Khám phá

Nhà lang trong văn hóa Mường

Nhà lang mường được ví như trung tâm quyền lực của xứ Mường. Xưa kia, xứ mường cổ hình thành các dòng họ lang đạo, chia nhau cai quản các vùng. Đứng đầu các mường có lang cun, lang xóm hoặc đạo xóm cai quản. Lịch sử về những ngôi nhà lang, biểu tượng quyền lực của tộc mường và những câu chuyện xung quanh ngôi nhà lang được kể lại thông qua những nghi lễ cổ và những nhân chứng của chính thế hệ dòng dõi lang mường.
Trong cuốn đại việt sử ký toàn thư và Việt Nam sử lược của nhà nghiên cứu Trần Trọng Kim có nói về thời đại của vua Hùng, con trai được gọi là Quan Lang, con gái được gọi là Mỹ Nương, các tướng được gọi là lạc hầu, lạc tướng. Còn trong sử thi “đẻ đất đẻ nước” có nói về hoàn cảnh ra đời của chế độ nhà lang. Người mường sau thời gian loạn lạc, họ đã tôn một vị gọi là ông Đá Cần (còn gọi là lang Cun Cần) lên làm lang. Điều đó cho thấy nguồn gốc nhà lang là xuất phát từ nhân dân.

Mường là đơn vị tổ chức xã hội, tập hợp nhiều làng trong cùng một thung lũng, hay nhiều thung lũng, liền kề nhau. Đơn vị tổ chức này đặt dưới sự cai quản của một dòng họ quý tộc mà người Mường vẫn gọi là “nhà Lang”. 
“Người mường có câu: mường có lang, làng có đạo. Các lang thường tập trung ở các làng trung tâm của các vùng mường lớn. Nhà lang còn có một vị trí và vai trò như một bộ máy, trụ sở công quyền để giải quyết các công việc hay các vấn đề nảy sinh trong vùng đất mường. Cho nên các thiết chế hay các kiến trúc nhà lang cũng chính là đại diện cho quyền lực của nhà lang đối với dân mường cũng như là đại diện cho quyền lực cũng như sự trù phú của vùng mường nơi đấy” – nhà nghiên cứu Bùi Huy Vọng cho biết.


Nhà lang mường được ví như trung tâm quyền lực, một thủ đô thu nhỏ của xứ Mường.


Toàn cảnh bên trong ngôi nhà sàn chính trong khuôn viên nhà lang mường.


Cửa chính giữa của gian nhà sàn trong nhà lang. Phía ngoài là mái hiên được xếp bằng những thanh tre dài,
người Mường gọi nó là cái Khạp, dùng để phơi ngô, thóc, thực phẩm, quần áo chăn màn, ngoài ra còn là nơi sắp cỗ khi nhà có việc.


Bếp lửa lớn ở gian cuối dùng để nấu nướng, sinh hoạt chung cho gia đình quan lang.


Cồng chiêng được bày biện, trang trí trong ngôi nhà sàn chính.


Những khẩu súng cổ được trang trí bên trong nhà sàn chính.


Một số nhà lang còn sử dụng các loại sừng trâu, sừng bò, sừng tê giác hay treo các mũi tên để trang trí cho nhà lang.


Những vật dụng dùng cho việc cúng tế.


Lịch đoi, còn có tên gọi là lịch tre, lịch Mường, là một công cụ tính lịch độc đáo của người mường cổ
mà ngày nay không nhiều người còn biết đến.


Các dụng cụ làm nông của người mường xưa.

Theo những sử liệu ghi chép lại, thì chế độ nhà lang chính là đại diện cho người nhà trời nên khuôn viên ngôi nhà lang thường được đặt ở vị trí đắc địa, trung tâm của một vùng mường lớn. Do vị trí độc tôn về quyền lực cho nên nhà lang có thể chọn bất cứ chỗ nào để dựng nhà, cấm các nhà dân không được làm nhà to, nhà rộng hơn nhà lang. 

Nhà lang có tất cả 5 gian, 2 chái, tổng cộng là 7 gian được xây dựng trên phần đất rất cao để thể hiện sự tôn kính và uy quyền, đứng trên cao để chỉ đạo, cai quản cả một vùng mường. Ở giữa Nhà lang là một ngôi nhà lớn để điều hành tất cả các công việc, gọi là nhà sàn chính, xung quanh có các dãy nhà của người hầu, nhà kho để phục vụ cho các công tác quản lý và điều hành của nhà lang.

Đi sâu vào những nét kiến trúc bên trong ngôi nhà sàn chính trong khuôn viên nhà lang thì cách bố trí số gian cũng vô cùng hợp lý và quy củ. Mỗi gian đều gắn với chức năng và nhiệm vụ rõ ràng.

Ngôi nhà sàn chính cũng là nơi để hội họp, đưa ra những quyết sách về quản lý và điều hành của nhà lang. Các quan lại sẽ được ngồi ở 2 gian 2 đầu để nghe và cùng bàn bạc. Còn 2 gian giữa là nơi tập trung để xử lý những công việc quan trọng nhất của nhà lang.

Đặc biệt, trong cách bài trí kiến trúc gian phòng trong ngôi nhà sàn chính, tại mỗi gian đều được các quan lang bày biện và treo những đồ vật linh thiêng như trống đồng, cồng chiêng, súng nỏ và có khi là các loại sừng trâu, sừng bò, sừng tê giác hay treo các mũi tên. Điều ấy tượng trưng cho sự giàu có và uy quyền tối cao của chế độ nhà lang. Bên cạnh đó, trong thiết kề bài trí của ngôi nhà sàn, không thể nào thiếu hai bếp lửa, một bếp ở gian cuối dùng để nấu nướng, sinh hoạt chung cho gia đình quan lang, một bếp ở gian đầu hồi dùng để giải quyết việc công và tiếp khách. Theo quan niệm của người mường thì chỉ có nhà lang được xây 2 bếp, nhà dân thường chỉ có một bếp và lửa trong bếp lúc nào cũng phải cháy, nếu tắt thì chuyện không may sẽ xảy ra.

Từ những giá trị văn hóa mang đậm giá trị truyền thống, cùng với đó là những nét kiến trúc độc đáo của ngôi nhà lang, những năm gần đây, ngành văn hóa tỉnh Hòa Bình và một số cá nhân yêu văn hóa mường đã cho tái dựng lại ngôi nhà lang ở một số địa phương và khuôn viên bảo tàng không gian văn hóa mường. Việc tái dựng này nhằm mục đích giữ gìn nét văn hóa truyền thống, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và kết hợp phát triển du lịch.


Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tham quan nhà lang mường
trong khuôn viên bảo tàng không gian văn hóa mường tại thành phố Hòa Bình.


Việc tái dựng lại những nhà lang nhằm mục đích giữ gìn nét văn hóa truyền thống, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
và kết hợp phát triển du lịch.


Khách du lịch trải nghiệm nướng cá trong căn bếp của người mường trong nhà lang.




Du khách trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống của người mường bên trong khuôn viên nhà lang mường.

Ngày nay, việc tái dựng lại ngôi nhà lang mường là việc làm quan trọng, cấp thiết của các cấp ngành văn hóa trên tỉnh Hòa Bình nói riêng nhằm khôi phục, gìn giữ các nét văn hóa truyền thống của dân tộc mường trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.

- Mường là đơn vị tổ chức xã hội, tập hợp nhiều làng trong cùng một thung lũng, hay nhiều thung lũng, liền kề nhau. Đơn vị tổ chức này đặt dưới sự cai quản của một dòng họ quý tộc mà người mường vẫn gọi là “nhà Lang”.

- Bộ máy lãnh đạo đứng đầu là quan lang, gồm có Lang Cun và Lang Đạo là những người thuộc dòng họ quý tộc. Lang Cun có uy thế và quyền lực lớn, thường cử người nhà đi làm Lang Đạo ở các xóm trong Mường. Chức Lang được truyền lại theo hình thức cha truyền con nối. 

Thực hiện: Thanh Giang – Công Đạt

23 tháng Chạp, Huế thượng nêu báo hiệu Tết đã về

23 tháng Chạp, Huế thượng nêu báo hiệu Tết đã về

Sáng nay, 22/01/2025, tức nhằm ngày 23 tháng chạp năm Giáp Thìn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lễ thượng nêu (Thướng tiêu) tại Triệu Tổ Miếu và Thế Tổ Miếu trong Đại Nội.

Top