Chân dung

NSƯT Trần Ly Ly - người nghệ sĩ cháy hết mình cho múa đương đại Việt Nam

Với những đóng góp và dấu ấn đặc biệt trong Ballet và múa đương đại Việt Nam, Trần Ly Ly đã trở thành nữ giám đốc đầu tiên trong lịch sử 60 năm Nhà hát nhạc vũ Kịch Việt Nam và cũng là người phụ nữ nằm trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019, do tạp chí Forbes bình chọn ở lĩnh vực truyền thông - sáng tạo.
Vốn là “con nhà nòi”, mẹ là diễn viên múa ballet, Trần Ly Ly bắt đầu học múa chuyên nghiệp khi mới 10 tuổi.  Năng khiếu bẩm sinh của Ly Ly được bộc lộ khá sớm. Cô có niềm đam mê đặc biệt với các động tác hình thể, khiến những người thân xung quanh có cảm giác “Ly Ly còn thích múa hơn cả mẹ của mình”.
 
Minh chứng cho điều này, đó là từ khi còn học trung học cơ sở, Ly Ly đã đoạt tận hai giải tài năng múa trẻ toàn quốc vào năm 1992 và năm 1994. Đây là thành tích mà ít nghệ sỹ múa trẻ nào có được.
 
Sau 8 năm đào tạo chuyên nghiệp về múa, Ly Ly giành ngôi vị thủ khoa của Khoa Sáng tác Múa, ĐH Sân khấu Điện ảnh. Thế nhưng, chưa kịp nhập trường, cô gái 19 tuổi Trần Ly Ly đã xuất ngoại học múa theo một chương trình học bổng của ĐH Công nghệ Queensland (Australia).
 



Biên đạo múa Trần Ly Ly tại buổi họp báo chương trình múa đương đại 2019. Ảnh: Trần Thanh Giang


NSƯT Trần Ly Ly được vinh danh trong chương trình bình chọn của tạp chí Forbes ở lĩnh vực truyền thông - sáng tạo. Ảnh: Tạp chí Forbes

Sau 7 năm học tập và làm việc tại Australia, Pháp, năm 2003, mặc dù được giữ lại và có rất nhiều cơ hội để toả sáng ở trời Tây, Trần Ly Ly vẫn quyết định mang hoài bão lập nghiệp về nghệ thuật múa cống hiến cho quê hương.
 

“Không biết bạn là người nước nào, nhưng khi ra sân chơi chung của thế giới, thì mình phải nói ngôn ngữ của họ. Chứ không thể bảo mình nói tiếng Việt và bắt họ phải hiểu tiếng của mình”.
Biên đạo múa Trần Ly Ly
Sau 3 năm trở về quê hương, Trần Ly Ly đã gây ấn tượng mạnh khi cho ra đời vở diễn lớn đầu tiên của mình là “One day” (năm 2006). “One day” đã thành công ngoài mong đợi, là vở múa lớn đầu tiên khẳng định dấu ấn của Trần Ly Ly. Vở diễn cũng đã được lựa chọn là đại diện của Việt Nam để biễu diễn trong sự kiện Những ngày châu Âu tại Việt Nam (năm 2006).
 
Những vở diễn sau đó tiếp tục tạo được tiếng vang như: “Living in the box” (năm 2008); “Zen” và “7X” (năm 2012); “yes yes no no” (sắc sắc không không) lần 2 (năm 2016),…
 
Cuối năm 2018, Trần Ly Ly rời vị trí Phó Hiệu trưởng Trường Múa Tp. Hồ Chí Minh ra Hà Nội đảm nhận vai trò Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam (VNOB). Chị trở thành nữ giám đốc đầu tiên trong 60 năm lịch sử VNOB. Trong vai trò mới, Ly Ly cho biết, việc tạo dấu ấn không còn là của cá nhân, mà là của cả tập thể VNOB.
 
Bởi vậy, trong năm 2019, Ly Ly đã đặt ra tham vọng tạo dấu dấn và bước chuyển rõ rệt nhân dịp kỷ niệm 60 năm VNOB với một số chương trình lớn được dàn dựng như: vở ballet Hồ Thiên nga, opera Người tạc tượng và một số chương trình hỗn hợp theo phong cách các nhà hát nhạc vũ kịch lớn trên thế giới./.
 




NSƯT Trần Ly Ly chỉ đạo các nghệ sĩ từng điệu múa trong các buổi tập... Ảnh: Trần Thanh Giang

... và trao đổi thẳng thắn về công việc với các đồng nghiệp. Ảnh: Trần Thanh Giang


NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ kinh nghiệm với các nghệ sĩ múa trẻ. Ảnh: Trần Thanh Giang


NSƯT Trần Ly Ly trong một buổi duyệt chương trình chuẩn bị đi biểu diễn ở nước ngoài. Ảnh: Trần Thanh Giang

“Nghệ thuật Việt Nam có khá nhiều nghệ sĩ, có khá nhiều giáo sư nhưng vừa nghệ sĩ vừa giáo sư như Trần Ly Ly thì khó vô cùng và hiếm vô cùng… Trần Ly Ly nhìn đâu cũng thấy múa. Đến mức độ một con dao hay một cái thớt muốn học ba lê hay học múa hiện đại, nàng cũng thấy bình thường. Tất cả mọi tình cảm, mọi suy nghĩ trong con người đều được Ly Ly quy ra động tác. Trong mắt nàng, mọi người đều chuyển động và nếu đứng im thì sắp sang bài múa khác mà thôi…”.
Đạo diễn Lê Hoàng
 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Thanh Giang và Tư liệu.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga và câu chuyện đối ngoại nhân dân trong thời đại mới

Đại sứ Nguyễn Phương Nga và câu chuyện đối ngoại nhân dân trong thời đại mới

Đại sứ Nguyễn Phương Nga là nữ Thứ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam và là Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam (VUFO) khóa V (2013-2018). 35 năm công tác trong ngành ngoại giao và đối ngoại nhân dân, Đại sứ Nguyễn Phương Nga đã có nhiều đóng góp tích cực cho nền ngoại giao Việt Nam.

Top