Chân dung

Nhà nghiên cứu Hán Nôm 8X

Trần Quang Đức, một nhà nghiên cứu Hán Nôm ở thế hệ 8X và là tác giả của cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” đã tạo nên một hiện tượng trong giới trẻ thời gian qua và mở ra một hướng tiếp cận mới trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa vốn dĩ rất hàn lâm.
Từ hiện tượng “ngàn năm áo mũ”…
Năm 2013, ấn phẩm “Ngàn năm áo mũ” của Trần Quang Đức chính thức ra mắt độc giả. Cuốn sách ngay sau đó đã tạo lên một hiện tượng trên thị trường sách nghiên cứu Việt Nam.

Với hai lần xuất bản liên tiếp nhau một tháng, số lượng tiêu thụ của “Ngàn năm áo mũ” đã tăng từ 1000 cuốn trong lần xuất bản thứ nhất lên hơn 7000 cuốn trong lần xuất bản thứ hai.



Nhà nghiên cứu trẻ Trần Quang Đức, người mở ra hướng tiếp cận mới trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa
vốn dĩ rất hàn lâm ở Việt Nam.



Những câu chuyện văn hóa luôn được Trần Quang Đức lồng ghép trong từng con chữ tại các lớp học Hán Nôm của mình.  

 

Nhã Nam, nhà sách có tiếng “nhạy” với thị trường sách Việt Nam cũng không tiên lượng được độ “hot” của Ngàn năm áo mũ. Đây là một trong những cuốn sách hiếm hoi trong dòng sách nghiên cứu ở Việt Nam thuyết phục hoàn toàn giới chuyên môn và giành giải sách hay ở hạng mục “Phát hiện mới” (năm 2014).

“Ngàn năm áo mũ” được ra đời từ tham vọng rất bé nhỏ của một cậu du học sinh mới trở về nước. Năm 2009, Trần Quang Đức tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh và trở về Việt Nam. Thời điểm đó, phim cổ trang của Việt Nam đang đau đầu với các vấn đề về trang phục, chưa có sự khác biệt với trang phục của phim cổ trang Trung Quốc. Điều này đã khiến chàng du học sinh trẻ nảy ra một ý định lớn hơn đó là viết một cuốn sách để “bù đắp vào khoảng trống mênh mông của lịch sử trang phục Việt Nam và lịch sử văn hóa Việt Nam”.

Ngàn năm áo mũ là tác phẩm đã làm sống dậy trang phục của người Việt trong gần một 1000 năm từ triều Lý đến triều Nguyễn (1009-1945). Trong cuốn sách, tác giả đi sâu phân tích từ trang phục cung đình (hoàng đế, vua chúa, bá quan, rồi lễ phục, triều phục), cho đến trang phục quân đội, trang phục dân gian (cả y phục và kiểu tóc).


“Có lẽ đây là một trong những tập tài liệu văn hóa, lịch sử trang phục được nghiên cứu sâu và được biên soạn kỹ nhất ở Việt Nam, nếu không nói là quốc tế, cho đến thời điểm này”.
(Nhà nghiên cứu Trịnh Bách nhận xét về cuốn sách Ngàn năm áo mũ).
 
… Đến giấc mơ lập trí của thầy đồ 8X
Hành trang chưa có gì đáng nói ngoài “Ngàn năm áo mũ”, nhưng giấc mơ lập trí của nhà nghiên cứu 8x này vẫn không vì thế mà bị gián đoạn.

Một lớp học Hán Nôm được ra đời ngay sau đó. Trần Quang Đức bắt đầu giấc mơ lập trí của mình với công việc của một thầy đồ.

Lớp học Hán Nôm, cái tên vốn dĩ đã đậm chất hàn lâm và kén người học, thì bài toán tồn tại này không hề dễ giải. Thế nhưng đến tháng 10.2017, lớp học Hán Nôm của Trần Quang Đức đã có 7 khóa học đã được tốt nghiệp và hiện nay vẫn đều đặn khai giảng các khóa mới.



Giáo trình sử dụng trong lớp học Hán Nôm của Trần Quang Đức luôn được cập nhật thường xuyên từ chính tâm lý, nhu cầu, đặc điểm của các học viên sau mỗi khóa học.


Chính vì vậy, lớp học Hán Nôm của Trần Quang Đức 
luôn có một sức hút đặc biệt với những người yêu thích văn hóa cổ.

 

Theo Trần Quang Đức thì những lớp học Hán Nôm này được lập ra với mục tiêu để Trần Quang Đức được tương tác, lan tỏa tri thức với những người cùng sở thích, đam mê và chính những học trò này của ông đồ 8x lại tiếp tục làm công việc giống thầy giáo của họ đó là đi dịch sách.

Mục tiêu thứ hai của lớp học theo lời của thầy đồ 8x là “hoàn thiện một giáo trình ngôn ngữ Hán Nôm phổ cập đến đại đa số người Việt để thông qua đó họ hiểu về nếp ăn, nếp nghĩ của người tiền nhân”.

Bởi vậy, giáo trình dùng trong lớp học được cập nhật thường xuyên từ chính tâm lý, nhu cầu, đặc điểm của các học viên sau mỗi khóa học.

Quan điểm của Trần Quang Đức đó là “Làm nghề gì, quan trọng nhất là luôn phải có một đầu óc tổ chức khoa học, logic và đề cao tính hiệu quả”. Bởi vậy, ông đồ 8x không ngại khi người khác dùng một từ mang tính rất thị trường gắn cho công việc hiện tại của mình đó là “khởi nghiệp”.

Cách thức để có thể thực hiện trí lập nghiệp của mỗi người có thể khác nhau theo tư duy thời đại mà họ đang sống. Nhưng cái cốt để những người làm công việc nghiên cứu liên quan đến văn hóa được cộng đồng ghi nhận thì Trần Quang Đức cũng không ngoại lệ. Ông đồ 8x đã kết câu chuyện với chúng tôi bằng một lời tự sự như thế này: “Tất cả mọi người sống ở hiện đại đều vác trên vai mình một cái bóng của quá khứ nhưng vô hình chung họ đều không nhận biết được điều đó. Và công việc của tôi đó là giúp họ nhận ra sự hoàn thiện trong mỗi con người đều có gắn kết từ quá khứ”./.

 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường
 
 
 
 
 
 

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Trong số khoảng 100 nữ quân nhân được Việt Nam cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thượng tá Nguyễn Thị Liên là người hai lần được cử đến Châu Phi. Không chỉ giỏi về chuyên môn, chị còn nhiệt tình, sáng tạo trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân nên đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng các đồng nghiệp quốc tế và người dân địa phương.

Top