Chân dung

NSND Lương Đức – “Ông vua” phim khoa học

Ông được biết đến là người đưa thể loại phim khoa học ở Việt Nam lên một tầm mới. Dòng phim khoa học vốn dĩ rất khô khan đã được ông làm “mềm hóa” bằng tài năng và tâm hồn của một nghệ sỹ lớn. Ông chính là NSND Lương Đức.
Nếu không có dịp may mắn được tác nghiệp cùng ông trong sự kiện “725 năm chiến thắng Bạch Đằng”, có lẽ tôi sẽ không tin vào những lời người khác nói về ông: dân dã, dí dỏm, không kiểu cách, từ vóc dáng cho đến giọng nói đặc sệt một lão nông quê xứ Thanh. Trong đời sống, ông cố gắng đơn giản hóa mọi việc nhưng trong công việc ông lại vô cùng khắt khe, cặn kẽ, chính xác và nghiêm túc. Có lẽ chính sự trái ngược tính cách trong đời sống riêng tư và trong công việc đã làm lên một Lương Đức khác biêt, một “ông vua” trong việc “nghệ thuật hóa” phim khoa học. Đặc trưng rõ nét nhất của những bộ phim khoa học mang thương hiệu Lương Đức đó là sự hóm hỉnh, dân dã, mềm mại nhưng vẫn tuyệt đối đảm bảo sự chính xác trong lý giải các vấn đề khoa học.
 

NSND Lương Đức (Tháng 4/2013).
 

NSND Lương Đức kiểm tra một góc đặt máy quay.


NSND Lương Đức chỉ đạo ê kíp làm phim.


Ông luôn chỉ đạo và theo sát từng góc máy quay.


NSND Lương Đức cùng nhóm làm phim kỷ niệm 725 năm chiến thắng Bạch Đằng.


NSND Lương Đức trong quá trình làm hậu kỳ cho phim.
 
Nhìn dáng đi nhanh nhẹn, linh hoạt cùng với sự chuẩn chỉ, chính xác trong công việc, không ai ngờ rằng ông lão đã ở cái tuổi ngoài thất tuần. Một cái tuổi đáng lẽ ra phải được nghỉ ngơi nhưng ông vẫn xông pha ra phim trường, vẫn trực tiếp đi quay phim, chỉ đạo ở khắp nơi, khắp các địa hình từ miền núi cho đến miền biển. Minh chứng gần đây nhất đó là ông vừa mới hoàn thành dự án phim kỷ niệm 50 năm thành lập cho tỉnh Quảng Ninh hồi cuối tháng 10/2013.

Xem lại đoạn phim tư liệu mà đồng nghiệp ông đã quay trong quá trình đi làm phim, hình ảnh một ông lão đã hơn 70 tuổi vẫn vác trên vai chiếc máy quay ngoại cỡ, dưới chân đi đôi dép cao su, đang leo lên đỉnh một ngọn đồi để lấy một cảnh quay toàn cảnh, khiến tôi vô cùng cảm phục và ấn tượng.

Hơn 40 năm trong nghề, ông đã lặn lội khắp xứ Đông Dương và khắp các châu lục: châu Á, châu Âu, châu Úc, châu Mỹ… Còn ở Việt Nam, có lẽ không có nơi nào trên đất nước không có dấu chân của ông.

Trong thời gian du học ở Đức về chuyên ngành quay phim, NSND Lương Đức đã chọn cho mình dòng phim khoa học để theo đuổi. Bởi theo ông, thứ nhất dòng phim khoa học ở Việt Nam lúc bấy giờ gần như chưa hình thành, thứ hai quan trọng hơn cả là đó là xuất phát từ việc người dân Việt Nam lúc đó còn rất ấu trĩ về phim khoa học và lạc hậu về khoa học kỹ thuật. NSND Lương Đức nhớ lại động lực thúc đẩy ông dấn thân vào dòng phim khoc học: “Tôi luôn trăn trở, day dứt, lý do dân mình còn nghèo khổ là lạc hậu. Mà lý do lạc hậu là không có khoa học kỹ thuật, không có thông tin, không có kiến thức. Đây là những vấn đề mà phim khoa học sẽ làm được. Bởi vậy, phim khoa học đối với dân ta là vô cùng cần thiết và nhất định phải làm”.

Chính động lực là làm thế nào để giải phóng người dân thoát khỏi sự lạc hậu, nghèo nàn, sự khó khăn vất vả trong đời sống đã đưa NSND Lương Đức đến với dòng phim khoa học. Sẵn có trong người sự đam mê nghề nghiệp, cùng với tính cầu toàn và tác phong làm việc mà ông học được của người Phương Tây, ông đã bắt tay vào làm những bộ phim khoa học đầu tiên trong vai trò vừa là người quản lý xưởng phim khoa học, vừa là biên kịch, đạo diễn, quay phim, viết lời bình…
 

NSND Lương Đức với các bạn bè và đồng nghiệp.


NSND Lương Đức trao đổi ý tưởng làm phim với nhà văn hóa Hữu Ngọc.


NSND Lương Đức là người đọc nhiều, bởi nó giúp ông có thêm kiến thức cho nghề làm phim.


Thú vui lúc rảnh rỗi của ông là được tự tay chăm sóc mảnh vườn nhỏ của gia đình.

Nhắc đến con số hơn 50 bộ phim khoa học mà NSND Lương Đức đã thực hiện, đứa con tinh thần mà ông nhớ nhất chính là phim “Chú ý thuốc trừ sâu”. Bởi không chỉ vì đây là bộ phim đoạt giải vàng, làm trong điều kiện khó khăn mà vì bộ phim này ông tự mình làm diễn viên trong những cảnh quay do chính ông vừa đạo diễn, vừa quay phim. Nhưng tất cả những cái đó vẫn chưa phải là điều ông ấn tượng nhất. Với ông, hiệu quả và tác dụng của bộ phim khoa học đó với đời sống, nhận thức của người dân mới là quan trọng nhất. Đây là bộ phim đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức cũng như hành vi của người dân vùng nông thôn với thuốc trừ sâu. Trước khi bộ phim của ông được chiếu, người dân không có kiến thức về thuốc trừ sâu. Bởi vậy, từ trẻ con, thanh niên, người già… vẫn coi đây như một thứ vô hại, sử dụng tùy tiện dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.

Làm phim khoa học không chỉ đòi hỏi sự mẫn cảm tinh tế của người nghệ sỹ, mà còn phải có cả khả năng tư duy của một nhà khoa học. Theo NSND Lương Đức, điều kiện tiên quyết nhất của một bộ phim khoa học là tính khoa học. Có nghĩa là thông qua 1 bộ phim, người xem phải hiểu được một vấn đề khoa học, nâng cao được nhận thức và sự hiểu biết của họ với vấn đề khoa học đó. Và với sứ mệnh, góp phần bồi bổ tri thức, mở mang kiến thức cho mọi người, do đó mỗi bộ phim khoa học ông làm, ông đều dựa và đem vào đó một cơ sở thực tiễn gần gũi với đời sống.

Để làm được điều đó, ông đã vận dụng một cách sáng tạo những biểu hiện ngôn ngữ của các loại hình nghệ thuật phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình để xây dựng những bộ phim khoa học có sức hấp dẫn và lôi cuốn người xem. Phim khoa học của ông luôn có phong cách thể hiện phóng khoáng, giàu chất thơ, đậm chất trữ tình nhưng vẫn luôn đảm bảo tính khoa học.

Ông là người tạo nền móng đầu tiên cho việc “nghệ thuật hóa” phim khoa học ở Việt Nam để phù hợp với xu thế phát triển của phim khoa học trên thế giới.Từ đó tạo nên bước phát triển mới trong thể loại phim khoa học Việt Nam, phong phú về đề tài và đa dạng về thể loại, góp phần mở đường cho phim khoa học Việt Nam tiếp cận với quốc tế./.

 
NSND Lương Đức nguyên là Xưởng trưởng Xưởng phim khoa học Trung ương. Ông là tác giả của hơn 50 phim khoa học, 7 phim tài liệu và 4 tập phim truyện video Bỉ vỏ. Năm 1997, ông được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Ông đã đạt các giải thưởng: Hai Bông sen vàng cho các phim: Chú ý thuốc trừ sâu và Đất tổ ngàn xưa; Bảy Bông sen bạc cho các phim: Cá mè đẻ nhân tạo, Chớ coi thường, Hóc đường thở, Vì âm thanh cuộc sống, Học văn học vần, Cá trôi Ấn, Sơn mài Việt Nam; Giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho phim Chú ý thuốc trừ sâu; Hai giải Quay phim xuất sắc nhất cho phim Vì âm thanh cuộc sống, Cá trôi Ấn; Cánh diều Bạc cho phim Noi theo đạo nhà; Giải đặc biệt cho phim: Đất Hạ Long tại LHPQT Matxcơva; Đoạt giải Báo chí quốc tế tại LHP báo chí Vác-xô-vi năm 1971.
 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Thanh Giang

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Trong số khoảng 100 nữ quân nhân được Việt Nam cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thượng tá Nguyễn Thị Liên là người hai lần được cử đến Châu Phi. Không chỉ giỏi về chuyên môn, chị còn nhiệt tình, sáng tạo trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân nên đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng các đồng nghiệp quốc tế và người dân địa phương.

Top