Thủ phủ "ròng rọc na"
Từ Hà Nội, ngược quốc lộ 1A, đến cầu Chi Lăng thuộc thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng) đã thấy ven đường một khung cảnh nhộn nhịp khác thường. Từng đoàn người tấp nập gánh, gồn, gùi từng sọt na khoảng 30 kg từ các ròng rọc ven đường xuống các đại lý, rồi tỏa về chợ na Đồng Bành bán cho thương lái. Hoàng Văn Phú, người dân tộc Tày ở thị trấn Chi Lăng người mướt mải mồ hôi, đỡ từng sọt na từ ròng rọc trên núi cao xuống rồi lựa quả na chín nhất, ngon nhất mời khách. Giữa cái nắng cuối hè, vị thơm ngọt của trái na như ngấm vào từng tế bào làm ta quên đi cái mệt nhọc sau một chặng đường xa.
Hoàng Văn Phú rất tự hào nói nhiều về hệ thống ròng rọc na ở quê mình. Cả vùng đá Chi Lăng này có đến hàng nghìn cái ròng ròng để vận chuyển na. Thông thường, những vạt na trên núi sẽ được bà con thu hái rồi đóng vào sọt lắp vào ròng rọc chuyển xuống chân núi. Phú bảo: “Cách đây 15 năm trước, khi bà con chưa chế ròng rọc để vận chuyển thì mùa thu hoạch na vất vả lắm. Chúng tôi mất cả ngày trời chỉ để gùi, cõng từng sọt na xuống núi, không chỉ quả na bị trầy xước, dập nát mà cả người gùi xuống cũng rất nguy hiểm. Đã có nhiều trường hợp thương tâm khi gùi na rơi từ trên núi xuống”.
Huyện Chi Lăng có khoảng 15 nghìn ha diện tích trồng na. Na là mặt hàng nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương này. Ảnh: Ngọc Thành Hằng năm từ tháng 8 -9 là chính vụ thu hoạch na của người dân huyện Chi Lăng. Ảnh: Tất Sơn Người dân vùng Chi Lăng thường thu hoạch na trên núi vào buổi sáng sớm để kịp vận chuyển xuống chợ bán cho thương lái mang đi tiêu thụ trong ngày. Ảnh: Ngọc Thành Sau khu thu hoạch, họ đóng na vào các thúng, sọt có trọng lượng khoảng 30 kg rồi cài lên ròng rọc chuyển xuống chân núi. Ảnh: Ngọc Thành Việc sáng chế ra chiếc ròng rọc đã giảm thiểu thời gian vận chuyển na. Thông thường, mỗi sọt na vận chuyển từ đỉnh núi xuống bằng ròng rọc chỉ mất khoảng hai phút. Ảnh: Thông Thiện Na được vận chuyển bằng ròng rọc xuống núi. Ảnh: Ngọc Thành Sau một chu trình vận chuyển bằng ròng rọc, những sọt na đã được tập kết ở ven quốc lộ 1A đoạn qua huyện Chi Lăng, thuận tiện cho việc bán cho thương lái. Ảnh: Tất Sơn Ở những quả núi thấp, người dân tự gánh na sau thu hoạch mang xuống chợ Đồng Bành bán cho thương lái. Ảnh: Ngọc Thành Hàng nghìn quả núi ở huyện Chi Lăng đã phủ một mầu xanh bắt mắt của cây na. Ảnh: Bảo Uyên Thương lái thu mua, trả giá na ở quốc lộ 1A đoạn qua huyện Chi Lăng. Ảnh: Tất Sơn Hoàng Văn Phú dùng xe công nông chở na đến các đại lý bán cho thương lái. Ảnh: Tất Sơn |
Quan sát cái ròng rọc chuyển na nhà Phú quả là sáng tạo của bà con nông dân nơi đây. Chỉ cần hai cái vành xe máy đã cũ, được đóng cố định ở hai điểm là đỉnh núi và chân núi và bà con mua khoảng 500m dây thép nối kín vào hai vành xe máy là có thể vân chuyển từ trên đỉnh núi xuống hàng tấn na mỗi ngày. Tú cho biết thêm, mỗi chiếc ròng rọc từ công mua nguyên vật liệu đến lắp đặt mất khoảng 10 triệu đồng và có thể dùng trong vòng 10 năm.
Cạch ròng rọc na nhà Phú là hệ thống ròng rọc na nhà chị Nguyễn Thị Thơm. Nhà chị Thơm vừa trồng 2,7ha na trên núi vừa mở đại lý thu mua na của bà con rồi bán lại cho thương lái. Chị Thơm bảo rằng: “Năm nay ít mưa, na được mùa quả, được mùi hương và cả vị ngọt đậm đà hơn các mùa trước. Đầu mùa, tôi thu mua của bà con từ 40 – 60 nghìn/kg loại quả to đẹp. Thời điểm này, tôi thu mua từ 20 – 30 nghìn/kg. Nhà tôi thu mua không kịp đơn đặt hàng của thương lái”.
Để thương hiệu na Chi Lăng bay xa
Đi dọc quốc lộ 1A đến thị trấn Đồng Bành, chúng tôi bắt gặp quang cảnh huyên náo của khu chợ buôn bán na lớn nhất miền Bắc. Từng đoàn người từ các xã Bắc Thủy, Bằng Hữu, Bằng Mạc, Chiến Thắng, Gia Lộc, Hòa Bình, Hữu Kiên, Lâm Sơn, Mai Sao, Quan Sơn, Vân Thủy, Y Tịch… đổ về chợ na Đồng Bành Bán cho thương lái. Chị Nguyễn Thị Lụa, một người buôn na ở Đồng Bành cho biết, mỗi ngày có khoảng 50 tấn na được giao dịch thành công ở chợ này.
Theo ông Vi Nông Trường - Phó chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, Chợ na rộng 1 ha này được hình thành từ năm 2017 để giúp bà con và thương lái giao dịch an toàn, tránh tai nạn giao thông khi buôn bán ở dọc quốc lộ 1A như trước đây. Ông Trường còn cho biết thêm, song song với việc hình thành chợ na, huyện Chi Lăng và tỉnh Lạng Sơn đã thường xuyên phối hợp tổ chức các hội chợ quảng bá thương hiệu na Chi Lăng đến người tiêu dùng khắp các tỉnh thành phía Bắc.
Sáng sớm, hoạt động mua bán đã diễn ra sôi nổi tại chợ Đồng Bành - nơi được coi là chợ na lớn nhất miền Bắc. Ảnh: Bảo Uyên Thương lái tìm mua những sọt na tươi ngon mới thu hoạch tại chợ Đồng Bành. Ảnh: Tất Sơn Mỗi ngày có khoảng 50 tấn na tập kết ở chợ Đồng Bành, được thương lái thu mua đi tiêu thu khắp miền Bắc. Ảnh: Bảo Uyên Chợ na Đồng Bành tấp nập kẻ bán người mua. Ảnh: Tất Sơn Thương lái đóng thùng tại chợ Đồng Bành để dễ vận chuyển na đi tiêu thụ. Ảnh: Thông Thiện Tại chợ Đồng Bành, na được thương lái lựa chọn thu mua từ 20 - 60 nghìn đồng/kg tùy loại quả nhỏ to. Ảnh: Thông Thiện Cây na trồng ở Chi Lăng cho quả to, có vị ngọt thơm đặc biệt, được thị trường trong nước ưa chuộng. Ảnh: Thông Thiện |
Cây na bén duyên trên vùng đất Chi Lăng từ những năm 60 của thế kỷ trước do những người dân Bắc Giang lên vùng kinh tế mới trồng. Cây na ở Chi Lăng cho quả to, vỏ mỏng, ít hạt, thịt dày, vị ngọt đậm, mùi thơm đặc trưng và chất lượng tốt hơn trồng ở các địa phương khác. |
Huyện Chi Lăng là địa phương có diện tích trồng na tập trung lớn nhất cả nước với trên 1.550 ha, sản lượng đạt 15.500 tấn/năm, giá trị thành tiền đạt hơn 460 tỷ đồng. Cây na đã và đang đảm bảo đời sống dân sinh cho hơn 300 hộ dân chủ yếu là dân tộc tày, Nùng trong huyện và bài toán để thương hiệu na Chi Lăng vươn ra quốc tế đang được địa phương này tìm lời giải đáp trong một tương lai gần ./.
Bài: Phong Thu - Ảnh: Bảo Uyên, Thông Thiện, Tất Sơn, Ngọc Thành