Kinh tế

Việt Nam- Điểm đến đầy hứa hẹn trong lĩnh vực bán dẫn

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ là nền tảng của công nghệ hiện đại, mà hơn thế nữa, còn là yếu tố cốt lõi quyết định đến sức mạnh của nền kinh tế số, quyết định đến sự phát triển của các ngành công nghệ đột phá. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp về địa chính trị thế giới đã thúc đẩy các quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tìm kiếm nguồn cung ứng linh kiện ổn định và bền vững hơn. Việt Nam với lợi thế lớn là quốc gia có nền chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng tốt liên tục trong nhiều năm, có  nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có đam mê sáng tạo đang là điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn.
Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 là sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn

Với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn toàn cầu vào năm 2030 và trung tâm về công nghiệp bán dẫn và điện tử toàn cầu đến năm 2040, hướng tới xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tiên tiến, hấp dẫn của khu vực và thế giới, giúp Việt Nam tự chủ và phát triển bền vững trong lĩnh vực này, Chính phủ Việt Nam đã xác định phát huy thế mạnh văn hóa và con người Việt Nam để trở thành đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong kỷ nguyên mới. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động triển khai Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan trong nước và quốc tế để đưa các chương trình đào tạo và phần mềm hiện đại nhất vào giảng dạy, đặc biệt trong các lĩnh vực như thiết kế vi mạch, kiểm thử và đóng gói. Trong quá trình triển khai, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cũng đã hợp tác chặt chẽ và tập hợp được sự tham gia, hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn như Cadence, Synosyps, Qorvo, Siemens, Marvell, ARM, Samsung… Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại học bang Arizona khởi động và triển khai chương trình tại Việt Nam, với mục tiêu đào tạo hơn 4.000 kỹ sư đóng gói, kiểm thử vi mạch từ nay đến hết năm 2025. Đồng thời, Việt Nam cũng đang tích cực hợp tác với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Châu Âu… để cùng đào tạo nhân lực, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.



Mới đây, triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 là sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn, lĩnh vực được coi là “trái tim” của công nghệ hiện đại và là nền tảng cho nền kinh tế số. 

Các doanh nghiệp tham quan gian hàng sản phẩm về công nghiệp bán dẫn tại Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024.


Lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, SEMIExpo Viet Nam 2024 đã thu hút sự tham gia của của hơn 5.000 đại biểu và 100 gian hàng đến từ các đối tác công nghệ lớn trong lĩnh vực bán dẫn như Cadence, Qualcomm, Intel, Qorvo, Dassault Systemes, Siemens, Tektronix, FPT, Viettel… SEMIExpo Viet Nam 2024 với nhiều hội thảo, hoạt động bên lề giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của Việt Nam cho các doanh nghiệp bán dẫn thế giới thể hiện rõ tinh thần hợp tác và sự đồng hành của cộng đồng bán dẫn thế giới với sự nghiệp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, cùng nhau hướng đến một tương lai phát triển nhanh và bền vững.

Đông đảo khách tham quan sản phẩm của Coherent là công ty hàng đầu thế giới về vật liệu, mạng và laser cho các thị trường công nghiệp, truyền thông, điện tử và thiết bị đo lường.

Khách tham quan gian hàng của Google.

Bên cạnh đó, Chương trình Đối thoại với các doanh nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì là diễn đàn cấp cao để trao đổi, chia sẻ những thực tiễn tốt nhất của ngành công nghiệp bán dẫn từ các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách quốc tế và Việt Nam. Qua đó để Việt Nam có thể tham gia một cách hiệu quả, chủ động vào các khâu trong chuỗi cung ứng bán dẫn, giúp khai thác tối đa lợi thế của Việt Nam và biến Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này./.

Bài: Ngân Hà- Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam

Hơn 5 tỷ USD xuất khẩu cà phê và bài học về chuỗi cung ứng

Hơn 5 tỷ USD xuất khẩu cà phê và bài học về chuỗi cung ứng

Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia có sản lượng sản xuất, xuất khẩu cà phê Top đầu thế giới. Tuy nhiên, phải mất gần 1 thế kỷ với nhiều chu kỳ tăng trưởng, năm 2024 lần đầu tiên xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD. Làm gì để duy trì đà tăng trưởng đó một cách bền vững trong bối cảnh thị trường nhiều biến động khó lường là đề bài mà nhiều doanh nghiệp, ngành hàng trăn trở tìm lời giải cho năm 2025 và những năm tiếp theo.

Top