngoại giao và đối ngoại nhân dân, Đại sứ Nguyễn Phương Nga đã có nhiều đóng góp tích cực cho nền ngoại giao Việt Nam.

Top