Kinh tế

Nghề đóng tàu ở Phước Tỉnh

Nằm nghiêng nghiêng bên vịnh Cửa Lấp, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có nghề đóng tàu gỗ đi biển nổi tiếng khắp vùng Đông Nam Bộ. Từ xưa tới nay, những con tàu đóng ở nơi này được bạn hàng nhiều nơi đánh giá có mẫu mã đẹp và rất chắc chắn để có thể phục vụ cho những chuyến đi biển dài ngày.
Phước Tỉnh là một trong hai làng cá lâu đời nhất (cùng với làng cá Phước Hải) của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Tương truyền, từ thời Gia Long (1802-1820), người ta đã dựng đàn Kỳ Phong ở Phước Tỉnh để thờ các vị hải thần. Cư dân nơi này tin rằng nhờ đó mà họ có cuộc sống ấm no nhờ biển cả.

Vừa đến chân cầu Cửa Lấp để qua xã Phước Tỉnh, chúng tôi đã nghe thấy nhiều âm thanh vọng ra rất nhộn nhịp của xưởng đóng tàu. Tiếng máy cưa, tiếng búa, đục vang lên cả một khúc sông. Hơn ngàn con người đang mải miết với công việc của mình trên những chiếc tàu đang nằm trên bờ. Nơi đây, người ta thấy có nhiều con tàu đóng mới vừa hoàn thiện xong, nước sơn rất đẹp và đang chờ ngày hạ thủy, trong khi nhiều chiếc khác chỉ mới rõ hình thù, màu vân gỗ vẫn còn đang nguyên vẹn.
 

Gỗ dùng để đóng tàu là những loại gỗ bền, nhẹ, ít thấm nước như gỗ bô, xương gà, chò...

Một người thợ đang bào lại mảnh gỗ dùng để đóng con tàu mới.

Hoàn thiện khung tàu.

Hoàn thiện phần mũi tàu.

Lắp chân vịt cho tàu.

Một con tàu gỗ công suất lớn có chiều dài khoảng 25 mét.

Do có nghề cá phát triển nên việc đóng những chiếc tàu làm phương tiện để đánh bắt hải sản cũng rất được chú trọng. Từ ngày xưa, kĩ thuật đóng tàu đã được những người thợ ở đây tìm tòi, phát triển để có thể đóng được những chiếc tàu chịu lực, chịu sóng tốt và có thời gian sử dụng lâu bền. Những loại gỗ tốt, nhẹ, độ bền lâu, ít thấm nước… như bô, xương gà, chò…

Để có thể ráp những tấm ván dày và uốn theo kết cấu của thân tàu, người thợ phải ép những thanh gỗ to bản và dài qua lửa ở nhiệt độ cao. Sau đó ghép với nhau theo hình răng cưa rất chắc chắn. Khi phần khung, sườn tàu đã được hình thành, người ta mới làm tiếp những phần khác như ở bên trong như hầm hàng, khoang máy… Trong quá trình đóng tàu, chủ tàu và nhân viên kĩ thuật liên tục giám sát để đảm bảo con tàu được đóng đúng yêu cầu kĩ thuật.

Nghề đóng tàu đem lại việc làm quanh năm suốt tháng. Hiện nay, Phước Tỉnh có 5 ụ đóng tàu, thu hút hơn 500 thợ lành nghề và rất nhiều lao động địa phương làm việc. Mỗi năm, Phước Tỉnh cho hạ thủy hơn 40 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Anh Đỗ Tấn Công, Giám đốc một ụ đóng tàu cho biết: “Khách hàng bây giờ toàn đặt những tàu công suất lớn từ 500CV đến 900CV. Mỗi chiếc loại này được đóng với chiều dài trung bình 25 mét và chiều rộng 7 mét, có giá hơn 3 tỉ đồng trở lên. Chúng tôi đóng trong vòng 3-4 tháng là xong”.

Nhìn đội tàu cá màu xanh đậu kín cả một khúc sông dài từ cầu Cửa Lấp cho đến cảng cá Phước Tỉnh mới thấy nghề đánh bắt xa bờ nơi đây đang thay đổi mạnh mẽ. Ông Phan Thạch, Phó Chủ tịch xã Phước Tỉnh cho biết: “Phước Tỉnh hiện có 1.200 tàu đánh bắt thủy hải sản, trong đó có hơn 1000 tàu đánh bắt xa bờ công lớn. Đây là nơi tập trung đóng tàu không chỉ cho cả tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu mà còn ở các tỉnh bạn”.
 

Các tàu cũ được đưa lên đà để sửa chữa.

Một chiếc tàu sắp hoàn thành.

Tàu mang số hiệu QNG 92095TS được hạ thủy để chạy thử.

Xã Phước Tỉnh có đội tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn hơn 1000 chiếc.

Ngoài khả năng đóng mới, Phước Tỉnh cũng là nơi rất có uy tín trong việc sửa chữa, đại tu tàu biển. Vì thế, nhiều chủ tàu ở các tỉnh xa như Quảng Ngãi, Phú Yên, Kiên Giang… thường đem tàu đến tận đây để sửa chữa. Hôm chúng tôi đến cũng là ngày con tàu mang số hiệu QNG 92095TS của một ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi được hạ thủy sau gần một tháng tu sửa ở nơi này để chuẩn bị cho chuyến ra khơi vào mùa đánh bắt mới. 

Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu luôn xác định thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn và đang ưu tiên xây dựng những đội tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn đi dài ngày để có thể khai thác hết hiệu quả mang lại từ biển. Cùng với đó là việc hỗ trợ vốn cho ngư dân đóng tàu lớn để bám biển. Với phương châm như vậy, nghề đóng tàu ở Phước Tỉnh đang có những điều kiện hết sức tốt đẹp để ngày càng phát triển và tạo thu nhập cao hơn nữa cho người lao động./.
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Nguyễn Luân

Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Nguyễn Luân

Hơn 5 tỷ USD xuất khẩu cà phê và bài học về chuỗi cung ứng

Hơn 5 tỷ USD xuất khẩu cà phê và bài học về chuỗi cung ứng

Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia có sản lượng sản xuất, xuất khẩu cà phê Top đầu thế giới. Tuy nhiên, phải mất gần 1 thế kỷ với nhiều chu kỳ tăng trưởng, năm 2024 lần đầu tiên xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD. Làm gì để duy trì đà tăng trưởng đó một cách bền vững trong bối cảnh thị trường nhiều biến động khó lường là đề bài mà nhiều doanh nghiệp, ngành hàng trăn trở tìm lời giải cho năm 2025 và những năm tiếp theo.

Top