Nghệ thuật

Những thú vị từ hiện thực

Với hơn 70 tác phẩm trên các chất liệu sơn dầu, mầu nước, acrylic cùng sự chuẩn bị kỹ càng, công phu đầy tâm huyết hết, 14 thành viên của nhóm Hiện thực mong muốn mang đến cho công chúng yêu nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh những cảm nhận thú vị trên điểm tựa hiện thực. 
Hiện thực là cái hiện hữu mà nhờ vào đấy người ta mới có thể sống, cảm nhận và tư duy được. Từ cảm hứng đó, các họa sỹ Lê Thế Anh, Nguyễn Văn Bảy, Phạm Bình Chương, Phạm Minh Đức, Mai Duy Minh, Nguyễn Đinh Duy Quyền, Nguyễn Lê Tân, Trịnh Minh Tiến, Nguyễn Văn Toán, Đoàn Văn Tới, Lê Cù Thuần, Lưu Tuyền, Trần Thức và Vũ Ngọc Vĩnh đã có khoảng trời sáng tạo riêng để làm nên dấu ấn chung.
  
Họa sỹ Phạm Bình Chương vốn được biết đến là họa sỹ tiên phong vẽ về phố Hà Nội với bút pháp tả thực. Tham gia triển lãm của nhóm Hiện thực lần này, anh mang đến cho khán giả Sài Gòn những góc phố tiêu biểu nhất của Hà Nội. Sự tiêu biểu ấy không hẳn nằm ở địa danh, tên phố, tên đường... mà hơn cả là ở “trạng thái phố”, “tâm tình phố”... Ta có thể cảm nhận được sự nồng nàn của phố Hà Nội trong tranh anh với những khoảnh khắc giản dị của vạt nắng sớm, của một tán bàng xanh non mắt lá hay của dáng mẹ hiền bên gánh hàng xén thân quen. Cái chất Hà Nội phố khiến ai đi xa cũng nhớ ấy là một thế mạnh trong tranh anh mà chỉ người trải nghiệm, sinh ra từ phố, yêu phố cháy lòng... như anh mới diễn tả trúng, đúng và tinh tế được.

Cùng vẽ về phố, nhưng họa sỹ Phạm Minh Đức lại khai thác đề tài các con hẻm (kiệt) của Hội An. Anh không phải người bản địa, nhưng với con mắt khách quan của mình, anh vẽ phố Hội với những khám phá mới mẻ cùng một bút pháp quyết đoán, mạnh mẽ đúng như tính cách của anh. Tranh của anh vì thế khác hẳn với những họa sỹ khác đã và đang vẽ về phố Hội.



Các thành viên trong nhóm Hiện thực tại buổi lễ khai mạc.


Thưởng lãm những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật cao.


Các tác phẩm đều lấy cảm hứng từ hiện thực nhưng các họa sĩ có các thủ pháp
và cách đặt vấn đề khác nhau trong sáng tác của mình.


Một góc triển lãm.


Triển lãm thu hút được sự quan tâm của du khách nước ngoài.

Thêm một họa sỹ nữa trong nhóm vẽ về phố, nhưng vẽ về nơi mình sinh ra, đó là họa sỹ Mai Duy Minh. Nếu tranh của Phạm Bình Chương thấm đẫm sự lãng mạn, lúc nào cũng tươi mới như tình yêu mới chớm thì các tác phẩm của Mai Duy Minh lại đậm đặc sự u hoài, nuối tiếc và cô đơn. Anh có biệt tài diễn tả ánh sáng, một thứ ánh sáng ma mị, ám ảnh... khiến phố trong tranh anh mang nhiều tâm sự với những đối tượng bình dị được nâng thành biểu tượng. Nếu nói “Hiện thực không phải là cái ta nhìn thấy bằng mắt, mà là cái ta quan niệm bằng tâm tưởng’’ (Thái Bá Vân) thì các tác phẩm của họa sỹ Mai Duy Minh đã đạt được tâm tưởng ấy.

Khi nói Đoàn Văn Tới là họa sỹ duy nhất dùng chất liệu acrylic thì Nguyễn Văn Toán là họa sỹ duy nhất vẽ màu nước trong nhóm Hiện thực. Anh là người có kỹ thuật vẽ màu nước cẩn trọng và căn bản. Đó là khả năng diễn tả màu trắng của đối tượng chủ yếu qua kỹ thuật để chừa giấy; là khả năng diễn tả màu tối rất chắc khỏe mà không bị đặc, chết màu, tịt không gian. Loạt tranh tĩnh vật của anh thể hiện rất rõ những ưu việt này, khiến tranh của Nguyễn Văn Toán vừa có độ trong trẻo của màu nước mà lại vẫn có sức đầm, độ nặng của tâm tình. 

Vẽ về đề tài dân tộc vùng cao, nhóm Hiện thực có các họa sỹ: Lê Cù Thuần, Nguyễn Lê Tân, Nguyễn Đinh Duy Quyền và Lê Thế Anh.

Họa sỹ Lê Cù Thuần hiện đang sinh sống và làm việc tại Tuyên Quang. Có lẽ vì vậy mà đề tài dân tộc vừa là thế mạnh vừa là sự thúc đẩy tự thân trong cảm xúc của anh. Anh có kỹ thuật sơn dầu thấu đáo, diễn tả chất liệu tài tình nhưng trên hết là khả năng sử dụng đắc địa khoảng trống trong tranh. Đó là khoảng trống kể được rất nhiều câu chuyện, chất chứa rất nhiều tâm tư; khiến tranh anh có sự đương đại nhưng lại rất truyền thống và gần gũi.

Nếu Nguyễn Đinh Duy Quyền và Lê Thế Anh rất đam mê vẽ về trẻ em vùng cao thì như một khu biệt độc đáo, họa sỹ Nguyễn Lê Tân hầu như chỉ vẽ về người già. Đây cũng là mạch nối trong tư duy sáng tác của anh. Anh ưa vẽ những người cao tuổi trong những không gian ít nhiều ưu tư. Đó cũng là sự thương cảm cho những số phận đang ngày càng trở nên cô đơn trong gia đình, giữa xã hội đương đại đang ngày càng vô cảm./.


Một số tác phẩm trong triển lãm:


Tác phẩm: Buổi sáng nhà cô Páo (họa sĩ Nguyễn Lê Tân).


Tác phẩm: Kỉ niệm xưa (họa sĩ Nguyễn Lê Tân).


Tác phẩm: Sắc xuân (họa sĩ Phạm Bình Chương).


Tác phẩm: Lối về (họa sĩ Phạm Bình Chương).


Tác phẩm: Hai chị em (họa sĩ Nguyễn Đinh Duy Quyền).


Tác phẩm: Bên bếp lửa hồng (họa sĩ Nguyễn Đinh Duy Quyền).


Tác phẩm: Gia đình (họa sĩ Lê Thế Anh).


Tác phẩm: Đợi mẹ (Lê Thế Anh).


Tác phẩm: Quy hoạch (họa sĩ Lê Cù Thuần).


Tác phẩm: Hồi ước (họa sĩ Trịnh Minh Tiến).


Tác phẩm: Cô gái với chiếc lông ngỗng (họa sĩ Vũ Ngọc Vĩnh).


Tác phẩm: Ngô (họa sĩ Nguyễn Văn Bảy).


Tác phẩm: Biển (họa sĩ Nguyễn Văn Bảy).


 Tác phẩm: Cây đào ra hoa (họa sĩ Đoàn Văn Tới).


Tác phẩm: Thánh đường trong cơn mưa (họa sĩ Trịnh Minh Tiến).

Thực hiện: Nguyễn Luân – Thông Hải

Nghệ thuật cắm hoa Ikebana của Nhật Bản

Nghệ thuật cắm hoa Ikebana của Nhật Bản

Vừa qua tại Hà Nội, đã diễn ra Triển lãm Ikebana Hà Nội lần thứ VI do Hội sở Ikenobo Việt Nam (Ikenobo Vietnam Centre Study Group) với chủ đề “More than Flower”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Nhật Bản (1973-2023). Triển lãm được tổ chức nhằm lan tỏa vẻ đẹp của nghệ thuật Ikebana đồng thời là nơi gặp gỡ của những tâm hồn cùng chung mỹ cảm và những rung động trong tình yêu thiên nhiên. Hoa lá giúp kết nối để con người hiểu biết hơn về thiên nhiên, về chính mình và từ đó mở ra những cuộc gặp gỡ mới của sự hòa hợp, thấu hiểu giữa những tâm hồn Việt Nam – Nhật Bản.

Top