Nghệ thuật

Những chú búp bê giấy mang tâm hồn Việt

Những con búp bê giấy ngộ nghĩnh, dễ thương mang đủ mọi hình dáng, biểu cảm từ nhiều nhân vật khác nhau thực sự là một sản phẩm handmade độc đáo mang nét văn hóa Việt dành cho du khách quốc tế. Sản phẩm này thể hiện niềm đam mê, khả năng sáng tạo của một cô gái trẻ cũng dễ thương không kém những con búp bê giấy ngộ nghĩnh…
Tuyết Hường chính là cô gái trẻ mà chúng tôi muốn nhắc đến ở đây. Với niềm đam mê biên kịch của mình, Hường đã từ bỏ công việc đầy năng động của nghề phóng viên để tham gia một khóa học đào tạo viết kịch bản. Kịch bản phim đầu tay của cô là “Búp bê giấy” với nhân vật chính là những con búp bê bằng giấy ngộ nghĩnh. Tuy vậy, Tuyết Hường lại không tìm được người để làm búp bê giấy để phục vụ cho quá trình quay phim sau này. Điều này vô tình nảy sinh ra ý tưởng mà Tuyết Hường đã chia sẻ với chúng tôi: “Ở nhiều quốc gia đều có riêng một loại búp bê nào đó, như búp bê Nga, búp bê Barbie... tại sao Việt Nam không có một loại búp bê nào đó đặc trưng? Thế nên tôi nghĩ nếu mình có thể làm một sản phẩm búp bê giấy đặc trưng cho Việt Nam kết hợp cùng ý tưởng phim của tôi thì sẽ rất tuyệt”.


Giấy nhún, loại nguyên liệu chính dùng để làm búp bê giấy.


Chỉ màu, cúc nhựa, keo dán, nơ vải... là những nguyên liệu phụ trợ dùng để trang trí cho búp bê giấy.


Tuyết Hường phác thảo mẫu trước khi làm búp bê giấy.


Cắt giấy để làm quần áo cho búp bê.


Tuyết Hường đảm nhiệm nhiều vai trò, từ thiết kế mẫu, tạo hình nhân vật,
chọn trang phục, cho đến tạo kiểu tóc, vẽ mặt nhân vật để làm nên một con búp bê giấy.



Làm búp bê giấy đòi hỏi sự tỉ mỉ.


Trang phục của búp bê giấy luôn được Tuyết Hường chăm chút rất tinh tế.


Tuyết Hường gửi gắm nhiều câu chuyện vào mỗi con búp bê giấy của mình.


Tuyết Hường với những con búp bê giấy ngộ nghĩn của mình.

Lúc đầu, Tuyết Hường phải mất nhiều thời gian cho việc tìm mua các loại nguyên liệu khác nhau để thử, rồi mày mò thực hiện các công đoạn làm búp bê… Rồi lần lượt các con búp bê giấy với nhiều kiểu dáng, màu sắc được Hường làm ra và đã nhận được rất nhiều lời khen của mọi người. Hường cũng khá bất ngờ khi thấy có nhiều người tìm đến đặt hàng búp bê giấy để làm quà tặng. Không chỉ nhận nhiều lời đặt hàng, nhiều bạn trẻ yêu thích đồ handmade còn muốn học hỏi kỹ thuật làm búp bê giấy, nhưng Hường đều từ chối và cho biết hiện cô đang khá bận rộn với các kịch bản mới.

Tuyết Hường cho biết, để hoàn thành một con búp bê giấy, Hường phải đảm nhiệm nhiều vai trò, từ thiết kế mẫu, tạo hình nhân vật, chọn trang phục cho đến tạo kiểu tóc, vẽ mặt nhân vật. Trước hết phải làm khung cho búp bê, sau đó quấn giấy tạo tay, chân, đầu..., rồi mới đến các bước cắt dán các lớp giấy lót, váy lót, quần áo, tóc và tạo mặt.

Nhờ có năng khiếu hội họa cùng với việc đã từng học thêu và may nên khi làm búp bê giấy, Tuyết Hường gần như được thỏa sức sáng tạo và cực kỳ hào hứng. Có lẽ vì thế mà những cô nàng búp bê giấy do Tuyết Hường làm ra đều mang phong cách riêng và rất có hồn. Hường cũng tự tay sáng tạo làm nhiều kiểu tóc và trang phục cho búp bê, từ đồ dạ tiệc đến váy cưới, trang phục dân tộc đều được Hường chăm chút rất tinh tế. Theo Hường, khâu vẽ mắt sẽ quyết định cái “thần thái” của búp bê, nếu vẽ không khéo là hỏng cả búp bê. Đối với người mẫu là nam, lại là người nước ngoài, Hường còn phải vẽ tỉ mỉ thêm râu, mắt xanh cho thật giống.

Thời gian bình quân để Tuyết Hường hoàn thành một con búp bê tùy vào ý tưởng, thường thì khoảng 4-5 tiếng. Bất kỳ ai khi lần đầu nhìn thấy những sản phẩm búp bê giấy xinh đẹp này đều trầm trồ khen ngợi. Đằng sau mỗi con búp bê là rất nhiều câu chuyện về tình yêu, tình bạn, về cảm xúc và ký ức mà Tuyết Hường muốn gửi gắm vào đó. Và điều quan trọng là Tuyết Hường đã sáng tạo ra một sản phẩm handmade mang nét văn hóa thuần Việt, với những khuôn mặt, biểu cảm gắn với người phụ nữ Việt Nam. Qua đó, giúp du khách quốc tế hiểu thêm về văn hóa Việt Nam và có một sản phẩm thú vị để lựa chọn làm quà tặng cho bạn bè và người thân mỗi khi có dịp đến với đất nước Việt Nam xinh đẹp và mến khách./.


Một số mẫu búp bê giấy của Thúy Hường:













 

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân

Những trang sử bằng hình sắc – Hòa quyện nghệ thuật và ký ức lịch sử

“Những trang sử bằng hình sắc” – Hòa quyện nghệ thuật và ký ức lịch sử

Sáng 19/12/2024 tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, Hà Nội), triển lãm nghệ thuật “Những trang sử bằng hình sắc” chính thức khai mạc thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật và những người muốn tìm lại ký ức lịch sử hào hùng.

Top